‘Hộ chiếu vắc xin’ – xu hướng đi lại an toàn trên thế giới
‘Hộ chiếu vắc xin’ – xu hướng đi lại an toàn trên thế giới
Nhiều nước áp dụng các quy định liên quan hộ chiếu vắc xin nhằm mở cửa, khôi phục đi lại, nhưng thiếu sự phối hợp đồng bộ trên toàn cầu.
Trong xu hướng sống chung với Covid-19, nhiều nước đã áp dụng hoặc đang cân nhắc vấn đề “hộ chiếu vắc xin” để mở cửa và đảm bảo đi lại an toàn trong nước, cũng như kiểm soát người nhập cư.
Những “hộ chiếu” này thường được truy cập thông qua ứng dụng trên điện thoại di động hoặc đôi khi là tấm giấy chứng nhận.
Theo BBC, một số nước đã áp dụng hộ chiếu vắc xin, cho phép người dân tham gia các sự kiện lớn, trong khi một số nước vẫn chưa triển khai do tiến độ tiêm vắc xin chậm.
Quy định riêng
Dù mục đích và hình thức khá tương đồng, các nước có nhiều quy định cụ thể riêng trong việc áp dụng hộ chiếu vắc xin. Tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson đã công bố kế hoạch chỉ cho phép những người đã tiêm vắc xin được vào các hộp đêm hoặc những địa điểm đông người, áp dụng vào cuối tháng 9.
Theo kế hoạch, những người muốn đến các địa điểm theo quy định sẽ phải xuất trình chứng nhận tiêm vắc xin thông qua ứng dụng Covid Pass của Dịch vụ Y tế quốc gia (NHS).
Covid Pass cũng sẽ cho phép người trưởng thành đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin không phải cách ly khi họ trở về từ những nước có nguy cơ cao.
|
Theo chính phủ Anh, hơn 30 nước, trong đó có Hy Lạp và Tây Ban Nha, hiện đang chấp nhận hộ chiếu vắc xin của Anh, nhưng người nhập cảnh cần kiểm tra quy định của nơi đến trước khi đặt vé và kiểm tra lại trước khi đi.
Tại Mỹ, Nhà Trắng vào tháng 4 đã loại trừ khả năng bắt buộc có hộ chiếu vắc xin trong quy định liên bang vì cho rằng nên bảo vệ sự riêng tư và quyền của các cá nhân. Tuy nhiên, một số bang vẫn kích hoạt các ứng dụng xác nhận tình trạng tiêm vắc xin và có quy định riêng nhằm khuyến khích tiêm vắc xin.
California đang triển khai quy định buộc công chức và nhân viên y tế phải có chứng nhận tiêm vắc xin hoặc phải xét nghiệm hằng tuần. Thành phố New York (bang New York) sẽ áp dụng quy định tương tự từ giữa tháng 9, buộc các nhân viên cảnh sát, giáo viên phải tiêm vắc xin hoặc xét nghiệm hằng tuần.
Tại châu Âu, hộ chiếu vắc xin được triển khai tại 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) cũng như Thụy Sĩ, Iceland, Na Uy và Liechtenstein.
Công dân các nước này có thể tải về hoặc dùng bản chứng nhận giấy. Chứng nhận được cấp cho những người đã tiêm vắc xin, xét nghiệm âm tính trong thời gian gần hoặc vừa hồi phục.
Những người có chứng nhận sẽ không phải xét nghiệm, cách ly khi di chuyển qua lại giữa các nước EU. Một số nước thành viên cũng có giấy chứng nhận riêng.
Tại Trung Quốc, cơ quan chức năng đưa ra hệ thống mã QR vào năm ngoái để phân nhóm người theo nhiều màu sắc, trong đó màu xanh cho phép di chuyển tự do không giới hạn, còn màu vàng có thể sẽ phải ở nhà trong 7 ngày.
Việc phân loại theo màu dựa theo nhiều dữ liệu, trong đó có cả dữ liệu do người dùng cung cấp kết hợp với dữ liệu của cơ quan chức năng. Nhiều nơi công cộng ở Trung Quốc buộc người dân phải trình mã QR mới được xem xét cho vào.
Vào tháng 3, Trung Quốc đã khởi động chương trình hộ chiếu vắc xin theo hướng cấp giấy chứng nhận sức khỏe du lịch quốc tế và công bố kế hoạch đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh vào Trung Quốc. Tuy nhiên, kế hoạch trên gây tranh cãi vì giấy chứng nhận sức khỏe du lịch quốc tế của Trung Quốc sẽ chỉ ưu tiên cho người nước ngoài nhập cảnh nếu họ đã được tiêm vắc xin của Trung Quốc, trong khi vắc xin của Trung Quốc chưa được phê duyệt ở nhiều nước phát triển.
Theo Hoàn Cầu thời báo dẫn lời chuyên gia Lôi Thụy Bằng tại Đại học Khoa học và Kỹ thuật Hoa Trung (Trung Quốc), hy vọng Trung Quốc sẽ đạt tỷ lệ tiêm vắc xin cao trước thời điểm cuối năm nay để chính thức ban hành hộ chiếu vắc xin và thúc đẩy việc công nhận lẫn nhau giữa các nước.
Nỗ lực tích hợp
Nhằm nỗ lực phục hồi đi lại trong ngành hàng không vốn thiệt hại nặng trong đại dịch, Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA) vào tháng 6 đã đưa ra cổng tự đăng ký giúp các cơ sở xét nghiệm Covid-19 tham gia mạng lưới Phòng thí nghiệm Hộ chiếu đi lại của IATA.
Mạng lưới này gồm danh sách các phòng thí nghiệm trên toàn cầu, nơi mọi người có thể dễ dàng xét nghiệm Covid-19 trước khi khởi hành, theo trang Future Travel Experience.
IATA cho biết các phòng thí nghiệm được đăng ký miễn phí, trước khi IATA liên hệ trực tiếp để hoàn tất việc chứng nhận và đưa vào danh sách. Bên cạnh đó, IATA cũng chấp nhận cho hành khách tại một số nước tải lên các hộ chiếu vắc xin của mình để có thể di chuyển đường hàng không.
Theo trang AIN Online, từ ngày 19.8, hành khách có Chứng nhận Covid số của EU (DCC) và Hộ chiếu Covid của Anh có thể tải lên dịch vụ Travel Pass của IATA làm bằng chứng về việc đã tiêm chủng, để phục vụ việc đi lại.
Hành khách sau đó có thể truy cập thông tin về hành trình, tạo một phiên bản số cho hộ chiếu. Các hãng hàng không và cơ quan kiểm soát nhập cảnh cũng có thể kiểm tra thông qua hệ thống.
“Chứng nhận vắc xin Covid-19 đang trở thành yêu cầu phổ biến trên thế giới, giúp đi lại dễ dàng hơn, hỗ trợ các nước và hiệu quả hơn cho các hãng hàng không”, theo phó chủ tịch IATA Nick Careen.
IATA ra thông cáo cho rằng việc thống nhất các tiêu chuẩn số về vắc xin sẽ giúp hàng không khởi động lại một cách an toàn và trên quy mô lớn, giảm thời gian xếp hàng chờ đợi và giúp hành khách đi lại một cách thoải mái.
Ông Careen cho biết IATA sẽ tiếp tục kêu gọi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xem xét lại việc phát triển một tiêu chuẩn thống nhất, vì hiện các hãng hàng không, cơ quan hải quan và chính phủ các nước rất khó công nhận, xác minh hộ chiếu vắc xin.
Tổ chức Y tế thế giới nói gì?
Theo Viện Ada Lovelace Institute (Anh), vào ngày 24.4.2020, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyến cáo về việc sử dụng hộ chiếu miễn dịch đối với Covid-19, do chưa có đủ chứng cứ về một “chứng nhận không nguy cơ”. Đến tháng 12.2020, WHO kêu gọi giới khoa học đóng góp cho “các đặc điểm kỹ thuật của Chứng nhận Vắc xin thông minh”. Tuy nhiên, đến nay, WHO vẫn không khuyến nghị dùng hộ chiếu vắc xin.
Cuộc họp lần thứ 8 của Ủy ban Khẩn cấp về Quy định y tế quốc tế vào ngày 15.7 tiếp tục nhắc lại quan điểm của WHO rằng các nước thành viên “không nên yêu cầu bằng chứng tiêm vắc xin Covid-19 như là điều kiện duy nhất trong đi lại quốc tế, do việc tiếp cận toàn cầu có giới hạn và phân phối không công bằng vắc xin Covid-19”. Thay vào đó, các nước thành viên nên cân nhắc những phương thức tiếp cận cụ thể dựa trên nguy cơ để xúc tiến đi lại toàn cầu.
KHÁNH AN
TNO