Kiếm tiền bằng cách thu khí CO2 từ tự nhiên

Kiếm tiền bằng cách thu khí CO2 từ tự nhiên

Công ty khởi nghiệp Noya tại Mỹ muốn sử dụng tháp giải nhiệt của các toà nhà lớn thành thiết bị thu thập CO2 từ bầu khí quyển.
Hệ thống tháp giải nhiệt trên các tòa nhà sẽ được điều chỉnh lại thành thiết bị thu giữ khí CO2 /// Noya
Hệ thống tháp giải nhiệt trên các tòa nhà sẽ được điều chỉnh lại thành thiết bị thu giữ khí CO2  NOYA
Công ty Noya tại San Francisco (bang California, Mỹ) đang muốn trở thành tiên phong trong việc biến tháp giải nhiệt của các hệ thống điều hòa thành thiết bị thu thập khí CO2 từ khí quyển, giúp chống biến đổi khí hậu. Theo tạp chí Fast Company, Noya đã nghĩ ra một phương pháp kết hợp công nghệ thu khí trực tiếp với tháp giải nhiệt hiện có để có thể giảm chi phí và phát triển nhanh hơn.
Các công nghệ thu khí trực tiếp (DAC) thường tốn tốn đến hàng trăm triệu USD để xây dựng và vận hành. Người đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Josh Santos nghĩ ra một phương pháp có thể giảm chi phí chính là tận dụng tháp giải nhiệt.
Các thiết bị này sử dụng quạt để hút không khí bên ngoài vào, giống như các máy thu khí trực tiếp thông thường. Công nghệ của Noya hoạt động bằng cách thêm các hỗn hợp hoá chất hấp thụ CO2 vào nước trong tháp giải nhiệt. CO2 sau đó sẽ được lưu trữ tại chỗ và được nén lại để có thể được mang đi nơi khác bán.
Kiếm tiền bằng cách thu khí CO2 từ tự nhiên - ảnh 1

Noya sẽ thu giữ CO2 và chia cho chủ tòa nhà một phần số tiền bán CO2  NOYA

Noya đang hợp tác với các cơ sở sử dụng tháp giải nhiệt. Noya sẽ thanh toán chi phí lắp đặt và chi phí thiết bị, cùng với bất kỳ chi phí vận hành phát sinh. Noya cũng sẽ quản lý việc thu gom khí CO2 và sau khi bán nó, công ty này sẽ chia một phần nhỏ số tiền thu được cho chủ sở hữu tòa nhà. Theo ông Santos, công ty hy vọng có thể thu giữ CO2 với chi phí dưới 100 USD/tấn. Trong khi đó, CO2 hiện được bán với giá từ 600-700 USD/tấn.
Chỉ tính riêng Mỹ đã có khoảng 2 triệu tháp giải nhiệt, điều này có thể giúp xây dựng một mạng lưới thiết bị thu giữ CO2 khổng lồ. Noya có kế hoạch bán CO2 cho các nhà máy bia rượu, quán bar, nhà hàng để bão hòa các loại đồ uống.
Theo trang Techcrunch, nhiều công ty khởi nghiệp cũng đang muốn mua CO2 của Noya để sản xuất nhiên liệu tổng hợp, thay thế cho sản phẩm hóa dầu. Nếu quy trình này có thể hoạt động với toàn bộ tháp giải nhiệt trong nước, Noya ước tính có thể thu được 10 tỉ tấn CO2 mỗi năm.
NGUYỄN LAN HƯƠNG
TNO