Chúa Nhật XIX TN B, 2021: Sống mãi

Đối mặt với nỗi sợ hãi về cái chết trong cơn dịch bệnh, chúng ta hiểu rằng tất cả mọi người đều đang sống mãi mãi, nhờ tinh thần vượt khỏi mọi giới hạn của vật chất, không gian, thời gian. Vì thế, khi tin vào Chúa Giêsu chúng ta luôn sống trong niềm vui, bình an, tin yêu và hy vọng bởi cái chết chỉ là một ngưỡng cửa ta cần bước qua để vào cõi vĩnh hằng.

Chúa Nhật XIX TN B 2021

Sống mãi

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Tuần vừa qua chúng ta đã suy niệm về việc ăn để sống hào hùng. Nhưng người ta chỉ có thể sống hào hùng nếu tin rằng chính mình sẽ sống mãi mãi. Hơn nữa, nếu được sống mãi mà cứ phải mang lấy thân xác già nua, xấu xí, bệnh tật, vẫn cần phải ăn uống, chữa trị như hiện nay thì chẳng ai muốn sống mãi làm gì!? Sống mãi phải đi kèm với trẻ mãi, đẹp mãi, hạnh phúc mãi mãi. Đó mới là một đời sống đáng con người mơ ước và kiếm tìm trong suốt dòng lịch sử loài người.

1. Con người đi tìm phúc trường sinh

Khi bắt đầu biết suy tư, nhận ra cuộc sống là vô thường, mong manh vì sinh – lão – bệnh – tử gắn liền với đời mình, con người đã đi tìm phúc trường sinh. Bao nhiêu đạo pháp, tôn giáo ra đời cũng vì lẽ ấy.

Các triết gia Hy Lạp, sau đó là Latinh, cách đây 2500 năm đã cho rằng tinh thần của con người là bất tử vì thuộc về thần linh, còn thể xác thuộc về vật chất nên biến đổi không ngừng. Vì thế, con người càng ăn uống đơn giản, giữ chay tịnh, tránh dục vọng thì tinh thần càng phát huy tính bất tử và phi thường.

Hoàng đế Tần Thuỷ Hoàng (259-210 TCN) có lẽ là ông vua đầu tiên đi tìm loại thuốc trường sinh bất lão. Ông đã xây dựng Vạn Lý Trường Thành. Sau khi chiến thắng 6 nước chư hầu, thống nhất được đất nước Trung Hoa, ông bí mật sai người vượt biển cả để đến Hàn Chủng (Hàn Quốc) để tìm thuốc trường sinh. Các thẻ tre gọi là “Tần giản” tìm được trong mộ ông vào năm 2006 đã ghi lại điều đó.

Nếu đọc truyện Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân viết năm 1590, người ta thấy nhiều lần các loài yêu quái muốn ăn thịt Đường Tam Tạng để có thể sống mãi. Các loài này ăn thịt và uống máu con người vì tin rằng làm như thế sẽ được cộng số năm tháng sống của họ để có thể trở thành bất tử.

Người theo Phật giáo kiêng ăn thịt sinh vật, tránh giết chúng vì sợ mình có thể phạm tội sát sinh: do ông bà, cha mẹ, bạn bè có thể đầu thai thành những con vật ấy. Hơn nữa, khi vâng giữ ngũ giới, tuân theo bát chánh đạo họ sẽ chuyển hoá và thăng tiến mỗi kiếp đời của mình để cuối cùng thoát khỏi vòng luân hồi và vào cõi Niết Bàn.

Trước kia con người đi tìm những củ nhân sâm ngàn năm, những con vật lạ lùng, hiếm quý, hy vọng ăn chúng sẽ có thể kéo dài được tuổi thọ của mình. Ngày nay người ta hy vọng vào khoa học để có thể thay đổi cấu trúc các gen, thay thế các bộ phận suy yếu trong cơ thể.

Những suy tư và hành động đó quả là hết sức khó khăn cho tất cả mọi người. Nếu xét cho cùng, đó chỉ là những huyền thoại do con người tạo nên và phi lý vì từ một con người bị giới hạn bởi vật chất, không thể nào tự mình trở thành vô hạn, bất tử để sống mãi mãi được. Hơn nữa, con người biết rằng mỗi cá nhân đều phải chết, nhưng người ta lại tin tưởng vào cộng đồng, tập thể hay dân tộc sẽ trường tồn: từng người Việt Nam phải chết, nhưng người ta hy vọng dân tộc Việt Nam sẽ muôn đời tồn tại. Đây cũng là điều mà nhiều vị lãnh tụ, hay nhà cách mạng, đã hô hào để dân chúng hy sinh cho đất nước. Người ta vẫn trào phúng nói đùa rằng: “Hy sinh đời bố để củng cố đời con!”. Người ta hô hào những khẩu hiệu: “muôn năm”, “vạn vạn tuế” cho cá nhân hay đất nước, nhưng người ta không hiểu muốn sống mãi con người phải biết mình có tinh thần bất tử và phải tìm được nguồn sự sống vĩnh hằng. Các bài Thánh Kinh như muốn gợi ý cho ta tìm được con đường sống đó.

2. Đức Giêsu là bánh hằng sống từ trời xuống

Bài đọc I (x. 1V 19,4-8) giới thiệu cho chúng ta con đường dẫn tới nguồn sống vĩnh hằng qua hình ảnh của tấm bánh và bình nước được thiên sứ đem xuống cho tiên tri Elia. Ông đã ăn uống và nhờ đó đi suốt 40 ngày đêm trong sa mạc, đến núi Khoreb và gặp được Thiên Chúa. Giống như Elia khi đối mặt với cái chết và phải chạy trốn để thoát thân, ông đã sợ hãi, sức lực hao mòn, tinh thần suy sụp. Ông nằm xuống, muốn buông xuôi, để mặc cho cái chết cuốn mình đi. Đó cũng là tâm trạng của rất nhiều người ở Việt Nam cũng như trên thế giới khi biết mình bị nhiễm virus Sars-CoV-2. Bản tin của Bộ Y tế và tình hình chống dịch Covid-19 ở Việt Nam cho biết ngày 9/8/2021 có thêm 9.340 ca mắc mới với 360 ca tử vong, riêng TP.HCM có 269 ca tử vong. Quân đội đã được lệnh phụ trách phần hoả thiêu các bệnh nhân chết vì Covid-19 và trao tro cốt lại cho thân nhân từ ngày 7/8/2021. Nhiều người chết vì các bệnh viện quá tải không còn chỗ.

Tuy nhiên, tấm bánh Elia ăn chỉ là hình ảnh tượng trưng cho manna mà người Do Thái đã ăn trong sa mạc suốt 40 năm, nhưng tất cả đều đã chết vì họ không tin vào quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa. Họ giống như người Do Thái thời Chúa Giêsu chỉ nhìn thấy thể xác bên ngoài của Người chứ không nhận ra Đức Giêsu là tấm bánh hằng sống từ trời xuống. Họ xầm xì với nhau: “Ông này chẳng phải là ông Giêsu, con ông Giuse đó sao? Cha mẹ ông ta chúng ta đều biết cả, sao bây giờ ông ta lại nói: Tôi từ trời xuống” (Ga 6,42).

Đức Giêsu đã làm phép lạ hoá bánh cá ra nhiều để dẫn họ đến với Người là tấm bánh được Chúa Cha ban xuống cho nhân loại. Người chính là người Con Một của Chúa Cha, là Ngôi Lời Thiên Chúa đã tự nguyện trở thành người để dẫn đưa tất cả những ai tin vào Người đến được với nguồn sự sống vĩnh hằng, kỳ diệu là chính Thiên Chúa. Người đã làm mỗi ngày biết bao phép lạ để chứng minh điều đó: cho các người bệnh hoạn tật nguyền được chữa lành, cho người bị ma quỷ kiềm chế được giải thoát, cho những người chết được sống lại. Người chỉ muốn xác định rằng: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời” (Ga 6,51).

Hơn nữa, để cụ thể hơn, Đức Giêsu đã hiến dâng chính thân mình trở thành thịt máu trong Bữa Tiệc Ly trước khi Người chịu chết. Vì thế, trong câu chuyện với người Do Thái hôm nay, Người đã gợi ý rằng: “Bánh tôi ban tặng chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (Ga 6,51).

Con người thời nay chỉ thấy được tấm bánh, chén rượu chứ không thấy được Đức Giêsu và cũng chẳng cho đó là thịt máu của một con người. Còn người tín hữu Công giáo cũng chỉ cảm nghiệm được mùi vị bánh rượu trong bí tích Thánh Thể, chứ không đủ đức tin để cảm nghiệm được sự hiện diện sống động của Chúa Giêsu và hấp thu được sự sống phi thường của chính Thiên Chúa, dù rất nhiều phép lạ Thánh Thể vẫn đang xảy ra trong suốt dòng lịch sử.

Đức Giêsu nói: “Ai tin thì được sự sống đời đời” (Ga 6,47). Tin là cuộc gặp gỡ giữa con người với Thiên Chúa, giữa một người cụ thể là chúng ta với Thiên Chúa cụ thể là Đức Giêsu. Trong đời sống trần thế, Đức Giêsu đang hiện diện sống động giữa bao con người, trong muôn vàn sự vật và mọi biến cố của đời ta. Nhưng nếu mắt ta chỉ nhìn vào vẻ bên ngoài, ta sẽ không bao giờ gặp gỡ được Đức Giêsu. Chúng ta chỉ thấy một ông mang tên Giêsu, con của ông bà nào đó, hay có thể gặp được những con người mà chúng ta tưởng lầm là Đấng Cứu Thế (Mêsia) như người Do Thái trước đây.

Muốn nhận ra Người, chúng ta phải cầu xin với Chúa Cha như Đức Giêsu đã nói: “Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi không lôi kéo người ấy” (Ga 6,44). Chúa Cha là nguồn sống vĩnh hằng rất muốn chúng ta đến với Con của Ngài, nên không ngừng lôi kéo ta bằng đủ loại ân huệ và tiếng nói trong lương tâm ngay chính của con người vì “anh em là con cái được Ngài yêu thương” (Ep 5,1). Hơn nữa, khi ta mở rộng tâm trí cho Chúa Thánh Thần, là tình yêu nối kết chúng ta với Thiên Chúa, chắc chắn chúng ta sẽ gặp gỡ được Chúa Giêsu, nhất là qua những hành động bác ái trong cuộc sống như Bài đọc II (x. Ep 4,30-52) nhắc nhở.

Lời kết

Tóm lại, đối mặt với nỗi sợ hãi về cái chết trong cơn dịch bệnh, chúng ta hiểu rằng tất cả mọi người đều đang sống mãi mãi, nhờ tinh thần vượt khỏi mọi giới hạn của vật chất, không gian, thời gian. Vì thế, khi tin vào Chúa Giêsu chúng ta luôn sống trong niềm vui, bình an, tin yêu và hy vọng bởi cái chết chỉ là một ngưỡng cửa ta cần bước qua để vào cõi vĩnh hằng.

HKK