Mua sắm bớt phải xếp hàng, giá giảm

Mua sắm bớt phải xếp hàng, giá giảm

Sức mua trên thị trường đang có dấu hiệu hạ nhiệt. Mua sắm đã bớt vất vả hơn, thiếu hụt hàng cũng không còn phổ biến.

 

Mua sắm bớt phải xếp hàng, giá giảm - Ảnh 1.

Chợ Bình Thới (Q.11) mở lại với số ít quầy bán hàng được đóng bịch sẵn – Ảnh: B.TÙNG

Sở Công thương TP.HCM cho biết quyết định liên quan đến thời gian đóng, mở cửa chợ hiện nằm ở các quận huyện.

Nhanh nhạy đội bán lưu động

Ông Nguyễn Bá Tùng – trưởng ban quản lý chợ Bình Thới (Q.11) – cho biết sau thời gian tạm ngưng vì có nhiều ca nhiễm COVID-19, đơn vị chủ động tổ chức mở bán lại ở quy mô nhỏ với 15 – 20 gian hàng thực phẩm để dễ kiểm soát, giãn cách.

Theo đó, thời gian bán hàng từ 7h-9h30, hàng được đóng gói sẵn theo quy cách, giới hạn thời gian mua hàng và khách hàng chỉ được di chuyển một chiều.

Theo ông Tùng, ngoài bán tại chợ, đơn vị đã chủ động tổ chức 3 đội bán thực phẩm thiết yếu lưu động nhằm phục vụ nhu cầu người dân. “Các phường có nhu cầu đăng ký trước, chợ sẽ bán tại địa điểm phường sắp xếp, tổ chức, thời gian bán buổi sáng hay chiều tùy theo phường chọn” – ông Tùng thông tin.

Hiện TP.HCM còn 36 chợ trong số 234 chợ đang hoạt động với nhiều hình thức khác nhau, số chợ mở cửa trở lại rất khiêm tốn.

Đại diện Phòng kinh tế Q.11 cho biết mô hình bán hàng lưu động bằng xe buýt hoặc chợ “dã chiến” đã được nhiều tiểu thương đăng ký nên quận sẽ tăng quy mô. Tuy vậy, lượng xe đảm bảo tiêu chuẩn còn khiêm tốn và vẫn cần thêm lực lượng để hỗ trợ thương nhân bán theo combo đăng ký trước.

Dù chợ tạm ngưng hoạt động nhiều tuần qua nhưng đại diện ban quản lý chợ Xã Tây (Q.5) cho biết đơn vị vẫn phối hợp với chính quyền, tiểu thương để giao hàng đến người dân, điểm cách ly, phong tỏa. Người dân có nhu cầu sẽ đặt mua trực tiếp với tiểu thương. Tiểu thương sẽ giao lại một lượt dưới dạng đóng bịch sẵn, chính quyền sẽ tổ chức để người dân nhận hàng.

Tiếp tục mở thêm điểm bán

Theo các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sau hơn một tuần áp dụng các biện pháp thắt chặt của chỉ thị 16, tình hình mua sắm tại các điểm bán đã ổn định, không còn cảnh xếp hàng dài.

Ngày 9-8, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã ký văn bản chấp thuận đề xuất của Sở Công thương TP.HCM về chủ trương cho một số nhân viên siêu thị, cửa hàng tiện lợi được lưu thông trên đường từ 18h đến 6h hôm sau để chuẩn bị công tác hậu cần, sắp xếp hàng hóa… Đây được coi là biện pháp gỡ khó để tăng năng lực cung ứng cho các siêu thị.

Tuy nhiên, đại diện MM Mega Market Việt Nam cho biết lượng người đến mua sắm đã giảm do yếu tố hạn chế đi lại liên quận, nhưng giá trị đơn hàng vẫn khá cao, kênh mua sắm online vẫn quá tải. Trong khi đó, một số siêu thị lớn vẫn không tránh khỏi cảnh phải đóng cửa do liên quan đến F0. Do đó, nếu có thêm điểm mua sắm sẽ giảm tải được cho các kênh hiện đại.

Đại diện Sở Công thương TP.HCM cho biết nguồn cung thực phẩm ở TP.HCM đã tăng, thiếu hụt hàng không còn phổ biến.

Đơn vị đã có nhiều văn bản đề nghị, hướng dẫn các quận huyện xây dựng phương án đưa chợ truyền thống vào hoạt động trở lại trong điều kiện đảm bảo an toàn dịch bệnh và sẽ tiếp tục hướng dẫn các địa phương tổ chức thêm phương án về nguồn cung như bán hàng lưu động, bán hàng theo combo đăng ký trước.

Giá đã giảm nhẹ

Theo ghi nhận sáng 9-8, tình trạng khách xếp hàng đợi đến lượt mua tại nhiều siêu thị đã ít đi, chủ yếu tập trung vào giờ cao điểm 9h-11h, còn lại có xu hướng vắng khách hơn các ngày trước.

Hàng hóa tại nhiều siêu thị như Co.opmart, Co.opfood, Vinmart+… cũng đã dồi dào hơn, đặc biệt tình trạng thiếu hụt các mặt hàng rau củ, thịt, cá đã không còn phổ biến như trước, thậm chí lượng rau củ ở một số điểm bán cung vượt cầu.

Theo ghi nhận, giá nhiều mặt hàng bán ra tại các siêu thị hiện có xu hướng giảm nhẹ so với tuần trước như rau củ giá từ 20.000 – 35.000 đồng/kg tùy loại; cá biển, cá đồng phổ biến từ 70.000 – 90.000 đồng/kg tùy loại; thịt heo từ 120.000 – 190.000 đồng/kg tùy loại.

N.TRÍ – N.BÌNH
TTO