ĐHY Pietro Parolin sẽ viếng thăm Thuỵ Sĩ

ĐHY Pietro Parolin sẽ viếng thăm Thuỵ Sĩ

ĐHY Parolin cử hành Thánh lễ cho Đoàn Vệ binh Thuỵ Sĩ (Vatican Media)

Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Toà Thánh, sẽ viếng thăm Thuỵ Sĩ vào tháng 11 tới đây, nhân dịp kỷ niệm 100 năm tái lập quan hệ ngoại giao giữa Thuỵ Sĩ và Toà Thánh.

Theo Hội đồng Giám mục Thuỵ Sĩ, lẽ ra chương trình viếng thăm của Quốc vụ khanh Toà Thánh đã diễn ra trong năm ngoái, vì đúng kỷ niệm 100 năm tái lập quan hệ ngoại giao giữa Toà Thánh và Thuỵ Sĩ, 1920-2020, nhưng do đại dịch cuộc viếng thăm phải dời lại trong năm nay. Đức Hồng y Parolin sẽ viếng thăm Thuỵ Sĩ từ ngày 6 đến 8/11/2021.

Theo dự kiến, ngoài cuộc gặp với ông Guy Parmelin, Tổng thống Liên bang Thuỵ Sĩ, chương trình trong ba ngày bao gồm cử hành Thánh lễ vào ngày 7/11 tại Thánh đường Đan viện Einsiedeln của Dòng Biển Đức, và sẽ viếng thăm nhà nguyện và Đền thánh Nikolas de Flüe ở Flüeli, bang Obwalden. Tại đây, Đức Hồng y Quốc vụ khanh Toà Thánh sẽ gặp Hội đồng Giám mục Thuỵ Sĩ.

Hội đồng Giám mục cũng cho biết, chuyến viếng thăm này nhấn mạnh mối quan hệ tốt đẹp giữa Toà Thánh và Thuỵ Sĩ, cũng như mối quan hệ chặt chẽ giữa Roma và Giáo hội Công giáo ở Thuỵ Sĩ, đặc biệt là công việc của Đoàn Vệ binh Thuỵ Sĩ của Toà Thánh, vốn rất được quý mến trên toàn thế giới. Đoàn quân này tạo nên một liên hệ trực tiếp và ưu tiên giữa Thuỵ Sĩ và Vatican. Đây là một tổ chức của Toà Thánh chứ không thuộc chính phủ hoặc chính quyền Thuỵ Sĩ, dầu vậy đoàn vệ binh này góp phần rất nhiều cho hình ảnh của Thuỵ Sĩ ở nước ngoài. Đây không phải chỉ là một chính sách an ninh, nhưng còn hơn thế nữa. Người ta không thể coi nhẹ ảnh hưởng của đoàn vệ binh này đối với những quan hệ công cộng. Khi Đức Giáo hoàng cử hành một Thánh lễ, lễ này thường được truyền đi trên toàn thế giới. Qua đó các vệ binh Thuỵ Sĩ hiện diện trên thế giới. Họ là những người bảo vệ các giá trị Thuỵ Sĩ: là những người chính xác, đúng giờ, chuyên cần, như Thuỵ Sĩ.

Liên bang Thuỵ Sĩ có khoảng hơn 8 triệu dân cư với 4 ngôn ngữ chính thức: đông nhất là nhóm nói tiếng Đức với 65%, 22% nói tiếng Pháp, 8% nói tiếng Ý, 0,5% nói tiếng Romanche. Trước đây đa số dân là tín hữu Tin Lành cải cách, nhưng do số người nhập cư, số tín hữu Công giáo tại Thuỵ sĩ trở nên đa số, với hơn 3 triệu người, thuộc 6 giáo phận và 2 đan viện biệt hạt. (Sir. 2077/2021)

Ngọc Yến