22/12/2024

Làm thế nào để con trẻ thích nghi với mùa hè giãn cách?

Làm thế nào để con trẻ thích nghi với mùa hè giãn cách?

Mùa hè năm nay, do ảnh hưởng của COVID-19 nên học sinh ở nhà thay vì đi du lịch, đến các trung tâm ngoại ngữ, kỹ năng, tham gia chiến dịch tình nguyện… như những năm trước.

 

Làm thế nào để con trẻ thích nghi với mùa hè giãn cách? - Ảnh 1.

Em Thân Thị Thanh Thúy (TP.HCM) chăm sóc vườn kiểng nho nhỏ ở sân nhà trong thời gian giãn cách – Ảnh: TỰ TRUNG

Và học sinh, phụ huynh đã có những cách riêng để thích nghi với mùa hè đặc biệt năm nay.

* Đỗ Nguyễn (học sinh lớp 7A9 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM):

Khám phá sở thích cá nhân

Từ đầu hè tới giờ, em chỉ quanh quẩn trong nhà chứ không được ra ngoài. Mẹ em có mua cho em bộ sách giáo khoa lớp 8 nên em tranh thủ đọc trước, rồi cũng tự ôn bài, phụ mẹ một số việc lặt vặt trong nhà… nói chung em không thấy vui lắm.

Em muốn được đi chơi, đi nhà sách và chọn mua những cuốn sách mình yêu thích, đi bơi, chơi thể thao… như những mùa hè trước đó.

Nhưng dịch bệnh càng ngày càng căng thẳng, mình phải thích nghi với hoàn cảnh để tìm niềm vui. Em yêu thích bóng đá, thích sưu tập thông tin, hình ảnh về các câu lạc bộ, cầu thủ bóng đá. Ngoài ra, em cũng thích làm những việc liên quan đến Photoshop nên em làm thẻ bóng đá với nhiều thể loại khác nhau.

Lúc đầu, việc làm những thẻ này chỉ là để thỏa mãn sở thích cá nhân. Nhưng đến khi làm nhiều quá thì em nảy ra ý định đem đi bán. Và “Custom Soccer Cards Shop” ra đời từ đó. Vừa đúng sở thích và cũng kiếm được tiền nên cũng vui vui.

Tuy nhiên, em vẫn mong dịch bệnh sớm được kiểm soát để chúng em được đến trường – năm học mới sắp đến rồi. Học trực tiếp với các thầy cô giáo ở trường vẫn vui và hứng thú hơn rất nhiều so với học online.

* Doãn Vũ Diệu Thu (học sinh lớp 5 Trường tiểu học Yên Thế, Q.Tân Bình, TP.HCM):

Trồng cây, yoga, vẽ…

Hồi đầu hè em còn được ra ngoài chơi với các bạn trong xóm những trò chơi thú vị như nhảy dây, trốn tìm, cá sấu lên bờ… Nhưng đến khi số người nhiễm COVID-19 tăng cao thì mẹ không cho em ra ngoài chơi nữa. Thay vào đó, mẹ tìm việc cho em làm.

Đầu tiên, cả nhà em cùng trồng cây, vui lắm. Em trồng dưa hấu, khoai lang. Mẹ em còn hướng dẫn cho em trồng cả hoa mười giờ và hoa cẩm chướng nữa. Em có nhiệm vụ tưới cây hằng ngày nên ngày nào em cũng quan sát sự lớn lên của cây, rất thú vị.

Không những thế, em còn tập yoga với mẹ để rèn luyện sức khỏe, phụ mẹ làm việc nhà và học tiếng Anh trực tuyến nữa. Nhưng công việc em thích nhất và ngốn nhiều thời gian nhất trong ngày là vẽ.

Em rất thích vẽ nên tranh thủ thời gian rảnh này để vẽ cho thỏa thích. Em không chỉ vẽ trên giấy mà còn vẽ trên vải, trên áo… Nhưng đó là vì bắt buộc phải ở trong nhà nên vẽ thế thôi. Chứ em vẫn thích được đi du lịch hơn, hè này em chưa được đi đâu cả.

* Vũ Thùy Dương (học sinh lớp 10C3 Trường THPT Tây Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM):

Than vãn cũng không để làm gì

Năm nay, em có ghi tên tham gia chiến dịch Hoa phượng đỏ do Thành đoàn TP.HCM tổ chức. Thời gian đầu, chúng em đi thu gom rác, hỗ trợ đo thân nhiệt tại một số địa điểm tập trung đông người… nhưng khi dịch bệnh bùng phát thì không được ra khỏi nhà luôn.

Tuy nhiên, em nghĩ rằng có than vãn thì cũng không để làm gì. Tốt nhất là hãy sống tích cực để mỗi ngày trôi qua đều vui vẻ. Mùa dịch cả nhà em cùng ở nhà nên thường xuyên ăn cơm cùng nhau. Buổi tối cả nhà cùng quây quần xem phim chung. Em và các thành viên khác trong gia đình rất trân trọng những giây phút đầm ấm bên nhau như vậy.

Mùa dịch, không đi tập thể dục được thì em mở YouTube để tập theo; chiến dịch Hoa phượng đỏ không thực hiện trực tiếp được thì làm online với các minigame, với việc chia sẻ những câu chuyện đẹp trong mùa COVID, kỹ năng phòng bệnh…

Bên cạnh đó, em còn học công thức trên mạng rồi tập làm bánh, quay TikTok… cũng vui lắm. Ngoài ra, em vẫn học online một số môn văn hóa để bổ sung kiến thức cho bản thân. Em tham gia cộng đồng ăn sạch, sống khỏe trên mạng để tập những thói quen sinh hoạt lành mạnh.

Tóm lại là rảnh nên em phải tìm việc để làm chứ không để bản thân rơi vào trạng thái buồn chán rồi suy nghĩ tiêu cực.

Em mong sao ngành y tế sớm dập được dịch bệnh để em còn thực hiện kế hoạch hè của mình. Em đã có một bản kế hoạch chi tiết trong hè 2021 mà đành phải gác lại hết vì dịch bệnh. Trong đó, đáng kể nhất là việc đi học vẽ, chuẩn bị cho kế hoạch thực hiện ước mơ…

* Chị Vũ Thị Bắc (phụ huynh có con sẽ vào học lớp 1 và lớp 6 ở Q.Tân Bình, TP.HCM):

Đồng hành cùng con

Tôi đang rất lo lắng vì năm học 2021-2022 cả hai con của tôi đều học chương trình, sách giáo khoa mới. Thế nên, mong ước lớn nhất của tôi bây giờ là dịch bệnh mau chóng được kiểm soát để tất cả trở về cuộc sống bình thường, để học sinh được đến trường chứ lớp 1 mà học online thì sẽ rất vất vả cho cả học sinh, giáo viên và phụ huynh.

Ai cũng biết trẻ con cần có không gian chạy nhảy, rèn luyện thể lực, cần chơi các trò chơi tập thể với các bạn đồng trang lứa để rèn luyện kỹ năng mềm… Nhưng mùa dịch trẻ phải ở yên trong nhà thì đành phải tìm cách khác.

Tôi không cho con chơi game, việc xem tivi thì được nhưng cũng hạn chế thời gian. Rồi việc tập thể dục, trẻ nhỏ thích sự vui tươi nên tôi mở YouTube, có nhạc sôi động, vui vẻ nhưng mẹ vẫn phải làm chung với con mới rèn cho con thói quen rèn luyện thể thao hằng ngày.

Chưa hết, dù là dịch bệnh nhưng tôi vẫn phải chuẩn bị tâm lý và kỹ năng cho hai bé vào lớp 1 và lớp 6 trong năm học tới.

Ngoài việc nói chuyện về phương pháp học tập trong trường mới, tôi cùng con xem lại chương trình lớp 5 (đối với bé lớn), cùng con học các con chữ, con số (đối với bé nhỏ), rèn cho con mỗi ngày phải ngồi vào bàn học ít nhất 30 phút để có thói quen học tập…

* Thu Hương (học sinh lớp 9 Trường THCS Trần Văn Ơn, Q.1, TP.HCM):

Tự đề thời gian biểu cho bản thân

Em đang rất hồi hộp và lo lắng vì không biết các thầy cô ở Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ quyết định như thế nào về kỳ thi lớp 10. Chúng em đã chuẩn bị kiến thức để sẵn sàng ứng thí từ đầu tháng 6. Đến nay, đã gần hai tháng trôi qua, chúng em vẫn ở trong trạng thái chờ đợi.

Nhưng em vẫn nghĩ dịch bệnh là điều không ai mong muốn nên tốt nhất hãy sống lành mạnh và tích cực. Em đã tự đề ra thời gian biểu cho bản thân, gần giống với ngày thường khi em còn đi học: 6h sáng thức dậy, tập aerobic theo YouTube 45 phút rồi đi tưới cây cho bà nội.

Sau đó thì ăn sáng rồi ngồi vào bàn học ôn bài trong 30-45 phút. Em nhận thấy mình sống tích cực thì người mình cũng khỏe khoắn hơn và vui vẻ hơn.

HOÀNG HƯƠNG ghi
TTO