Tìm thấy vi khuẩn gây ‘cái chết đen’ tại châu Âu

Tìm thấy vi khuẩn gây ‘cái chết đen’ tại châu Âu

Một hộp sọ cổ đại được tìm thấy bên một con sông ở Latvia có thể nắm giữ manh mối về cách bệnh dịch hạch khiến hàng chục triệu người trên khắp châu Âu thiệt mạng.
Hộp sọ của người đàn ông 20 tuổi chết vì dịch hạch vào khoảng 5.000 năm trước /// Chụp màn hình ABC
Hộp sọ của người đàn ông 20 tuổi chết vì dịch hạch vào khoảng 5.000 năm trước  CHỤP MÀN HÌNH ABC

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Kiel ở Đức ngày 30.6 tiết lộ rằng một chủng vi khuẩn gây bệnh dịch hạch mang tên Yersina pestis đã được phát hiện trong các mẫu lấy từ hài cốt của một thợ săn ở Latvia. Theo bài nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học Cell, người thợ săn khoảng 20 tuổi này sống cách đây khoảng 5.000 năm.

Nhóm nghiên cứu cho biết chủng vi khuẩn ban đầu này có khả năng ít lây nhiễm và ít gây chết người hơn so với biến thể đã càn quét dân số châu Âu và châu Á hàng ngàn năm sau đó. Đại dịch “Cái chết đen” đã khiến 75-200 triệu người thiệt mạng giai đoạn 1347-1351. Đại dịch này được cho là đã xóa sổ 30-50% dân số châu Âu. Theo đài RT, phát hiện này có thể giúp con người hiểu thêm về đại dịch ở hiện tại và tương lai.

Ông Ben Krause-Kyora, thành viên nhóm nghiên cứu, nói với tạp chí New Scientist rằng vi khuẩn gây bệnh dịch hạch ban đầu có thể chỉ gây bệnh nhẹ rồi mới trở nên nguy hiểm hơn. “Chắc chắn vi khuẩn đã gây ra một số trường hợp tử vong, nhưng có thể không nghiêm trọng như ở thời Trung cổ”, ông Krause-Kyora nói.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu nói việc nồng độ vi khuẩn cao được phân lập từ mảnh sọ cho thấy người thợ săn này chết vì dịch hạch. “Việc có cái nhìn sâu sắc hơn về quá trình phát triển ban đầu của mầm bệnh chết người này thực sự rất thú vị. Chúng tôi thấy rằng ban đầu bệnh này khá vô hại rồi mới trở thành căn bệnh nguy hiểm chết người”, ông Krause-Kyora nói thêm.

Mặc dù vậy, giả thuyết này vẫn còn gây tranh cãi. Các nhóm nghiên cứu từ những đại học khác nói rằng vẫn chưa có đủ bằng chứng để kết luận những ca bệnh dịch hạch đầu tiên nhẹ hơn ở thời Trung cổ.

ĐÔNG A

TNO