Trung Quốc rơi vào tình thế ‘chưa giàu đã già’

Trung Quốc rơi vào tình thế ‘chưa giàu đã già’

Quỹ lương hưu Trung Quốc đang gặp áp lực lớn vì người trong độ tuổi lao động ít đi trong khi số người già ngày một nhiều hơn.
Trung Quốc đang phải chịu áp lực lớn vì dân số già đi /// Chụp màn hình South China Morning Post
Trung Quốc đang phải chịu áp lực lớn vì dân số già đi  CHỤP MÀN HÌNH SOUTH CHINA MORNING POST

Gu Qunzhen, 69 tuổi, bắt đầu ngày mới với việc mua hàng tại một khu chợ ẩm ướt ở ngoại ô thành phố Thiên Tân, miền bắc Trung Quốc. Bà chi khoảng 1,57 USD mua bắp cải, dưa chuột và đậu phụ rồi về nhà chuẩn bị nấu ăn cho người chồng 75 tuổi.

Bà Gu vẫn nhìn được xung quanh dù mắt mờ do đục thủy tinh thể. Bệnh này có thể chữa trị bằng cách phẫu thuật, nhưng bà Gu không mổ. “Không sao đâu. Tôi vẫn nhìn được. Những người về hưu như tôi nên sống đạm bạc và cố gắng tránh đi bệnh viện”, kế toán về hưu này nói với South China Morning Post.

“Tôi đang tiết kiệm cho con cháu. Khi già đi, chúng khó có được một cuộc sống tốt”, bà Gu nói. Đó là vì số người nộp tiền cho hệ thống phúc lợi xã hội và giữ cho hệ thống này tiếp tục vận hành ở Trung Quốc sẽ ít lại.

Theo kết quả điều tra dân số mới nhất được Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố tháng trước, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang già đi nhanh chóng. Ngày càng ít người lao động đóng góp vào quỹ lương hưu nhưng số người già ngày càng nhiều lên. Điều này khiến người dân Trung Quốc lo lắng về cuộc sống sau khi nghỉ hưu của những thế hệ tiếp theo.

Gánh nặng cho quỹ lương hưu

Dân số trong độ tuổi lao động, từ 15 đến 59 tuổi, của Trung Quốc đã giảm xuống còn 894 triệu người so với mức cao nhất năm 2011 là 925 triệu người. Trong khi đó, số người 65 tuổi trở lên đã tăng từ 119 triệu người năm 2010 lên 191 triệu người vào năm 2020. Điều này nghĩa là 13,5% dân số Trung Quốc phụ thuộc vào quỹ lương hưu vào năm 2020. Một thập kỷ trước đó, con số này là 8,9%.

Trung Quốc đang phải đối mặt với thách thức nhân khẩu học chưa từng có. Nước này đang già đi nhanh chóng, những người từ 60 tuổi trở lên sẽ chiếm 1/3 tổng dân số vào năm 2050. Trong khi đó, quỹ hưu trí của nước này sẽ đạt đỉnh 1.090 tỉ USD vào năm 2027 và có thể cạn kiệt vào năm 2035, theo Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS). Điều này cho thấy mức sống của người về hưu ở Trung Quốc sẽ giảm đáng kể.

Zhang Cheng (45 tuổi), giám đốc tiếp thị tại một công ty Internet ở Bắc Kinh, nói ông rất sốc khi nhận ra rằng cuộc sống sau khi nghỉ hưu sẽ không như mình tưởng tượng. “Cuộc điều tra dân số giống như hồi chuông cảnh tỉnh. Tôi nghĩ mình sẽ có thể tiếp tục lối sống của tầng lớp trung lưu sau khi nghỉ hưu. Tuy nhiên, bây giờ điều này nghe như giấc mơ không có thật”, ông Zhang nói với South China Morning Post.

Trung Quốc rơi vào tình thế 'chưa giàu đã già' - ảnh 1

Người già Trung Quốc đang lo lắng cho cuộc sống của thế hệ sau này vì quỹ lương hưu giảm dần  AFP

Ông Zhang là trụ cột duy nhất của gia đình và tiền lương 4.700 USD mỗi tháng là nguồn thu nhập duy nhất để ông nuôi vợ và con gái 8 tuổi. Khi nghỉ hưu, ông Zhang sẽ chỉ nhận được một nửa số tiền trên mỗi tháng. “Điều khó khăn hơn nữa là tôi sẽ phải chăm chỉ hơn để tiếp tục giữ được việc làm trước khi nghỉ hưu. Tuổi nghỉ hưu của Trung Quốc sẽ tăng lên trong khi 35 đã được xem là già trong ngành Internet”, ông Zhang tâm sự.

Vào tháng 3, chính phủ Trung Quốc cho biết họ sẽ “tăng dần độ tuổi nghỉ hưu” trong vòng 5 năm tới, nhưng chưa công bố kế hoạch chi tiết. Trung Quốc là nước có tuổi hưu thấp nhất trên thế giới. Nữ giới làm văn phòng nghỉ hưu ở độ tuổi 55 và con số này là 50 đối với công nhân. Nam giới Trung Quốc nghỉ hưu lúc 60 tuổi.

Trung Quốc trong nhiều năm đã thảo luận về việc tăng tuổi nghỉ hưu, nhưng vấn đề này luôn vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ công chúng. Các chủ đề liên quan đến nghỉ hưu thu hút hàng trăm triệu lượt xem và bình luận chỉ trích khi chính phủ đưa ra thông báo vào tháng 3.

Năm 2000, tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động so với dân số già (65 tuổi trở lên) là 10:1 tại Trung Quốc đại lục. Tỷ lệ này đã giảm xuống chỉ còn 5:1 vào năm 2020. Theo dự báo “lạc quan” của Liên Hiệp Quốc, tỷ lệ này sẽ giảm thêm xuống 4:1 vào năm 2030 và có thể là là 2:1 vào năm 2050.

Theo Larry Hu, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại ngân hàng đầu tư Macquarie Group, Bắc Kinh không có lựa chọn nào khác ngoài việc tăng tuổi nghỉ hưu. “Tỷ lệ dân số già ở Trung Quốc ngang bằng với Nhật Bản vào năm 1992 và Hàn Quốc vào năm 2015. Tỷ lệ này sẽ tăng lên trong những năm tới”, ông Hu nói. “Trung Quốc đang già đi trước khi trở nên giàu lên”.

Cai Fang, phó chủ tịch CASS và là nhà kinh tế nhân khẩu học hàng đầu ở Trung Quốc, cho biết nước này đã đạt đến bước ngoặt Lewis vào năm 2010. Điều này nghĩa là dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc giảm, chấm dứt nhiều thập kỷ nước này đạt tăng trưởng hai con số.

“Dân số Trung Quốc có thể đạt đỉnh trước năm 2025”, ông Fang nói trong một sự kiện do tạp chí Caijing tổ chức vào tháng trước. “Bước ngoặt Lewis có thể khiến tăng trưởng lao dốc và dẫn đến cung không đủ cầu, tạo ra tác động bất lợi cho việc thúc đẩy tiêu dùng”, ông Fang phát biểu.

ĐÔNG A

TNO