22/01/2025

Làm gì khi con bị bắt nạt trên mạng là ‘đồ không có não’, ‘đồ sò’…?

Làm gì khi con bị bắt nạt trên mạng là ‘đồ không có não’, ‘đồ sò’…?

Những mâu thuẫn trên không gian số dẫn tới không ít vụ xô xát ngoài đời thực, thậm chí có nạn nhân vì không chịu nổi áp lực đã chọn cách tự tử.

 

Làm gì khi con bị bắt nạt trên mạng là đồ không có não, đồ sò...? - Ảnh 1.

Theo các chuyên gia, hơn ai hết phụ huynh cần đồng hành với con để vượt qua những giai đoạn khó khăn này.

Những lời miệt thị kinh hoàng

K. hiện là học sinh lớp 9 tại Tiền Giang. K. thích chia sẻ những quan điểm cá nhân trên Facebook về chuyện học, chuyện chơi, về showbiz, đặc biệt là những nghệ sĩ Hàn Quốc. Hội bạn của K. đều hâm mộ nhóm nhạc BTS, thường bàn luận về các thần tượng và tham gia các trang “phát cuồng” BTS trên Facebook.

Năm K. học lớp 7, nhóm nhạc BTS ra bài hát mới, nhưng K. lại không thích bằng các bản “hit” trước đây nên chia sẻ những nhận xét trái chiều. Ngay lập tức, bài viết bị các fan trong lớp “ném đá” dữ dội bằng những bình luận làm K. rất sốc như “Đồ không có não”, “Tai trâu nên không cảm được nhạc”…

Bài viết của K. được đưa vào một vài nhóm kín mê nhạc Hàn. Thêm một lần nữa, K. nhận “gạch đá” vì suy nghĩ trái chiều. Thậm chí, có người còn lôi thêm những bài viết trước của K. để bình phẩm. Có người tự tiện lấy ảnh cá nhân của K. chế lại thành những bức biếm họa. Hay có người còn xúc phạm đến thân thể và cả đời tư của K..

“Mình thấy tổn thương kinh hoàng. Facebook của mình liên tục bị bình luận hay nhắn tin miệt thị. Mình có viết một status xin mọi người dừng lại nhưng bị nói là “nước mắt cá sấu”. Vào trường, mình cảm giác đâu đâu cũng gặp ánh mắt soi mói. Mình phải khóa tài khoản 2 tháng mới yên. Cho tới nay đó vẫn là một trong những ám ảnh kinh hoàng nhất của mình” – K. kể.

K. chỉ là một trong rất nhiều trường hợp trẻ em là nạn nhân của những cuộc bắt nạt trong không gian số ngày nay. Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), bắt nạt trên mạng là hình thức bắt nạt bằng việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số trên mạng xã hội, nền tảng nhắn tin, game… khiến đối tượng mục tiêu sợ hãi, tức giận hoặc xấu hổ.

Để biết con đang là nạn nhân

Cũng theo UNICEF, trong nhiều trường hợp nghiêm trọng, bắt nạt trực tuyến xảy ra song song với bắt nạt trực diện. Nhiều tình huống có thể dẫn đến xô xát hoặc nạn nhân tự kết liễu mạng sống của mình.

Theo bà Nguyễn Như Quỳnh – chủ tịch CyberKid Vietnam, một tổ chức xã hội hoạt động đảm bảo sự an toàn trên mạng của trẻ em Việt Nam, cách thức bắt nạt phổ biến nhất trong không gian số là về ngoại hình. Nhiều trường hợp, các bé kể bị gọi thô thiển như “con mập”, “con lùn” trên Facebook. Với hình thức này, cha mẹ có thể nhận thấy một số biểu hiện như con bỗng dưng không thích và né tránh chụp ảnh, đột ngột không muốn ăn diện, không chăm chút cho bản thân.

Thứ hai là bắt nạt theo nhóm, ở đó sẽ có những thành phần tung tin đồn nói xấu. Có nạn nhân sẽ phản kháng tạo thành một cuộc “khẩu chiến”. Có bạn “chịu trận” để những lời cay nghiệt ăn vào người. Chẳng hạn từ một người học giỏi nhưng khi bị dè bỉu, bạn này có thể thu mình lại, tránh làm nổi bật, học hành kém đi. Phụ huynh sẽ nhận ra nếu quan sát con trên mạng xã hội và để ý những biểu hiện khác lạ của con ở nhà.

Thứ ba là bắt nạt bằng cách quấy rối tình dục. Ở hình thức này, cha mẹ cần nhận thức trước những nguy cơ để cảnh báo con cái. Cuối cùng là bắt nạt theo các trào lưu, thị phi trên mạng xã hội, tuy nhiên các em lại dễ vô tình trở thành những kẻ đi bắt nạt.

Xoa dịu vết thương của con

TS Trần Văn Công, Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), từng thực hiện một số nghiên cứu về bắt nạt trên mạng, cho biết nếu đã phát hiện những dấu hiệu, điều trước tiên cha mẹ cần làm là ngồi xuống chia sẻ cùng con. Cuộc trò chuyện phải đủ gần gũi, lắng nghe chân thành. Nếu trước nay không hợp với con, phụ huynh cần có một nguồn tin cậy từ người thân, bạn bè thân thiết với con để tâm sự và tìm kiếm thông tin.

Tiếp đó, cha mẹ cần lưu những dữ liệu về vụ bắt nạt qua hình ảnh, video, ghi âm. Những bằng chứng này có khi sẽ cần thiết. Tuy nhiên, phụ huynh cần lưu trữ cẩn thận bởi nếu không sẽ dễ gợi lại ký ức tiêu cực cho con.

Cha mẹ nên dặn dò con không được phản hồi những bình luận, bài viết tiêu cực trong những giai đoạn căng thẳng vì chỉ khiến tình hình trầm trọng. Thay vào đó, con nên chặn những tài khoản xấu để tránh nhìn thấy thêm những lời lẽ xúc phạm.

Kế đó, có thể cho con thấy những góc nhìn khác về vấn đề đang gặp phải. Chẳng hạn, nhiều trẻ lần đầu thấy những bình luận sốc và cảm thấy mọi thứ như sụp đổ. Nhưng nếu biết vấn đề này không to tát khi nhìn dưới lăng kính của người lớn, con sẽ vững vàng hơn.

Cha mẹ nên tìm hiểu ai đang bắt nạt con. Nếu là bạn bè trong lớp, có thể trao đổi với giáo viên hoặc phụ huynh để các bên nắm tình hình và tìm cách giải quyết. Nếu là người vô danh trong các hội nhóm, con có thể báo cáo với các quản trị viên. Nếu gặp những đối tượng nguy hiểm hơn, cha mẹ nên can thiệp và báo với các cơ quan chức năng.

Ngày 1-6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định phê duyệt chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025”. Đây là lần đầu tiên Việt Nam ban hành một chương trình ở cấp quốc gia về riêng vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Chương trình được kỳ vọng là tiền đề cho các hoạt động thiết thực hỗ trợ trẻ trong không gian số, trong đó có mối nguy từ bắt nạt trực tuyến.

Suýt mất mạng vì bị bắt nạt trực tuyến

Qua nhiều năm tiếp xúc với trẻ bị bắt nạt trực tuyến, bà Nguyễn Như Quỳnh chia sẻ rất day dứt một trường hợp nữ sinh ở trường quốc tế bị bắt nạt trên Internet trong suốt 4 năm THCS. Học sinh này rất xinh, từ lớp 6 đã có người yêu nên bị nhiều bạn nữ cùng lớp ganh ghét và đặt cho biệt danh là “sò” (tiếng lóng để chỉ một số cô gái hư hỏng).

Nhiều bạn còn lập thành các nhóm Facebook công khai bêu xấu em. Các bài đăng, bình luận tiêu cực ngày càng nhiều, dè bỉu từ ngoại hình, cách ăn mặc đến thái độ của em ấy. Điều đáng nói, cha mẹ vì quá bận công việc nên không nhận ra.

Suốt 4 năm THCS, em không ít lần dùng dao rạch tay tự tử bất thành. Đến năm lớp 9, em đã bị rối loạn ăn uống dạng nặng. “Vì vậy điều quan trọng nhất vẫn là cha mẹ dành sự quan tâm để ý đến con. Ngoài ra, cha mẹ cần cập nhật các kiến thức về môi trường mạng và việc bắt nạt trên mạng đang rất phổ biến hiện nay” – bà Quỳnh nói.

Nhận diện nguy hiểm trên Internet qua “máy soi” 3C

 

mang

Nhiều nguy hiểm rình rập trẻ ở môi trường Internet – Ảnh: GETTY IMAGES

TS Monika Bayer-Berry, chuyên gia bảo vệ quyền trẻ em tại Ba Lan, cho biết những rủi ro, cạm bẫy luôn đầy rẫy trên môi trường mạng, tuy nhiên phụ huynh có thể thống kê và nhận dạng bằng dùng công thức 3C. Thứ nhất là “Content” (nội dung), bao gồm những website chứa thông tin, hình ảnh, video không phù hợp với trẻ, có thể mang yếu tố bạo lực, đồi trụy, phản giáo dục…

Thứ hai là “Conduct” (hành vi). Ở đây, nguy hiểm có thể rình rập khi nhiều kẻ lừa đảo giả làm trẻ em trên Internet để đánh cắp thông tin, hoặc tự ý đăng ảnh của trẻ em lên các trang web vì mục đích xấu. Hay gần đây, “sexting” – một từ mới được cấu tạo từ “sex” (tình dục) và “text” (nhắn tin), để chỉ hành vi trao đổi tin nhắn hoặc hình ảnh tình dục cũng đang xuất hiện nhiều trong giới trẻ.

Thứ ba là “Contact” (mối quan hệ). Những cạm bẫy có thể tới từ những người lạ mặt trên mạng xã hội, những mối quan hệ không rõ ràng trong các hội nhóm, các ứng dụng giải trí, hẹn hò… Theo bà Monika Bayer-Berry, việc cần làm của cha mẹ và cả giáo viên là cần cập nhật những rủi ro theo công thức 3C này để giúp các bạn nhỏ tránh được những tình huống khó khăn, thậm chí nguy hiểm khi sử dụng Internet.

VĂN KHOA

TRỌNG NHÂN
TTO