‘Choáng’ với hạt điều Campuchia

‘Choáng’ với hạt điều Campuchia

Chỉ trong 4 tháng đầu năm nay, Campuchia đã xuất khẩu sang Việt Nam gần 840.000 tấn hạt điều, mức cao nhất trong lịch sử và gây bất ngờ cho tất cả các nước sản xuất cũng như xuất khẩu hạt điều trên thế giới.

 

Choáng với hạt điều Campuchia - Ảnh 1.

Với công suất chế biến gần 2 triệu tấn mỗi năm, ngành điều Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào điều thô nhập khẩu từ nước ngoài – Ảnh: ĐÌNH TRƯỜNG

Theo số liệu hải quan, chỉ tháng 4-2021, Việt Nam nhập khẩu gần 420.000 tấn hạt điều từ Campuchia với giá trị khoảng 700 triệu USD. Tính chung 4 tháng, mức nhập lên 836.712 tấn, tương ứng khoảng 1,4 tỉ USD (4 tháng đầu năm 2020 Việt Nam chỉ nhập từ Campuchia 161.000 tấn và 4 tháng đầu năm 2019 là 152.000 tấn).

Có lợi?

Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), đây là một khối lượng nhập khẩu kỷ lục từ trước đến nay được ghi nhận từ Campuchia, bởi số lượng 4 tháng đã vượt nhập khẩu cả năm 2020 (216.330 tấn) và cả năm 2019 (175.000 tấn).

Không chỉ vậy, theo một doanh nghiệp (DN) xuất khẩu hạt điều thuộc top 5 của Việt Nam, 840.000 tấn hạt điều Campuchia xuất sang Việt Nam đã đưa Campuchia thành quốc gia có sản lượng hạt điều lớn nhất thế giới.

Chính điều này đã làm cho thương mại hạt điều trong gần hai tháng vừa qua bị xáo trộn, thậm chí rối loạn. Bởi mỗi năm Việt Nam – quốc gia sản xuất, nhập khẩu hạt điều và xuất khẩu nhân điều lớn nhất thế giới – đang phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu từ châu Phi với số lượng trên 1 triệu tấn.

Điều này khiến nhiều nước trồng điều châu Phi có cơ hội ép giá các DN Việt (nguyên liệu điều trong nước chỉ chiếm chưa tới ⅓ lượng hàng các DN cần để chế biến).

“Việc Campuchia có thể cung cấp hàng triệu tấn hạt điều/năm sẽ làm thay đổi cục diện thương mại điều thế giới. Ngay sát bên, các DN Việt sẽ mua điều từ Campuchia thay vì châu Phi.

Và thực tế ngay khi số liệu này được công bố, giá điều từ châu Phi đã giảm nhiệt và nhiều tổ chức nghiên cứu đã khuyến khích các DN điều châu Phi tranh thủ bán hàng thay vì đợi giá như trước” – vị giám đốc này cho biết.

Bất ngờ trước sản lượng tăng thần tốc

Ông Đặng Hoàng Giang, phó chủ tịch Vinacas, cho biết dù con số phía hải quan Việt Nam đưa ra được coi là con số chính thức nhưng cũng thực sự bất ngờ khi tăng vọt so với các năm trước. Vì vậy, Vinacas đang thu thập thêm thông tin từ các đơn vị thành viên và làm việc với hải quan để làm rõ số liệu từ Campuchia.

Ông Đỗ Tấn, giám đốc Công ty TNHH Tấn Toàn (Bình Phước), cho biết nhiều năm nay các DN Việt đã mua hạt điều từ Campuchia về chế biến và diện tích cũng như sản lượng của nước này tăng lên nhanh chóng và đã vượt sản lượng Việt Nam.

“Sản lượng điều của Campuchia sẽ còn tăng nhanh trong thời gian tới. Tuy nhiên, con số hơn 800.000 tấn trong 4 tháng đầu năm rất bất ngờ. Cũng khó có gian lận thương mại vì điều nhập khẩu từ Campuchia hay từ châu Phi DN đều không phải chịu thuế” – ông Tấn cho hay.

Tuy nhiên, một số DN khác cho rằng con số điều nhập khẩu từ Campuchia nói trên là quá lớn và cần xác minh lại. Mới cách đây 3 năm, Vinacas còn hợp tác với Campuchia để hỗ trợ nước này nâng sản lượng điều lên 1 triệu tấn trong 10 năm nữa.

Khi đó, Vinacas ước tính Campuchia có hơn 100.000ha trồng điều với diện tích trên 100.000 tấn điều thô, trong khi diện tích đất có khả năng trồng điều lên đến 500.000 – 600.000ha.

Ông Vũ Thái Sơn (chủ tịch HĐQT Công ty CP Long Sơn, TP.HCM):

Phân tích để có ứng phó hợp lý

Nếu như các năm trước đây nhiều lô hàng được buôn bán qua các đường mòn lối mở không được ghi nhận vào số liệu chính thức thì những tháng đầu năm nay đã được thống kê bởi biên giới bị siết chặt để chống COVID-19.

Với kinh nghiệm hơn 20 năm kinh doanh hạt điều, tôi cho rằng lượng hạt điều mà Việt Nam nhập khẩu từ Campuchia các năm qua lớn hơn nhiều so với số thống kê. Nhưng 4 tháng đầu năm nay thì rất bất thường vì không thể có lượng tăng đột biến đến vậy.

Số liệu của hải quan là chính thức, nhưng các DN và Vinacas cần phân tích câu chuyện phía sau để có ứng phó hợp lý với thị trường.gia súc, quảng cáo là ‘hạt điều Bình Phước’ rồi lên Facebook rao bán với ‘giá mềm’, thu hút hàng ngàn người mua.

TRẦN MẠNH
TTO