Tại sao trẻ bị nheo mắt, lắc đầu liên tục khi nghiện thiết bị công nghệ?

Tại sao trẻ bị nheo mắt, lắc đầu liên tục khi nghiện thiết bị công nghệ?

Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết việc không kiểm soát trẻ sử dụng các thiết bị công nghệ có thể để lại nhiều hậu quả, như tật khúc xạ, bị cận, viễn thị, đặc biệt là hội chứng TIC – triệu chứng nheo mắt, lắc đầu, giật vai…
Trẻ sử dụng thiết bị công nghệ quá nhiều sẽ ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe /// Lê Nam
Trẻ sử dụng thiết bị công nghệ quá nhiều sẽ ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe LÊ NAM
Tình trạng trẻ nghiện thiết bị công nghệ (điện thoại thông minh, tivi…) ngày càng đáng báo động, nhất là khi thời điểm vào dịp nghỉ hè, nhiều phụ huynh vì muốn có thời gian rảnh đã dùng điện thoại để ‘giữ’ trẻ.

Hội chứng TIC xuất hiện nhiều ở trẻ nghiện điện thoại

Trước thực trạng trẻ nghiện điện thoại thông minh và các thiết bị công nghệ, bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết việc không kiểm soát con trẻ sử dụng các thiết bị công nghệ có thể để lại nhiều hậu quả, ví dụ như các cháu sẽ bị nặng thêm tật khúc xạ, bị cận, viễn thị nặng hơn. Đặc biệt là hội chứng TIC, tức là có triệu chứng nheo mắt, lắc đầu, giật vai thường xuyên.
Tại sao trẻ bị nheo mắt, lắc đầu liên tục khi nghiện thiết bị công nghệ? - ảnh 1

Nhiều trẻ sớm sở hữu điện thoại thông minh ẢNH: AFP

 

Tại khoa nhiễm thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1, cứ 60 bệnh nhân đến khám thì có khoảng 6 bệnh nhân mắc hội chứng TIC do sử dụng điện thoại hay xem tivi quá lâu.
“Hội chứng TIC là dạng rối loạn vận động của hoạt động thần kinh không ổn định. Nếu rối loạn TIC liên quan đến vận động thì nó là giật cơ, ông bà nói là máy mắt. Nếu bệnh nhân đang nhẹ, không điều trị phòng ngừa thì sẽ nặng hơn”, bác sĩ Trương Hữu Khanh nói.
Hội chứng TIC xuất hiện nhiều trên nhóm trẻ nghiện chơi điện thoại, xem tivi. Mặc dù không phải bệnh lý ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển cũng như sức khỏe người bệnh, tuy nhiên, TIC để lại dị tật như giật mắt, méo miệng đến mãi sau này, ảnh hưởng đến ngoại hình, quá trình giao tiếp tới mọi người xung quanh.

“Đừng lấy điện thoại để ‘cầm chân’ trẻ”

Chị Lương Thị Tiệp, 35 tuổi, nhân viên văn phòng ở TP.Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang, có 2 con nhỏ, một bé 8 tuổi, đang học lớp 2 và một bé nhỏ 5 tuổi, đang học lớp mẫu giáo. Cả hai bé đều tiếp xúc với các thiết bị công nghệ từ sớm, đến hiện tại đều có thể sử dụng thành thục các thiết bị trên. Thậm chí, nhiều chương trình trên tivi, điện thoại, các cháu nhỏ còn sử dụng rành hơn cả ông bà. Đang được nghỉ tại nhà vì dịch Covid-19, kế tiếp là giai đoạn nghỉ hè, chị lo lắng về việc các con sẽ dành nhiều thời gian vào điện thoại, iPad…
Giống như chị Tiệp, chị Trần Hồng Nga (42 tuổi) chung cư 1050, quận Bình Thạnh, TP.HCM, chia sẻ: “Lúc ăn cháo mình hay cho con coi điện thoại để con ăn nhanh hơn, không quấy khóc…”.
“Dịp hè các trẻ thường xuyên ở nhà, để có thời gian làm việc hoặc không bị làm phiền, nhiều phụ huynh lấy điện thoại, iPad để ‘cầm chân’ trẻ”, bác sĩ Trương Hữu Khanh nêu thực trạng.
Tại sao trẻ bị nheo mắt, lắc đầu liên tục khi nghiện thiết bị công nghệ? - ảnh 2

Cần tạo cho trẻ không gian, thời gian hoạt động tích cực   NGỌC THẮNG

Bác sĩ Khanh phân tích thêm: “Khi sử dụng phương tiện công nghệ ‘cầm chân’ trẻ để mình được thoải mái làm việc, thì lâu dần con cái mình sẽ bị… nghiện. Và trẻ sẽ phản ứng khi phụ huynh không cho hoặc cấm trẻ chơi. Ngoài phản ứng, trẻ còn có thể bị TIC. TIC sẽ ảnh hưởng đến khả năng học tập, khả năng giao tiếp, lúc nào mắt trẻ cũng nháy nháy, lắc đầu…, rất khó điều chỉnh”.
Không ít trường hợp bệnh nhân phải sử dụng thuốc để điều trị TIC. Tuy nhiên, theo bác sĩ Khanh, thuốc cũng có nhiều tác dụng phụ. Vì vậy, phụ huynh phải xem lại việc cho con sử dụng các thiết bị công nghệ như thế nào. Đồng thời, nên cho con ra ngoài vận động nhiều hơn.
Cho trẻ sử dụng thiết bị công nghệ như thế nào?
Chị Lương Thị Tiệp, 35 tuổi, nhân viên văn phòng ở TP.Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang, cho biết chỉ cho con chơi điện thoại 30 phút với điều kiện sau khi đã học và làm xong bài tập. Vào dịp nghỉ hè, ngoài việc mua thêm sách bài tập và đặt ra thử thách kèm phần thưởng cho các con, hai vợ chồng chị cũng đăng ký thêm các lớp học kỹ năng mềm để con bớt thời gian dùng thiết bị di động.
“Không thể cấm hẳn trẻ dùng thiết bị công nghệ, chỉ có thể cấm đối với trẻ dưới 2 tuổi. Từ 2 tuổi trở lên mình phải phân bố loại gì, màn hình lớn thế nào, không gian đủ ánh sáng hay không. Nếu giao hẳn cho trẻ thì trẻ cứ ngồi trong góc tối chơi, cộng thêm màn hình quá nhỏ chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới mắt”, bác sĩ Khanh chia sẻ.
Theo bác sĩ Khanh, thời gian hợp lý để trẻ nhỏ sử dụng thiết bị công nghệ chỉ nên từ 20-30 phút, sau đó phải dừng lại nghỉ ngơi, mỗi ngày chỉ được chơi 2 lần.
LÊ NAM
TNO