22/01/2025

‘Sợ’ con

“Mẹ vào phòng con phải gõ cửa trước. Đó là phép lịch sự tối thiểu. Mẹ không thể cứ tự vào phòng con như thế”.

 

Sợ con - Ảnh 1.

Ba mẹ cùng chăm con ăn trước khi con vào lớp – Ảnh: T.DƯƠNG

Các bậc cha mẹ ‘sợ’ con là điều đang hiện hữu tại nhiều gia đình có điều kiện hiện nay. Cũng có đến 1.001 lý do như sợ con không đồng ý, sợ con giận, sợ con buồn… Cha mẹ mải miết “chạy” theo con đến bao giờ?

Con chỉ luôn đòi hỏi, oán trách

Sau nhiều năm sống với nhau không hợp, chị N.T.V., 41 tuổi, đã quyết định chia tay chồng. Ngày con chị chuẩn bị vào học cấp III, con chị khăng khăng đòi nghỉ học ở trường công vì cho rằng học trường công nhiều bài vở, không được trình bày ý kiến cá nhân…

Sợ con bỏ học giữa chừng, chị V. chuyển con sang học tại một trường quốc tế với mức học phí hơn 500 triệu đồng/năm.

Những tưởng con chuyển sang môi trường mới sẽ vui vẻ nhưng từ ngày chuyển sang trường mới học, con lại hay “than thân trách phận”. Con cho rằng mình kém may mắn khi sinh ra ở gia đình không giàu bằng nhà nhiều bạn học trong lớp, trong trường.

Vốn đi lên từ khó khăn, chị V. có cuộc sống khá giản dị về ăn mặc cũng như trong sinh hoạt. Trong trường con hay tổ chức các hoạt động ngoại khóa nhưng con gái chị luôn không thích mẹ tham dự.

Chị V. tìm hiểu nguyên nhân thì con nói thẳng: “Con thấy mắc cỡ khi mẹ không được như mẹ của các bạn về nhan sắc, ăn mặc…”.

Nghe con nói vậy, chị V. thấy đau xót trong lòng, từ ngày con nhỏ đến giờ chị luôn dồn mọi thứ tốt nhất cho con. Cứ tưởng con sẽ biết ơn mẹ nhưng thực tế lại chỉ toàn đòi hỏi, oán trách.

Chị N.T.Q.H., 44 tuổi, cũng đang băn khoăn không biết có phải do vợ chồng chị quá cung phụng con hay không mà gần đây con trở lên “khó gần” đến như vậy?

Từ khi sinh con trai ra, chị luôn chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ cho con. Con lớn hơn chút, chồng chị phụ trách việc đưa chở con đến trường. Con cứ yên tâm nghỉ trưa, đến giờ đi học là chồng chị canh đồng hồ gọi con, rồi chở con đến trường.

Con tham gia nhiều lớp học thêm nên ngày nào học môn nào chồng chị đều nhớ rõ để nhắc con. Thấy con học nhiều nên vợ chồng chị không để con phải làm việc nhà.

Gần đây, cứ đi học về là con vào ngay phòng riêng của mình. Có hôm thấy cửa phòng khép hở, chị vào hỏi con có uống nước cam không để chị pha. Ai dè bị con mắng: “Mẹ vào phòng con phải gõ cửa trước. Đó là phép lịch sự tối thiểu. Mẹ không thể cứ tự vào phòng con như thế”.

Những lần sau, chị đều gõ cửa trước khi vào phòng con. Thế nhưng nhiều lần con hỏi mẹ có việc gì không, chị nói việc này việc kia nhưng không phải lúc nào cũng được gặp con một cách dễ dàng mà con thường nói đang bận học và hẹn đến lúc khác.

“Không tự nhiên mà có”

Trong khi rất nhiều bậc cha mẹ đang chạy theo con như khi con bé chạy theo đút cho ăn, khi con lớn chạy theo phục vụ đầy đủ các đòi hỏi của con… thì chị N.T.L., 32 tuổi, có quan điểm luôn làm cho con hiểu không có cái gì tự nhiên mà có.

Con chị mong muốn điều gì đều phải cố gắng, nỗ lực để có được và chị luôn có điều kiện cho con mình. Trong khi nhiều ông bố bà mẹ “năn nỉ” con học, thì con chị muốn đi học phải cố gắng đáp ứng được điều kiện của chị mới được đi học. Tất nhiên, từ nhỏ chị đã dạy con yêu thích với việc học.

Lần đó, con chị L. rất muốn được đi học đàn piano. Dù gia đình có điều kiện nhưng chị thỏa thuận con phải rửa chén đủ 100 lần. Con chị biết nhặt rau, quét nhà từ mẫu giáo, lớp 1 chị đã cho rửa chén, đổ rác…

Con chị cũng được cho học nhiều môn nghệ thuật như vẽ, piano, múa balê… nhưng dù học môn gì con cũng cố gắng, kiên trì theo đuổi và có kết quả học tập tốt. Con chị có khả năng tự học tốt. Môn tiếng Anh chị tự dạy cho con ở nhà. Năm nay con chị L. mới học lớp 2 mà đã chuẩn bị thi KET (thường chương trình này học sinh cấp II mới thi). Lớp 1 con chị đã thi được bằng Flyer với điểm số 15/15.

Chị dạy con biết cách chăm sóc ba mẹ, lễ phép với ba mẹ từ khi còn nhỏ. Với những người mẹ khác trong bữa ăn thường luôn gắp những miếng ăn ngon cho con. Chị cũng làm vậy nhưng trong bữa ăn chị lại dạy con phải biết mời ba mẹ, biết dành những đồ ăn ngon cho ba mẹ… Khi ba mẹ mệt đều phải biết cách hỏi han, chăm sóc…

Nhờ cách dạy như vậy nên lúc nào con chị cũng có lòng biết ơn cha mẹ đã phải làm việc vất vả để nuôi dạy con, biết trân quý những điều con đã nhận được từ cuộc sống.

Chị L. bảo chị rất tâm đắc với câu nói: “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Ý nói việc dạy một đứa trẻ phải dạy từng chút một và phải dạy trong một thời gian rất dài.

Hãy giải thích, thuyết phục thay vì ép buộc

TS Nguyễn Thị Thu Huyền, ThS.Tô Thị Hoàng Lan là những người thường xuyên có tư vấn với phụ huynh trong chuyện dạy con chia sẻ với Tuổi Trẻ:

* Để trẻ có thể là chính mình, phụ huynh cần làm gì?

 

hinh 1, ts nguyen thi thu huyen 3(read-only)

TS NguyễN Thị Thu Huyền

– TS Nguyễn Thị Thu Huyền: Nhiều cha mẹ nên hiểu rằng dạy con được là chính mình tức trở thành những con người độc lập, tự chủ thì con mới thích nghi được cuộc sống trong tương lai.

“Là chính mình” không có nghĩa là con tùy ý làm điều con thích mà không quan tâm đến lợi ích, ý kiến của người khác. Ranh giới giữa sống đúng với mong muốn, cá tính của mình với sự ích kỷ, chỉ biết đến bản thân là mong manh. Do đó cha mẹ cần cẩn trọng trong việc dạy con.

Tôi nghĩ cha mẹ cần cho con biết: con có quyền nói ra các suy nghĩ của mình, có quyền đồng ý hoặc phản đối ý kiến của người khác nhưng cần nói một cách ôn hòa, lịch sự; khi con làm bất cứ điều gì thì con cần chắc chắn điều đó không làm tổn hại mình, người khác và môi trường xung quanh; con không nhất thiết làm theo mọi điều người khác nói nhưng trước hết phải lắng nghe họ và xem xét ý kiến của họ, nếu đó là những góp ý tốt, hãy ghi nhận và thực hiện.

Để “là chính mình” một cách thành công, trẻ cần nhận ra các điểm mạnh, điểm yếu của mình với sự hỗ trợ, dẫn dắt của cha mẹ, trẻ biết yêu bản thân và có thể tự chăm sóc bản thân mình thật tốt, trẻ biết tự chịu trách nhiệm cho các quyết định của mình, trẻ có kỹ năng tư duy, giải quyết vấn đề, ra quyết định dưới nhiều góc nhìn…

Để làm được tất cả, cha mẹ cần trao cơ hội cho con thực hành từng bước, từ việc nhỏ tự phục vụ bản thân như tự xúc ăn, tự ngủ, tự chơi, tự thay quần áo… đến những việc lớn hơn như dọn dẹp bàn ăn, quét nhà, chia sẻ trách nhiệm với anh chị em, cha mẹ…

Khi có khác biệt trong cách nghĩ, cách làm, cha mẹ cần nói chuyện thẳng thắn, tôn trọng con, dùng các kỹ năng thuyết phục chứ không phải ép buộc con tuân theo ý kiến của mình.

– ThS.Tô Thị Hoàng Lan: Tôi nghĩ rằng việc khó nhất trong “giáo dục để trẻ được là chính mình” là ba mẹ/ông bà… xác định được ranh giới nào cho trẻ là chính mình và ranh giới nào trẻ cần được can thiệp. Can thiệp tất cả mọi điều, bắt trẻ con luôn làm theo người lớn sẽ làm cho trẻ phụ thuộc, không trưởng thành như một người độc lập.

Tôi muốn dùng hình ảnh việc chăm sóc một cái cây để các phụ huynh có thể hình dung việc giáo dục trẻ là chính mình: chúng ta sẽ không trồng cây theo kiểu bon sai là can thiệp uốn nắn cây hoàn toàn theo ý chủ quan của ta, chúng ta cũng không bỏ mặc cây muốn mọc như thế nào thì mọc, mà chúng ta xem cây của mình cần gì để phát triển, cung cấp chất dinh dưỡng phù hợp nuôi dưỡng nó, nương cho cây ra nơi ánh nắng để phát triển, điều chỉnh vị trí nhận sáng nếu cây phát triển lệch… Giáo dục trẻ là chính mình là như vậy đó.

* Làm thế nào để “dạy con ngoan” như tiêu chí nuôi dạy con mà mọi người hay nghe?

– TS Nguyễn Thị Thu Huyền: “Ngoan” là một từ chung chung để chỉ những trẻ hiểu chuyện, biết cách cư xử đúng chuẩn mực. Nhiều cha mẹ cho rằng “trẻ ngoan” là trẻ biết vâng lời, điều này không sai nhưng chưa đủ. Nói chính xác hơn thì “trẻ ngoan” là trẻ biết lắng nghe, làm theo sự chỉ dẫn phù hợp của người lớn. Với chỉ dẫn không phù hợp, “trẻ ngoan” cần có khả năng nêu ý kiến của mình để người lớn xem xét lại.

Tôi luôn dạy các bé trong gia đình lớn của tôi hay học sinh ở trường đều dựa trên cùng một triết lý như nhau. Đó là tôn trọng ý kiến, đặc điểm cá nhân của các bé nhưng cũng luôn cho trẻ biết được các nguyên tắc, chuẩn mực cần tuân thủ, khi không đồng ý với ý kiến, hành vi nào của trẻ, tôi giải thích rõ với trẻ.

Quan trọng nhất là người lớn cũng luôn phải làm gương cho trẻ.

 

hinh 2, ths to thi hoang lan (read-only)

ThS.Tô Thị Hoàng Lan

– ThS.Tô Thị Hoàng Lan:

Với tôi, từ “ngoan” mà chúng ta dùng hiện nay mang tính áp đặt một đứa trẻ luôn vâng lời người lớn và đó là điều tôi không ủng hộ.

Tôi quan niệm một đứa trẻ cần được nuôi dưỡng để biết cách hợp tác cùng chung sống với mọi người, đứa trẻ đó cần biết cách điều chỉnh hành vi cho phù hợp với hoàn cảnh, đồng thời được mọi người, nhất là người lớn, tôn trọng trẻ như một cá thể độc lập và dần học cách trưởng thành.

Bằng cách chúng ta tôn trọng đứa trẻ trước (trên nền tảng hiểu biết sự phát triển sinh lý trẻ, tâm lý trẻ), chúng ta xây dựng một mối quan hệ lành mạnh với trẻ. Từ đó, trẻ hợp tác với chúng ta và học cách dần tự trưởng thành. Tôi nghĩ đó là đích đến cuối cùng của việc giáo dục.

* Cảm ơn hai chị đã chia sẻ!

LƯU ĐÌNH LONG thực hiện

THÙY DƯƠNG
TTO