Giải pháp hai nhà nước

Giải pháp hai nhà nước

Trong nỗ lực lấy lại hình ảnh và vị thế nước Mỹ, chính quyền tân Tổng thống Joe Biden tiếp tục thay đổi một trong những chính sách gây tranh cãi nhất của người tiền nhiệm Donald Trump về tiến trình hòa bình Trung Đông.
Ông Joe Biden, khi còn làm phó tổng thống, bắt tay Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu /// Reuters
Ông Joe Biden, khi còn làm phó tổng thống, bắt tay Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu REUTERS
Xung đột Israel – Palestine vốn là vấn đề phức tạp và nhạy cảm nhưng ông Trump đã không ngần ngại phá vỡ truyền thống nhiều đời tổng thống trước để lần lượt công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel rồi chuyển đại sứ quán Mỹ về Jerusalem; công nhận chủ quyền của Israel với cao nguyên Golan; ủng hộ việc Israel xây dựng các khu định cư Do Thái ở Bờ Tây. Không chỉ vậy, chính quyền ông Trump còn gia tăng sức ép về chính trị và kinh tế đối với  Palestine như đóng cửa Phái bộ của Tổ chức giải phóng Palestine (PLO) tại Washington D.C.
Giống như cam kết lúc tranh cử, chính quyền tân Tổng thống Biden cho biết sẽ nối lại quan hệ với giới lãnh đạo Palestine, mở lại lãnh sự quán Mỹ ở Đông Jerusalem và PLO tại Washington D.C, đồng thời cam kết nối lại hoạt động hỗ trợ người Palestine. Ông Biden cũng nói rõ xem giải pháp hai nhà nước là con đường duy nhất cho hòa bình giữa Israel và Palestine. Tuy vậy, chính quyền mới của Mỹ vẫn khẳng định việc duy trì ủng hộ một cách kiên định với Israel.
Lập trường của chính quyền Biden rõ ràng được số đông ủng hộ hơn nhiều so với chính sách thời người tiền nhiệm. Sự điều chỉnh này cũng giúp Mỹ bớt lo hơn về vấn đề thay đổi tập hợp lực lượng ở Trung Đông. Tuy nhiên, từ tuyên bố đến hành động có thể còn gặp trở ngại. Chưa kể việc Israel không dễ gì chịu quay ngược lại thời kỳ “ít có lợi” hơn trước đây.
NGỌC MAI
TNO