22/01/2025

5 căn ‘bệnh’ của cha mẹ dễ khiến con áp lực, thành người ích kỷ

5 căn ‘bệnh’ của cha mẹ dễ khiến con áp lực, thành người ích kỷ

Xem con là bảo bối, nuông chiều quá mức sẽ khiến con trở nên ích kỷ, không biết quan tâm người khác. Trong khi đó, việc lấy thành tích của con để làm ‘trang sức’, so sánh với những đứa trẻ khác lại khiến con chịu áp lực.
Nhiều cha mẹ gặp phải sai lầm khi nuôi dạy con cái, khiến trẻ rất áp lực
Nhiều cha mẹ gặp phải sai lầm khi nuôi dạy con cái, khiến trẻ rất áp lực

Con là “bảo bối”

Sự lệch lạc trong suy nghĩ muốn điều tốt nhất cho con cái với sự nuông chiều đã biến rất nhiều cô bé, cậu bé trở thành tâm điểm của cả gia đình. Con là bảo bối của ông bà, cha mẹ đôi khi là của cả cô dì chú bác.
Phần lớn các em bé “bảo bối” này muốn gì được nấy, mọi việc đều có người đáp ứng và phục vụ, được yêu thương và nuông chiều vô điều kiện. Khi con chỉ hắt hơi sổ mũi, giận dỗi nằm vạ hay phải tự làm một điều gì đấy cũng khiến người lớn xung quanh xót xa.
Những ông bố bà mẹ này thường có tâm lý phục vụ, yêu thương không giới hạn và cũng yêu cầu người khác phải đối xử như thế với con mình. Họ luôn có xu hướng yêu cầu người khác phải xem con mình là số một, là duy nhất.
Những em bé được nuôi dạy theo xu hướng này thường ích kỷ, xem thường người khác, chỉ muốn được phục tùng, hưởng thụ, dễ trở nên ngạo mạn và ít quan tâm đến người thân, gia đình.

Phải bù đắp cho con

Có nhiều cha mẹ cho rằng thời thơ ấu của mình cực khổ, thiếu thốn nên có con mình phải bù đắp cho con tất cả những gì mình thiếu, điều này không sai nhưng cần suy xét giữa việc yêu thương con với tâm lý của con rằng “đó là trách nhiệm của ba mẹ”.
Thực sự nguy hiểm khi một số ba mẹ này thường quên đi những nhu cầu cơ bản khác mà bất cứ ai cũng cần có, đó là tình cảm, sự an toàn, các mối quan hệ xã hội, chuyện sinh hoạt giữa các thành viên gia đình hằng ngày…
Những người có công việc bận rộn thường ít có thời gian cho con, đi công tác nhiều càng có tư tưởng bù đắp nhiều hơn. Điều đáng nói là việc bù đắp bằng vật chất phóng khoáng hơn bù đắp tinh thần.
Bù đắp thái quá bằng vật chất sẽ tạo nên những em bé hay đòi hỏi, không có khả năng độc lập trên mọi phương diện, hưởng thụ nhiều hơn chia sẻ, không có tư duy thấu cảm, thiếu trách nhiệm với bản thân và gia đình.

Muốn con thành thiên tài

Không ít các ông bố bà mẹ lặn lội hết trung tâm Anh ngữ này, đến trung tâm học toán khác với mong muốn con giỏi vượt bậc hơn các bạn cùng trang lứa, tư duy siêu đẳng, tính toán nhanh như chớp…
Những cha mẹ này đặc biệt rất siêng nghiên cứu các phương pháp nuôi dạy con thông minh, đi học những khóa học đào tạo cha mẹ nuôi con thành thiên tài và thí nghiệm ngay chính trên con mình. Khi đứa trẻ phản ứng không tiếp thu họ tỏ ra vô cùng bế tắc, hoang mang và sợ hãi, cảm thấy mọi việc thật nghiêm trọng.
Những em bé này luôn sống trong áp lực của chính bản thân mình tự tạo ra bởi sự kỳ vọng của cha mẹ. Những trẻ này kém tự tin, luôn sợ sai, sống trong tình trạng căng thẳng, rối loạn lo âu và dễ bị trầm cảm.

Xem con là “trang sức” của cha mẹ

“Trở thành con ngoan trò giỏi là sứ mệnh vô cùng lớn lao làm đẹp mặt cha mẹ”, không ít phụ huynh nghĩ như vậy. Rất nhiều cha mẹ luyện con từ rất nhỏ để đi thi các cuộc thi làm thiên tài, thần đồng… thành tích của các con sẽ là món “trang sức” vô giá để các ba mẹ đi khoe thiên hạ.
Với những cha mẹ này, con không đạt được thành tích cao là một điều xấu hổ và mất mặt, họ sống trong áp lực, sợ người khác không coi trọng mình, đàm tiếu vì con không đạt được thành tích mong muốn và đặt tất cả trọng trách làm cha mẹ nở mặt nở mày lên vai đứa bé.
Đa phần những em bé này ngay từ nhỏ đã bị ám ảnh bởi thành tích, kết thúc của tất cả mọi việc trẻ làm là thành tích chứ không phải quá trình trẻ cố gắng để đạt được. Trẻ sống trong tình trạng lo âu, sợ chỉ trích, sợ thất bại, mắc bệnh ngôi sao, rối loạn lo âu, dễ dẫn đến trầm cảm.

Nhìn con hàng xóm để nuôi con mình

Nhiều cha mẹ không bao giờ suy nghĩ mình sẽ làm gì để con làm được những điều mình mong muốn trong vui vẻ hạnh phúc. Họ chỉ nhìn con người khác để đánh giá con mình giỏi hay dở, hơn hay thua từ việc ăn ngủ đến đọc chữ, vui chơi… mà quên mất bố mẹ của đứa bé kia không phải là mình và con của mình có tư chất hoàn toàn khác đứa bé kia.
Họ mang tâm lý so sánh con trong mọi vấn đề, mọi khía cạnh, mọi giới hạn. Chỉ một điều gì đó của con không bằng con người khác, hoặc khác biệt với con người khác sẽ khiến họ tức giận, không thể chấp nhận… Họ có xu hướng sẽ trút giận, dằn vặt người thân và đứa bé để đích đến là con mình phải đạt được hoặc giống như con hàng xóm họ ngưỡng mộ.
Những em bé này luôn trong tâm trạng cảm thấy bị ghét bỏ, oán giận cha mẹ, kém tự tin, mặc cảm… Thậm chí, nếu bị cha mẹ so sánh quá nhiều các em có thể bị trầm cảm, lo âu kéo dài và có nhiều suy nghĩ tiêu cực, có xu hướng hủy hoại bản thân.
Đừng để mình mắc bất cứ căn bệnh nào trên đây các anh chị nhé. Điều gì không muốn mình gặp phải, xin đừng làm với con.

Thạc sĩ Bùi Thị Thu Vân

TNO