Có con tự kỷ: Di cư theo con
Có con tự kỷ: Di cư theo con
Có người từ giã công việc, nơi cư ngụ thân thuộc để lên thành phố ở trọ ròng rã cùng con. Có người phải bán nhà, chuyển đến gần trường con học… Tất cả vì mục đích: giúp con tự kỷ tiến bộ.
5 giờ sáng, chị V., 38 tuổi, dẫn con trai 5 tuổi bắt xe đò từ nhà mình ở TX.Bình Long, tỉnh Bình Phước đến TP.HCM. 8 giờ, sau khi đưa con vào học tại một trường chuyên biệt, chị V. đi lang thang khắp nơi. 15 giờ 30, chị đón con và bắt chuyến xe đò về lại Bình Phước.
Suốt hai tuần, mỗi ngày vượt hơn 200 cây số sớm đi – tối về, mẹ con chị V. “đuối toàn tập”. Chị quyết định khăn gói cùng con lên TP.HCM ở trọ, tìm việc làm mới, bắt đầu mọi thứ gần như từ con số không.
Tưởng đã cùng đường
– K. ơi, lại đây má hun (hôn) cái nè.
– Cho má ngồi với cô này chút nha K…
Chiều muộn, trong sân Trường giáo dục chuyên biệt Khai Trí (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), chốc chốc chị V. âu yếm gọi với theo bé K., con trai của chị đang chơi một mình.
Chia sẻ về hai tuần đưa đón con đi học bằng xe đò, chị V. nghĩ như vậy sẽ tiết kiệm tiền ăn ở. Chị rớm nước mắt nhớ lại: “Tiền xe đò hai chiều với hai ghế của mẹ con từ TX.Bình Long đến TP.HCM là 320.000 đồng/ngày. Những hôm canh được xe, hai mẹ con trốn ngồi một ghế. Đưa con tới trường xong, em đi bộ kiếm việc làm nhưng không có. Thậm chí, em xin rửa chén, giặt giũ để kiếm miếng ăn qua ngày, người ta cũng không dám nhận. Nhiều bữa em chỉ uống chai nước hay ly cà phê cầm cự, vì một bữa ăn giá bèo cũng mất 30.000 đồng”.
|
Thấy chi phí tốn kém, mẹ con đều kiệt sức, bé K. hôm nào cũng vào học trễ – ra sớm (so với giờ quy định) do đường sá xa xôi, chị V. đành đổi kế hoạch, tìm phòng trọ gần nơi con học.
Nhờ sự kết nối của bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm (Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường giáo dục chuyên biệt Khai Trí), mẹ con chị được thuê phòng với giá ưu đãi (3,5 triệu đồng/tháng). Ban ngày chị làm nhân viên bán xe nâng hàng của một công ty tại Q.Thủ Đức (TP.HCM), cuối mỗi buổi chiều chị tranh thủ về đón con. Hai mẹ con cùng chơi trong sân trường cho đến khi bác bảo vệ thông báo đóng cổng.
Một buổi tối tháng 11, tôi theo mẹ con chị V. về phòng trọ. Căn phòng nhỏ nhưng thoáng. Trên tường, chị V. treo những bức tranh có các chữ cái và chim, thú để dạy cho con. Kể về tình trạng bé K., chị V. cho hay con mình thuộc dạng “tự kỷ ngôn ngữ”. Mấy năm trước, chị gửi con học với nhóm dạy kèm trẻ chậm nói ở Bình Phước, nhưng không hiệu quả. Lo con chưa nói được trong khi năm tới bé 6 tuổi và sẽ vào lớp 1, chị V. đưa con lên TP.HCM can thiệp tại trường giáo dục chuyên biệt, với mức phí gần 7 triệu đồng/tháng (bán trú).
Người mẹ giãi bày: “Hiện nay, bé đã nói được 1 – 2 từ. Hy vọng bé có cải thiện tốt, để em bớt chi phí quá nặng như bây giờ”.
Xóm trọ tự kỷ
Cái tên dân dã “Xóm trọ tự kỷ” ra đời khi nhiều phụ huynh có con em tự kỷ từ tỉnh, thành khác đến trọ trong hẻm 214 Điện Biên Phủ (P.17, Q. Bình Thạnh), gần Trường giáo dục chuyên biệt Khai Trí.
Đại diện trường chuyên biệt này cho hay: Trước đây, tại “xóm trọ tự kỷ” có khoảng 20 gia đình có con tự kỷ thuê phòng. Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng dịch Covid-19, chỉ còn ba, bốn gia đình. Trong số những người còn trụ lại, bà Hai (70 tuổi, quê Cà Mau) và cháu trai 16 tuổi đã ở gần 8 năm, lâu nhất trong “xóm trọ tự kỷ”.
|
Bà Dương Thị Lài (65 tuổi, H.Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận) cũng bỏ nhà cửa ở quê vào đây thuê phòng dài hạn để chăm sóc cháu ngoại là bé D. Từ nhỏ, bé D. có những biểu hiện như hay đi nhón chân, đâm đầu chạy dù ai kêu cũng không đứng lại, tỏ ra xa cách với cả người thân. Mỗi khi “khùng lên”, bé tự bấu, cắn bầm hai tay…
Bà bật khóc: “Tui có ba đứa con, nhưng chỉ mới có một cháu này thôi. Ngoài quê, bé D. là ca đầu tiên người ta phát hiện có những triệu chứng kỳ lạ đó. Mấy kẻ ác miệng nói tui ăn ở sao mà cháu bị vậy. Tui tự an ủi mình không làm điều gì ác và xấu, nhưng buồn cho cháu mình không được như các trẻ bình thường”.
Gia đình bà Lài đã đưa bé D. đi nhiều nơi để can thiệp, trước khi “dừng chân” tại xóm trọ này suốt 5 năm nay. Mẹ bé D. là giáo viên, đã xin nghỉ dạy không lương 1,5 năm (hai đợt) để vào đây lo cho con. Còn lại, bà Lài vô thay và “ở miết đến giờ”.
Vừa nấu ăn, bà Lài than vật giá trong này cái gì cũng mắc. Trung bình mỗi tháng, tổng chi phí hết chừng 20 triệu đồng, chưa kể gạo, cá gửi từ quê vô. Bà liệt kê: Phòng trọ, điện nước hơn 4,5 triệu đồng, tiền trường 6,5 triệu đồng, dạy kèm 3 triệu đồng/tháng, rồi ăn uống, thuốc men cho bé D… Ảnh hưởng dịch Covid-19, thu nhập của ba bé D. (làm công nhân tại TP.HCM) bị sụt giảm, khiến tiền hỗ trợ nuôi bé D. eo hẹp hơn.
Sau 5 năm được can thiệp liên tục, bé D. (hiện 7 tuổi) đã có tiến bộ. Bà Lài lạc quan: “Bé đã nói được, học tạm được. Gia đình định năm sau cho bé về quê học lớp 1, nhờ giáo viên quan tâm thêm vì nó dạng đặc biệt”.
Sống lâu trong “xóm trọ tự kỷ”, bà Lài quen mặt những phụ huynh cùng cảnh ngộ. Bà nhớ nhiều kỷ niệm với người mẹ trẻ cùng đứa con trai tên Phúc đến từ tỉnh Đồng Tháp. Hồi mới đến, bé Phúc hay lên cơn động kinh, đập phá đồ đạc, tiêu tiểu trong quần. Đã vậy, ba của Phúc bỏ việc, bỏ vợ con qua Campuchia đánh bạc rồi biệt tăm. Mẹ bé Phúc cầu cứu cha mẹ mình lên chăm sóc cháu, còn chị sang Hàn Quốc làm thuê gửi tiền về. Sau này, vì sự cố riêng, cha mẹ chị không thể kề cạnh lo cho Phúc. Họ nhờ một cô giáo trong trường lãnh Phúc về nhà nuôi, đưa đón bé đi học.
“Năm ngoái, tui còn thấy bé Phúc. Năm nay, tui không gặp nó nữa, không biết giờ nó sao rồi”, bà Lài bùi ngùi. (còn tiếp)
Cần làm giấy xác nhận tự kỷ cho trẻ
Chủ tịch Mạng lưới tự kỷ Việt Nam Phạm Thị Kim Tâm cho rằng cha mẹ cần làm Giấy xác nhận khuyết tật (tự kỷ) cho trẻ, để trẻ được hưởng chính sách hỗ trợ cũng như việc học của trẻ thuận lợi hơn. Nếu trẻ có hành vi không phù hợp, ngoài việc góp ý con mình, cha mẹ cần giải thích để người khác thông cảm hơn.
Dời nhà theo… trường
Chị M. (bác sĩ) phát hiện con mình bị tự kỷ lúc bé 20 tháng tuổi. Chị gửi bé học tại trường mầm non gần nhà ở Q.12 (TP.HCM), rồi mướn giáo viên giáo dục đặc biệt đến nhà dạy kèm. Sau đó, chị cho con học tại một trường chuyên biệt dành cho trẻ tự kỷ ở Q.Bình Thạnh. Hằng ngày, cha mẹ chị M. bắt taxi chạy hàng chục cây số đưa đón bé đi học. Thấy đi lại bất tiện và tốn kém, vợ chồng chị M. quyết định bán ngôi nhà thân thuộc ở Q.12, mua căn nhà nhỏ gần trường con học để tiện đưa đón, chăm sóc. “Tất cả vì con thôi!”, chị M. chia sẻ.
NHƯ LỊCH
TNO