Con gái bị dụ dỗ chụp ảnh khoả thân qua mạng, phụ huynh nên làm gì?
Con gái bị dụ dỗ chụp ảnh khoả thân qua mạng, phụ huynh nên làm gì?
Vụ việc nam thanh niên 23 tuổi ở Đồng Nai dụ dỗ bé 9 tuổi chụp ảnh khỏa thân, sau đó phát tán cho bạn bè xem đã khiến nhiều bậc phụ huynh giật mình lo sợ.
Dụ chụp ảnh khỏa thân và hứa “anh sẽ cưới em”
Mới đây, Vòng Quý Ón, 23 tuổi, trú tại TT.Định Quán, H.Định Quán, Đồng Nai vừa bị công an Hà Nội bắt tạm giữ hình sự do có hành vi dụ dỗ, đe dọa bé gái 9 tuổi ở Hà Nội chụp, gửi ảnh khỏa thân gửi cho mình. Theo đó, Ón với nick name “ck Sói Xám” và bé gái Q. (9 tuổi, Hà Nội) quen nhau qua Zalo từ tháng 9. Trong quá trình trò chuyện, Ón dụ dỗ bé Q. chụp ảnh khỏa thân. Sau khi nhận ảnh, anh ta đã gửi cho bạn bè mình cùng xem khiến bé Q. hoảng sợ kể cho ba mẹ và gia đình đã tố cáo sự việc lên cơ quan công an.
Chia sẻ về câu chuyện nhức nhối này, chị Nguyễn Thúy An có con đang học Trường THCS Trần Quốc Toản, Q.9, TP.HCM, kể lại: “Thực sự đây là một tình trạng tương đối phổ biến hiện nay. Bản thân gia đình tôi cũng đã gặp tình huống tương tự. Một lần tôi sử dụng máy tính thì phát hiện con gái 14 tuổi của mình đăng nhập Facebook mà quên thoát ra. Tôi bèn vào kiểm tra mục tin nhắn thì phát hoảng khi nhận ra con có quan hệ yêu đương qua mạng với một cậu thanh niên 20 tuổi ở tận Cà Mau. Trong các cuộc trò chuyện, cả 2 nói với nhau về chuyện trai gái mà bản thân tôi đọc cũng thấy rất kinh khủng. Cậu ta dụ dỗ con tôi cởi áo chụp cho cậu ta coi, và hứa v là sẽ cưới con gái tôi nếu như con gái tôi cho cậu ta coi những hình ảnh khác trên cơ thể”.
Chị Thúy An lập tức kể lại cho chồng biết để cùng tìm cách xử lý. Sau một hồi bàn bạc, chị An đã quyết định trò chuyện nghiêm túc với con gái. “Tôi nói với con rằng hồi tôi bằng tuổi con, tôi cũng biết thích bạn trai, nhưng thích vì bạn ấy học giỏi. Tình cảm ấy hoàn toàn trong sáng, giúp đỡ nhau tiến bộ trong học tập, kết quả là tôi có điểm tổng kết lớp 9 và điểm thi vào lớp 10 cũng rất cao. Tôi phân tích cho con hiểu việc cậu bạn đang làm là sai pháp luật và nếu tiếp tục thì có thể cậu ta sẽ phải ra tòa vì có hành vi dụ dỗ trẻ dưới 16 tuổi. Bên cạnh đó, tôi hỏi con là có muốn tiếp tục với cậu ta không khi con đang phải tập trung học tốt để thi vào lớp 10. Nếu tiếp tục con sẽ bê trễ việc học và sẽ phải bỏ học, mẹ không ngăn cản con đến với cậu ta nhưng ba mẹ sẽ không có trách nhiệm với con nữa nếu con đồng ý theo cậu ấy. Hai người sẽ lấy nhau, sinh con và tự làm việc để nuôi sống bản thân. Ở độ tuổi này thì điều đó hoàn toàn khó khăn với con vì con chưa đủ trưởng thành để sẵn sàng với tất cả… Sau khi nghe mẹ phân tích, con tôi khóc và nói không muốn bỏ học, không muốn theo anh ta đâu, sau đó tự block nick cậu này”.
Trang bị kỹ năng khi dùng mạng xã hội
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, thành viên tổ tư vấn ủy ban đổi mới giáo dục, cho rằng đây là một thực trạng đáng lo ngại. “Phụ huynh muốn bảo vệ con thì bản thân phải có ý thức cảnh giác trước, quan tâm tới sinh hoạt, tâm tư tình cảm của con, từ đó có phương pháp giáp dục phù hợp. Cha mẹ cần giải thích cho con hiểu về những tốt – xấu trên mạng xã hội hiện nay, trang bị kỹ năng, hiểu biết về các mối quan hệ trên mạng. Không nên cứng nhắc cấm đoán, nhưng cũng không được dễ dãi để con muốn sử dụng máy tính, điện thoại và internet thế nào cũng được”.
Theo tiến sĩ Lâm, không nên cho con sử dụng điện thoại sớm quá, tuổi có thể dùng điện thoại là khi lên THCS. Tuy nhiên, lúc này phụ huynh cần đưa ra những nguyên tắc với con. Ví dụ thời gian sử dụng điện thoại, máy tính trong ngày là bao lâu, vào lúc nào và vào mục đích gì. Nếu con vi phạm sẽ mất quyền lợi sử dụng. Ngoài ra, nói cho con biết những biểu hiện của một người xấu trên mạng để nếu con gặp thì phải lập tức tránh xa.
“Ở lứa tuổi dậy thì, nhu cầu phát triển cơ thể khiến trẻ dễ bị đánh thức về mặt sinh lý và dễ bị dẫn dụ khiến không làm chủ được bản thân. Nếu cha mẹ bận rộn không quan tâm tới con, bỏ mặc con với thiết bị điện thoại thông minh mà không trang bị kiến thức, kỹ năng cho con thì vô tình sẽ đẩy con vào môi trường thiếu lành mạnh, độc hại trên mạng và có thể bị rơi vào tình huống bị xâm hại qua mạng”, ông Lâm phân tích thêm.
Ở một góc độ khác, thạc sĩ Lê Minh Tiến, giảng viên Khoa Xã hội học, Trường ĐH Mở TP.HCM, nhìn nhận thời đại “số hóa” không thể tránh khói việc đời sống con người bị chi phối bởi công nghệ và dẫn đến nhiều hệ lụy. “Trong thời gian qua, ở nước ta dường như công nghệ đi nhanh hơn hiểu biết và kỹ năng về nó, nên gây ra lỗ hổng lớn về ứng xử và sự thích ứng dẫn đến những hệ lụy, chẳng hạn như việc trẻ 9 tuổi làm quen với bạn trai trên mạng xã hội và bị dụ dỗ chụp ảnh khỏa thân như vụ việc ở trên. Chúng ta cần giáo dục kỹ năng sống trong thời đại số cho trẻ em và thanh niên, trang bị khả năng ứng xử phù hợp trước các mối quan hệ trên mạng xã hội, những lợi ích và rủi ro, mặt tốt và xấu, các tình huống nguy hại cần tránh…. Phát triển công nghệ, internet mà không đi đôi với việc trang bị kỹ năng sử dụng chúng một cách thông minh, tỉnh táo thì sẽ còn xảy ra nhiều câu chuyện đáng tiếc”, ông Tiến cho hay.
MỸ QUYÊN
TNO