23/01/2025

Từ chuyện vắc xin Covid-19, nhìn lại truyền thống làm ‘chuột bạch’ của giới khoa học Nga

Từ chuyện vắc xin Covid-19, nhìn lại truyền thống làm ‘chuột bạch’ của giới khoa học Nga

Các nhà khoa học Nga và Liên Xô từng nhiều lần tự tiêm thử nghiệm vắc xin trên chính cơ thể họ để tìm ra được công cụ hiệu quả để cứu người.
Nhà khoa học nghiên cứu vắc xin ngừa Covid-19 tại Viện Gamaleya ở Moscow, Nga /// Reuters
Nhà khoa học nghiên cứu vắc xin ngừa Covid-19 tại Viện Gamaleya ở Moscow, Nga  REUTERS
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 11.8 thông báo Nga đã cấp phép cho vắc xin ngừa Covid-19 đầu tiên trên thế giới.
Vắc xin tên Sputnik V do Viện Nghiên cứu dịch tễ và vi sinh học Gamaleya phối hợp với Bộ Quốc phòng Nga phát triển đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 nhưng được cho phép tiêm chủng đối với các nhân viên y tế Nga trong năm nay và lưu hành sử dụng rộng rãi từ đầu năm sau.
Tổng thống Putin nói một trong số các con gái của ông đã được tiêm thử vắc xin và vẫn khỏe mạnh. Giới chuyên gia phương Tây tỏ ra ái ngại vì chưa được thử nghiệm đầy đủ, nhưng trước đây, nhiều nhà khoa học Nga cũng như Liên Xô cũng từng tự lấy cơ thể họ làm “chuột bạch” cho những nghiên cứu y học.
Từ chuyện vắc xin Covid-19, nhìn lại truyền thống làm 'chuột bạch' của giới khoa học Nga - ảnh 1

Người tình nguyện được tiêm thử nghiệm vắc xin ngừa Covid-19 tại Brazil AFP

Hồi tháng 4, Giám đốc Alexander Ginzburg của Viện Gamaleya và 100 đồng nghiệp tiêm thử nghiệm một loại vắc xin ngừa Covid-19 ngay cả khi vắc xin này chưa được thử nghiệm trên khỉ, theo tờ The Moscow Times.
Ông Ginzburg nói đã vài tháng trôi qua từ ngày tiêm liều đầu tiên và toàn bộ những người thử nghiệm đều khỏe mạnh.
Ngược về thời Liên Xô, vợ chồng nhà virus học Marina Voroshilova và Mikhail Chumakhov cũng nổi tiếng về cách làm này. Năm 1959, ông Chumakov và vợ tự thử nghiệm vắc xin virus bại liệt đã bị làm suy yếu do nhà khoa học Albert Sabin của Mỹ phát triển.
Từ chuyện vắc xin Covid-19, nhìn lại truyền thống làm 'chuột bạch' của giới khoa học Nga - ảnh 2

Trẻ em được cho uống vắc xin bại liệt ở Indonesia AFP

Vợ chồng nhà Chumakov còn cho nhiều con cháu trong gia đình uống loại vắc xin này. Hành động này tạo tiền đề cho việc thử nghiệm trên quy mô lớn tại Liên Xô và cuối cùng vắc xin bại liệt được cấp phép sản xuất và sử dụng toàn cầu.
Cả 3 người con của ông Chumakov sau này đều là những nhà virus học và vẫn áp dụng cách làm của cha mẹ, theo tờ The Print. “Cần có người tiên phong. Tôi chưa từng giận dữ (về hành động của cha). Tôi nghĩ thật tốt khi có người cha nhưu vậy. Ông ấy đủ tự tin rằng điều ông làm là đúng và đảm bảo không tổn hại cho con”, ông Peter Chumakov, một trong ba người con, cho biết.
Người con út Konstantin cũng đồng ý với anh trai. “Đó từng là điều đúng đắn cần làm. Ngày nay, người ta sẽ hỏi những câu như: Bạn đã có giấy phép của ủy ban đạo đức chưa?”, ông Konstantin nói.
Trước đó nữa, bác sĩ-nhà hoạt động cách mạng Alexander Bogdanov từng có nhiều nghiên cứu và tự thử nghiệm truyền máu để cải lão hoàn đồng. Tuy nhiên, ông qua đời vào năm 1928 sau khi truyền máu qua lại với một sinh viên bị mắc bệnh lao, theo tờ The Nation.
VI TRÂN
TNO