23/01/2025

Ý nghĩa tên cha mẹ đặt cho con: Lấy tên người yêu cũ, kẻ thù

Ý nghĩa tên cha mẹ đặt cho con: Lấy tên người yêu cũ, kẻ thù

Ngoài mong ước về điều tốt đẹp, ý nghĩa tên người Việt đặt cho con khá lạ: đặt theo tên người yêu cũ, người mình oán ghét, dùng những từ mang nghĩa tục, tên “sai chính tả”… Cũng có chuyện đặt tên rồi phải đổi.
Nhiều tình huống dở khóc dở cười xoay quanh chuyện đặt tên /// ẢNH MINH HỌA: DAD
Nhiều tình huống dở khóc dở cười xoay quanh chuyện đặt tên  ẢNH MINH HỌA: DAD
Ý nghĩa tên lạ lùng
Nhà kia sinh được cậu con trai, khai sinh tên Năm. Chủ nhà bên này không phải tên Năm, nhưng thứ năm, mà dân quê gọi ông Năm, bà Năm, rồi quên cả tên chính. Đang ở trong nhà, đột nhiên ông Năm nghe nhà kia chửi đổng “Mẹ thằng Năm! Cái đồ thất nhân ác đức!”. Xắn tay áo bước qua định hỏi cho ra lẽ, thì được giải thích: “Tôi chửi con tôi, liên quan gì ông”. Ấm ức quay về được 3 bước, ông Năm lại nghe tên mình bị rủa um sùm.
Thế mới thấy sự… phong phú về cách đặt tên con của người Việt mình! Đặt theo đức tính, phẩm chất tốt đẹp, từ ngữ hoa mỹ thì bình thường. Nhiều người thích đặc biệt hơn khi đặt tên con giống tên người mình ghét để chửi đổng. Cách này được PGS.TS Lê Trung Hoa khi nghiên cứu về “Nhân danh học” đã thống kê hẳn hoi trong 13 cách đặt tên, đó là “lấy tên người yêu, kẻ thù”.
Theo ông Hoa, chuyện lấy tên người mình oán ghét thì có hàng xóm khắc khẩu (như chuyện kể trên), cũng có thể là tình địch, người yêu phản bội. Nói về người yêu thì lại có chuyện đặt theo tên người yêu cũ nữa. Một vài chuyện tình rất đẹp, nhưng cái kết lại không viên mãn, thế là âm thầm lấy tên người đó đặt cho con.
Mà kể ra cũng “nguy hiểm” thật, bị phát hiện là… tan nát gia đình như chơi!
Những cái tên đặc biệt phải kể đến như Vũ Thị Noel, Cao Thị Paulette, Đặng Thị Milla, Lê Hoàng Madeleine,… Theo PGS.TS Lê Trung Hoa, do ảnh hưởng văn hóa Pháp, trước năm 1954, một số trí thức ở các thành phố lấy tiếng Pháp đặt tên cho con, thành ra những cái “tên lai” như thế.
Có tên mang hơi hướng Tây thì cũng có tên rặt là ta, thậm chí là phương ngữ. Phương ngữ thì cũng không quá đặc biệt, đáng nói hơn là những cái tên mang nghĩa tục nghe gọi muốn… đỏ mặt. Ngày xưa không ít các thằng Cu, cái Hĩm. Thực tế xóm tôi giờ vẫn còn ông Tám Cu, mà lên bàn nhậu ngà ngà rồi là hay bị ghẹo “người ta một thôi là muốn chết, mày Tám Cu sống sao nổi”!
“Ấy là do các gia đình nông thôn xưa do hiếm muộn hoặc có phần mê tín, bèn lấy những từ có nghĩa là cơ quan sinh dục, hay các từ không thanh nhã mấy như Tèo, Đẹt đặt cho con, vì cho rằng làm như thế sẽ không bị ma quỷ bắt chết”, ông Hoa giải thích.
Ý nghĩa tên cha mẹ đặt cho con: Lấy tên người yêu cũ, kẻ thù - ảnh 1

Đặt tên con là cái quyền chung nhất của các bậc làm cha mẹ. 9 người 10 ý, vì thế nói chuyện đặt tên là nói hoài chẳng hết!    ẢNH MINH HỌA: SHUTTERRSTOCK

Ngoài ra, có một sự cố khác cũng làm ra đời những cái tên không giống ai. Cha mẹ khi đặt tên con đã lựa sẵn Trung Thành, Kim Ngân, Duy Nhất, Bình Yên… Tới lúc làm giấy tờ, nhân viên hộ tịch luýnh quýnh thế nào mà sai sót, cha mẹ lại không nhìn kỹ lại. Bút sa gà chết, con dấu đã đóng rồi, làm lại thì mất thời gian, nên đành chịu những cái tên “là lạ” Trun Thành, Kim Ngâng, Duy Nhấc, Bình Yêng… Đành rằng tên là danh từ riêng, nhưng vẫn “nghịch mắt” vì mang “dáng dấp” sai chính tả!

Kiểu đặt tên của vua, chúa

Cũng theo nghiên cứu của PGS.TS Lê Trung Hoa, nhiều vua chúa lại có những cách đặt tên riêng. “Đơn cử là trường hợp của vua Minh Mạng. Vị này đã viết một loạt những bài thơ tứ tuyệt để định tên cho các thế hệ con cháu sau này. Ví dụ một bài tiêu biểu: “Miên hồng ưng bửu vĩnh/Bảo quý định long trường/Hiền năng kham kế thuật/Thế thụy quốc gia xương.” Bởi thế, con vua Minh Mạng là Miên Tông (Thiệu Trị), cháu là Hồng Nhậm (Tự Đức),…”.
Nói chuyện tên vua chúa, thì theo phong tục xưa, chuyện đặt tên con của người Kinh rất tối kỵ việc trùng tên các bậc thưởng trượng như vua chúa, thánh thần, hay cả những người thuộc thế hệ trước của dòng họ. Thậm chí, khi gọi những tiếng đồng âm với tên húy ấy, phải gọi chệch đi, như ông cố tên Hành thì phải gọi “bộ hành” là “bộ hiềng”, bà nội tên Quý thì phải gọi “quý nhân” thành “quới nhân”.
“Từ đó mới có chuyện thay đổi tên chính. Ngay cả tôi cũng vậy, ngày xưa ba tôi đặt là Lê Trung Hòa, nhưng ngặt nỗi học lớp nhất lại có thầy tên Hòa. Về ba mới đổi tôi thành Hoa. Không ít tiền nhân cũng tương tự: Ngô Thì Nhậm trùng tên húy vua Tự Đức là Hồng Nhậm, Nguyễn Phúc Thì, nên phải viết Ngô Thời Nhiệm. Không dám gọi đúng tên húy Phó Tổng trấn Gia Định Trương Tiến Bảo, nên người miền Nam phải gọi Trương Tấn Bửu”, ông Hoa lý giải.
Ngoài ra, cũng còn khá nhiều những lý do khác khiến tên chính của một người bị thay đổi: các quan có công trạng được vua chiếu cố đổi tên; do thi rớt; do tên xấu, tên dở; do trốn lính; để hoạt động cách mạng; gọi theo tên con đầu lòng; gọi theo tên chồng; bị một biến cố. Tuy nhiên, hiện nay pháp luật chỉ cho phép đổi tên một số trường hợp nhất định.
Ý nghĩa tên cha mẹ đặt cho con: Lấy tên người yêu cũ, kẻ thù - ảnh 2

Chắc chắn ai cũng từng thắc mắc về cái tên của mình: Mang nghĩa gì? Vì sao ba mẹ lại đặt như thế?   ẢNH MINH HỌA: HẢI AN

Cái tên có lẽ vẫn còn rất nhiều điều luận bàn. Cái tên không nói lên tất cả, bởi thực tế không ít người làm ăn phi pháp mang tên Lành, Lương Thiện, tính tình hậu đậu lại tên Đảm Đang. Học hành bết bát lại tên Đậu, Minh Mẫn, Bác Học, nhưng có người tên Rớt lại học hàm, học vị cao ngất (mạn phép nêu một vài thực tế để dễ hiểu, không có ý đả kích). Cũng có người phấn đấu cả đời chỉ để cái tên mình còn vang danh mãi muôn đời sau.
Nhưng suy cho cùng, ai cũng có một cái tên, đơn giản là để phân biệt với những cá nhân khác. Còn chuyện ý nghĩa tên, bạn hãy về hỏi đấng sinh thành, để kể những câu chuyện thú vị của riêng mình.
HOÀI NHÂN
TNO