Con nghiện game online thì nói gì cũng ‘nước đổ lá môn’
Con nghiện game online thì nói gì cũng ‘nước đổ lá môn’
Đó là chia sẻ của ông Đặng Lê Anh, chuyên gia giáo dục trị liệu nghiện game tại buổi toạ đàm ‘Nghiện game online – Hậu quả khôn lường’ do Báo Tiền Phong tổ chức tại Trường THPT Thành Nhân, TP.HCM sáng 16-6.
Chơi game để kiếm tiền?
Ông Lê Anh kể: “Tôi cùng ăn, ngủ với người nghiện game. Tôi thấy rằng khi một ai đó chơi game online thì rất khó để nghỉ chơi. Khi đứa con nghiện game thì ông bà, cha mẹ có nói gì cũng như ‘nước đổ lá môn’. Thầy cô giáo có dùng các hình phạt thật nặng chỉ càng làm cho học sinh chán nản, nghỉ học. Bởi vì một người đã nghiện game online mà không biết cách chữa trị thì rất khó xử lý”.
Tại buổi toạ đàm, B.N, học sinh Viện nghiên cứu phát triển Vovinam và Thể thao (IVS) kể lại câu chuyện nghiện game của mình: “Ngày trước em nghe trên mạng xã hội nói có nhiều game thủ chơi và trở thành cao thủ, kiếm được tiền từ game online nên em và một số bạn nói với gia đình sẽ chơi game để kiếm tiền”.
N bắt đầu chơi game rồi nghiện: “Em chơi 8 tiếng/ngày, chơi đến mức quên ăn quên ngủ. Sau đó em bỏ nhà đi, bố mẹ tìm về nhốt trong nhà thì em tìm cách trốn ra ngoài. Lúc ấy trong người em chỉ có 50.000 đồng, chơi được một buổi thì hết tiền. Làm gì để có tiền chơi game tiếp đây, chả lẽ đi cướp giật? Trong đầu em cứ xoáy vào câu hỏi đó”.
Rất may sau đó gia đình N. đã tìm được em và đưa vào trường cai nghiện game.
Gia đình có lỗi lớn nhất
TS.Thiếu tá Lê Hoàng Việt Lâm, giảng viên Trường Đại học An ninh Nhân dân, phát biểu tại toạ đàm: “Dưới góc nhìn xã hội học, tôi cho rằng nghiện game là một hiện tượng xã hội ‘gần gũi’ với hiện tượng tội phạm. Bởi lẽ nếu nghiện game sẽ có thể phát sinh vô vàn những tình huống: Không có tiền chơi game sẽ nghĩ ra cách để có tiền (như trộm cắp, cướp giật, thậm chí giết người).
Bố mẹ không cho chơi có thể dẫn đến cáu gắt, khó chịu, chửi bới. Khi mua bán các vật dụng liên quan đến các trò chơi có thể dẫn đến những bất đồng, xung đột giữa các cá nhân, nhóm…dẫn đến những hậu quả khó lường”.
TS Lâm nói thêm: “Hệ lụy của việc nghiện game chịu sự tác động của nhiều nguyên nhân khác nhau, song theo tôi, gia đình có lỗi lớn nhất trong chuyện này. Bởi lẽ mỗi cá nhân luôn sống trong một gia đình và họ luôn có bước khởi đầu của việc nghiện game. Bước khởi đầu đó đều do gia đình.
Chẳng hạn, con cái không ăn, cách mà nhiều gia đình thường áp dụng là cho trẻ chơi game để ăn. Hoặc cách để bố mẹ thư thái khi ngồi uống cà phê mà không bị trẻ quấy chính là việc giao hẳn điện thoại cho lũ trẻ; khi trẻ khóc, cách nhiều bố mẹ hay dùng là để bố/mẹ cho con chơi game nhé…”.
TS Lâm đưa ra lời khuyên: “Cách tốt nhất là mỗi thành viên trong gia đình, nhất là bố mẹ phải có cách giáo dục, dạy con khoa học, kiểm soát hợp lý và hiệu quả khi con sử dụng điện thoại, chơi trò chơi trực tuyến như: Đặt giới hạn thời gian khi cho con chơi game (nếu con vi phạm cần có hướng xử lý thích hợp). Cho con đọc những bài báo, xem những clip nói về tác hại của nghiện game.
Tuyệt đối không sử dụng những hình thức ‘khen thưởng’ bằng việc cho chơi game. Sắp xếp thời gian đưa con đi chơi những địa điểm, trò chơi bổ ích. Sớm nhận diện những dấu hiệu nghiện game của con cái để có cách xử lý thích hợp; bản thân cha, mẹ không chơi game hoặc chơi game trong thời gian phù hợp để nêu gương cho con cái…” – TS Lâm tư vấn.
Game online nguy hiểm vô cùng nên chúng ta phải tuyệt đối tránh xa. Một người nghiện game chẳng khác gì nghiện ma túy. Tôi mong các em học sinh nếu có chơi game thì chỉ chơi ở mức giải trí, rơi vào khoảng thời gian tối đa 30 phút với những trò chơi nhẹ nhàng, vui nhộn khai thông trí lực. Đặc biệt tránh xa những game bạo lực
Đặng Lê Anh, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Vivonam và thể thao (IVS)