23/12/2024

Khát vọng ầu ơ: Thắc thỏm ngóng con

Khát vọng ầu ơ: Thắc thỏm ngóng con

Đến xóm hiếm muộn, các cặp vợ chồng luôn chuẩn bị tâm lý đi đường dài…

 

 

Nhiều cặp vợ chồng kiên trì nhiều năm chữa trị hiếm muộn /// Ảnh: Trung Du
Nhiều cặp vợ chồng kiên trì nhiều năm chữa trị hiếm muộn  ẢNH: TRUNG DU
Gần trăm triệu đồng cho một lần thụ tinh trong ống nghiệm, nhưng cơ hội thành công thì không thể nói trước… Bởi vậy đến xóm hiếm muộn, các cặp vợ chồng luôn chuẩn bị tâm lý đi đường dài.
Nhà trọ tôi ở có tất cả 12 phòng, trong đó 11 phòng giống y chang nhau và một phòng hẹp hơn. Mỗi phòng rộng chừng 5 m2, có một cửa sổ gắn kính xếp nhỏ cỡ hai bàn tay, thêm một chiếc quạt treo tường, ti vi và một máy lạnh. Phía dưới là một chiếc bàn inox trên mặt có hai cái chén, hai đôi đũa và một nồi cơm điện để phục vụ riêng cho việc ăn uống tại phòng… Bên ngoài, chủ nhà khéo léo chừa một khoảng sân rộng làm khu sinh hoạt chung. Ở đây, có một kệ bếp dài được ốp gạch men sạch sẽ, phía trên và xung quanh là khoảng 5 – 6 kệ để đĩa, dao, thớt, nồi, chảo phục vụ các gia đình tự nấu nướng. Phần lớn đồ đạc này do chủ nhà mua, phần còn lại của khách thuê trọ cũ về quê để lại.
Việc sắm sửa đồ gia dụng tinh tươm như vậy cũng do chủ nhà nắm bắt tâm lý khách thuê, bà Trinh chủ nhà nơi tôi thuê cho hay: “Hầu hết các cặp hiếm muộn theo bệnh viện ở đây đều có chủ trương ở lại lâu dài. Nếu lần một được ngay thì coi như may mắn. Còn không, họ sẽ trở đi trở lại, một năm có khi ở đây tới 10 tháng thì không thể đi ăn ngoài hay nấu ăn tạm bợ. Hơn nữa, các cặp vợ chồng đi chữa vô sinh có nhu cầu ăn sạch, ăn bổ nên chỗ nấu nướng được ưu tiên hơn cả”.
Khát vọng ầu ơ: Thắc thỏm ngóng con

Khu bếp chung của một nhà trọ ở xóm hiếm muộn  ẢNH: H.K

Ám ảnh hỏng… phôi

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Quy (32 tuổi, quê An Giang) anh Trần Ngọc Vũ (35 tuổi, cùng quê) đã chữa hiếm muộn mười mấy năm nay. Anh Vũ trầm giọng, chỉ tay qua tòa nhà Bộ Công an cặp bên xóm hiếm muộn: “Khi tôi lên chữa là lúc tòa nhà đó khởi công, đổ móng. Ba năm qua, tòa nhà đã thành khối nhưng con tôi chưa thành hình”.
Chị Quy, vợ anh, bị buồng trứng đa nang nên không thể mang thai thuận tự nhiên. Anh chị đã đi hết một vòng đất nước tìm thầy hay chạy chữa nhưng không kết quả. “Số thuốc anh chị đã uống phải tính bằng tạ”, anh nói. Hỏi anh về kinh nghiệm chữa vô sinh, anh bảo “chờ”. Vợ chồng anh đã chờ 14 năm nay và giờ… vẫn tiếp tục. Nói đến đây anh nhìn vợ cười như động viên rồi quay qua tôi: “Muốn chữa hiếm muộn em phải chuẩn bị tâm lý đường dài. Vợ chồng anh đã bốn lần thụ tinh trong ống nghiệm thất bại và giờ đang chờ đợi lần thứ năm”.
Khát vọng ầu ơ: Thắc thỏm ngóng con

Những cặp vợ chồng xóm hiếm muộn xem nhau như người thân

Anh vẫn nhớ như in hình ảnh chị Quy mặt tái mét, nhòe nhoẹt nước mắt bước ra từ phòng khám. Suốt sáu tiếng đồng hồ đi xe khách từ TP.HCM về An Giang, chị Quy cứ khóc hu hu như một đứa trẻ khiến bác tài và những người đi cùng xe không khỏi ái ngại. Anh Vũ hiểu vì sao vợ khóc bởi vợ đã đặt quá nhiều hy vọng cho lần thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên. Hơn nữa, chứng kiến vợ đau đớn trong những lần làm thủ thuật khiến anh lo lắng chị không thể chịu được những lần sau.
Còn chị Quy, sau bốn lần thụ tinh trong ống nghiệm thất bại, chị bị ám ảnh. Giờ đây, không chỉ buổi tối mà ngay cả những buổi trưa chị vẫn thường gặp ác mộng khi ngủ. Chị bảo, cứ gần tới ngày nhận kết quả báo phôi chị lại mơ thấy một giấc mơ lặp đi lặp lại. Trong mơ, chị thấy một vị Bồ tát trên tay bế hai đứa trẻ. Chị vừa quay lại thì thấy rơi mất một đứa trẻ nên chị cứ tìm mải miết cho tới khi choàng tỉnh. Có lần, chị lại mơ thấy chị bị chết trong lúc làm thủ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Trong mơ, chị cầu xin được tỉnh lại để gặp chồng lần cuối nhưng vô vọng… Bởi đã trải qua quá nhiều thất bại, quá nhiều sợ hãi nên giờ đây, mỗi ngày chị Quy đều làm an lòng bằng cách nằm trên giường đọc Chú đại bi cho đến khi ngủ thiếp đi…

Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng

Sau khi tham quan một vòng chỗ ở, tôi ra khu bếp chung, chọn một chiếc nồi sạch, cho một nải chuối sáp vào luộc chín, bày ra chiếc bàn đặt ngay trung tâm khu sinh hoạt chung. Khoảng 16 giờ, các cặp đôi đều lần lượt có mặt để chuẩn bị bữa ăn chiều. Trong không gian tập thể đó, họ chia nhau từng quả trứng, mớ rau sạch. Mọi người vừa trò chuyện vừa ăn chuối thân mật như người trong gia đình. Biết tôi là người mới, chị My (36 tuổi, quê Đồng Tháp) trấn an: “Em cứ tự nhiên, người ở xóm hiếm muộn này thương nhau còn hơn cả người thân”.

Phước chủ may thầy (?!)

Một bác sĩ chuyên điều trị hiếm muộn, vô sinh nổi tiếng tại TP.HCM cho biết, phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), tỷ lệ thành công khoảng 50 – 60%. Phương pháp bơm tinh trùng, tỷ lệ thành công khoảng 20%, có nghĩa phải làm 4 – 5 lần mới đậu. Xác suất thành công còn liên quan yếu tố tâm lý, dinh dưỡng, thời gian… Nhiều khi nhờ quan hệ vợ chồng nhiều lần trong nhiều chu kỳ nên ngẫu nhiên có thai.
Chuyên điều trị vô sinh hiếm muộn, đông y sĩ Phan Phước Thạnh (thuộc Hội Y học dân tộc TP.HCM) cho rằng có hiện tượng “phước chủ may thầy” trong khi chữa bệnh. Tuy vậy, ông nhấn mạnh phải có định hướng trong điều trị, mới có thể giảm được tỷ lệ thất bại. Theo ông Thạnh, đông y giúp phục hồi các chức năng (của buồng trứng, tuyến yên …), trong khi tây y là thay thế, “đi tắt đón lõng”.
 Như Lịch
Để có được cái thai năm tháng tuổi như hiện tại, chị Trần Thị Thủy (42 tuổi, quê Quảng Bình) đã phải mất 12 năm chạy chữa và cả tỉ đồng chi phí. Bởi vậy, lần này khi biết đã đậu thai chị ăn uống nghỉ ngơi theo chế độ đảm bảo an toàn. “Mười mấy năm đi lại Sài Gòn, chị chỉ ước được như năm nay. Với chị, cái thai trong bụng còn quý hơn vàng bốn số chín”, chị nói.
Ở nhà trọ A17 có một quy định ngầm với nhau. Cứ gia đình nào thử bê ta (beta) có kết quả tốt, chuyển, cấy phôi thành công thì họ sẽ ăn mừng. Nhà nào có tin vui sẽ mua bia, những người còn lại trong xóm phụ trách mua mồi. Việc ăn mừng này cũng như một cách để xả đi những mệt mỏi mà họ phải mang suốt thời gian làm thụ tinh trong ống nghiệm.
Không để mọi người thất vọng, trong lần thử beta gần với thời điểm tôi ở xóm hiếm muộn, anh Hùng, chị Linh (34 tuổi, quê Quảng Bình) đã báo một tin vui là cùng với hai gia đình ở lại năm nay anh chị cũng sẽ ăn tết Sài Gòn. Tối hôm tôi định rời xóm trọ cũng là đêm cả xóm tổ chức tiệc mừng anh Hùng, chị Linh là cặp tiếp theo may mắn khi chuyển về “xóm trọ linh” này. Trên tay, cầm một hộp mồi và một túi bia, chị Linh hớn hở giục tôi: “Vào nhanh đi em”.
Suốt bữa tiệc mừng, họ chỉ nói chuyện vui, chuyện con cái và dự định cho những ngày tháng sau này. Trong men rượu ngà ngà, họ còn hưng phấn nhận nhau làm sui gia. Nhìn cảnh đó, tôi biết họ đã chờ đợi nó từ rất lâu và chắc chắn một điều, đứa con mà những người phụ nữ kia đang mang trong mình là những đứa trẻ hạnh phúc nhất bởi ba mẹ chúng đã phải đánh đổi những ngày tháng thanh xuân đẹp nhất ở bệnh viện để có chúng. (còn tiếp)
LAM NGỌC
TNO