29/12/2024

Thách thức âm tính giả trong xét nghiệm Covid-19

Thách thức âm tính giả trong xét nghiệm Covid-19

Giới chuyên môn cảnh báo kết quả âm tính giả trong xét nghiệm Covid-19 và tình trạng dương tính trở lại có thể gây trở ngại trong việc ngăn chặn đại dịch.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại bang Washington, Mỹ
  /// Ảnh: Reuters

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại bang Washington, Mỹ  Ảnh: Reuters
Theo các chuyên gia, phần lớn các xét nghiệm Covid-19 đang được các nước tiến hành đều sử dụng công nghệ PCR (phản ứng chuỗi polymerase) giúp truy tìm vi rút từ dịch nhầy, dù phương pháp này có thể cho kết quả âm tính giả và gây khó khăn cho việc phòng chống dịch. AFP dẫn lời chuyên gia Priya Sampathkumar tại Bệnh viện Mayo (Mỹ) cho rằng tính chính xác của xét nghiệm này phụ thuộc vào mức độ hắt hơi, ho của bệnh nhân, kỹ năng lấy mẫu và thời gian đưa mẫu đi xét nghiệm.

Hoạt động nguy hiểm của SARS-CoV-2

Các nhà khoa học cảnh báo vi rút Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh Covid-19 có thể tiêu diệt tế bào miễn dịch mạnh nhất của cơ thể con người, tương tự như vi rút HIV, theo tờ South China Morning Post. Nhóm nghiên cứu tại Đại học Phúc Đán (Trung Quốc) và Trung tâm huyết học New York (Mỹ) đã thử nghiệm cấy SARS-CoV-2 vào tế bào T (tế bào lympho T) nuôi trong phòng thí nghiệm. Tế bào T giúp xác định và loại bỏ vi rút xâm nhập cơ thể con người. Các chuyên gia phát hiện gien của SARS-CoV-2 xâm nhập tế bào T và bắt nó làm con tin, vô hiệu hóa chức năng bảo vệ con người. Tuy nhiên, SARS-CoV-2 và tế bào T sẽ chết cùng nhau, còn HIV tấn công tế bào T, tạo ra nhiều bản sao hơn để lây nhiễm những tế bào khác, theo nghiên cứu công bố trên tạp chí Cellular & Molecular Immunology. Trước đó, truyền thông Trung Quốc đã dẫn lại kết quả khám nghiệm tử thi của hơn 20 bệnh nhân nhiễm Covid-19 cho thấy hệ miễn dịch, nội tạng bị hủy hoại tương tự HIV.
Phúc Duy

Các thông tin trước đó tại Trung Quốc cho thấy độ nhạy của phương pháp xét nghiệm này là 60 – 70%. Trong khi đó, khó xác định tỷ lệ xét nghiệm chính xác trên thế giới do các nước có những cách xét nghiệm khác nhau. Tuy nhiên, bà Sampathkumar cho rằng dù tỷ lệ chính xác lên đến 90% đi nữa thì nguy cơ vẫn cao khi số người xét nghiệm càng nhiều. Bác sĩ Daniel Brenner tại Bệnh viện Johns Hopkins (Mỹ) cho biết có trường hợp xét nghiệm dịch mũi 3 lần cho kết quả âm tính dù bệnh nhân có nhiều triệu chứng nhiễm Covid-19. Đến khi dùng phương pháp rửa phế quản phế nang mới cho kết quả dương tính. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo không chỉ dựa vào kết quả xét nghiệm mà nên theo dõi thêm các triệu chứng, khả năng phơi nhiễm của bệnh nhân, bên cạnh các phương pháp chẩn đoán khác.

Một thách thức khác trong đại dịch là tình trạng bệnh nhân dương tính lại sau hồi phục. Theo Reuters, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang phối hợp với các chuyên gia để thu thập thêm dữ liệu về các trường hợp này. Hôm 10.4, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) thông báo 91 bệnh nhân Covid-19 được xác định hồi phục, có kết quả âm tính nhưng sau đó được xét nghiệm dương tính trở lại. Giám đốc KCDC Jeong Eun-kyeong cho biết vi rút có thể “tái kích hoạt” chứ không phải bệnh nhân bị tái nhiễm.
Các quan chức y tế Hàn Quốc đang đẩy mạnh điều tra dịch tễ học nhằm tìm hiểu nguyên nhân của tình trạng này. Trước đó, tờ South China Morning Post dẫn nguồn từ các bác sĩ tại Bệnh viện Đồng Tế (Trung Quốc) cho biết 3 – 10% bệnh nhân hồi phục có xét nghiệm dương tính trở lại sau khi xuất viện dù khó có khả năng họ lại bị nhiễm từ người khác.
Theo khuyến nghị của WHO, một bệnh nhân Covid-19 có thể được xuất viện sau khi có kết quả âm tính 2 lần liên tiếp, cách nhau ít nhất 24 giờ. Trước tình trạng trên, WHO khuyến cáo các cơ quan chức năng cần đảm bảo tuân thủ đúng quy trình thu thập mẫu xét nghiệm Covid-19. “Chúng tôi biết rằng một số bệnh nhân có kết quả PCR dương tính sau khi họ hồi phục lâm sàng, nhưng cần phải thu thập thêm mẫu xét nghiệm từ các bệnh nhân đã hồi phục để xác định xem vi rút có thể tiếp tục tồn tại trong cơ thể bao lâu”, WHO cho hay.
KHÁNH AN
TNO