Sống trong… thời dịch nCoV: Tự trấn an bằng những câu ‘thần chú’

Sống trong… thời dịch nCoV: Tự trấn an bằng những câu ‘thần chú’

Không ít người nương vào những câu “thần chú” để tự trấn an, kiểu “Sống chết có số, lo quá làm chi”, “Cứ bình thường thôi!”…
Mẹ con chị Nguyễn Thị Hà hằng ngày đi gom rác thải /// Như Lịch

Mẹ con chị Nguyễn Thị Hà hằng ngày đi gom rác thải  Như Lịch
Trong lúc dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút Corona chủng mới (nCoV) đang diễn ra, nhiều người ngại ra đường, ngại đến đám đông để phòng tránh bệnh. Tuy nhiên, có những người hằng ngày vẫn phải lao ra đường mưu sinh với các công việc như thu gom rác thải, bán vé số…
Họ có lo âu về dịch nCoV? Làm sao họ vượt qua nỗi sợ để tiếp tục công việc hằng ngày? Câu trả lời là dịch bệnh ai chẳng sợ, nhưng nỗi lo cơm áo vẫn đẩy họ ra đường. Và không ít người nương vào những câu “thần chú” để tự trấn an, kiểu “Sống chết có số, lo quá làm chi”, “Cứ bình thường thôi!”…“Nóng ngộp là hả họng thở, lột khẩu trang”
Ngày 8.2, tôi theo chân mẹ con chị Nguyễn Thị Hà (quê Đồng Nai, tạm trú P.28, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đi thu gom rác dân lập.
5 giờ, chị Hà cùng đồng nghiệp lấy rác trên địa bàn P.26, Q.Bình Thạnh. Đến 9 giờ, sau khi xong việc ở P.26, chị gọi điện cho con trai Trần Văn Đạt để hai mẹ con lấy rác ở P.25.
Đạt nhỏ quắt so với độ tuổi 13. Cậu bé phơi nước da đen nhẻm qua chiếc áo ngắn tay và quần đùi. Tại nhiều điểm để rác, chúng tôi thấy có khá nhiều khẩu trang y tế sau khi sử dụng vứt vương vãi. Không mang bao tay, Đạt xách các bịch rác quăng lên xe cho mẹ phân loại và nhặt nhạnh ve chai.
Hai mẹ con chị Hà vừa trờ tới trước một ngôi nhà trong hẻm ở đường Ung Văn Khiêm thì một con chó to vọt ra rồi chạy vòng vòng bên xe rác. Mặc cho mẹ hối thúc, Đạt không dám bước xuống vì sợ chó cắn. Trong khi đó, chủ nhà luôn miệng la mắng con chó cưng sao lại “hôn hít” xe rác hôi hám.
Ban đầu, mẹ con chị Hà đều bịt mặt khi làm việc. Nhưng tầm 10 giờ trở đi, dưới cái nắng gay gắt, lần lượt chị Hà rồi đến Đạt gỡ khẩu trang.
11 giờ 15, chiếc xe chở rác do chị Hà điều khiển khi lên gần giữa cầu Kinh Thanh Đa (Q.Bình Thạnh) đột ngột tắt máy. Đạt nhanh nhảu nhảy xuống, đạp muốn trẹo hông nhưng không ăn thua. Chị Hà bảo Đạt: “Con lên xe nhờ cô chở đi mua xăng”. Trong lúc đợi chúng tôi, chị vẫn ngồi trên chiếc xe cà tàng, cố trấn giữ cho nó khỏi tuột dốc.
Mặt trời đứng bóng, chúng tôi đến điểm tập kết rác ở ngã tư Thanh Đa. Buổi sáng, mẹ con chị Hà đã gom được ba thùng rác lớn. Hai mẹ con chờ xe đến bốc rác rồi tiếp tục công việc đến 17 – 18 giờ.
Tranh thủ giờ chờ xe, tôi bắt chuyện với Đạt: “Sao con không đeo bao tay hay khẩu trang khi lấy rác?”. Cậu bé kể: “Mấy ngày nay, nhiều người dặn con phải kỹ lưỡng vì đang có dịch bệnh. Thực tình con cũng sợ bị lây, sợ chết. Nhưng con đeo khẩu trang một hồi là nóng bức, khó chịu lắm nên tháo ra. Còn bao tay và ủng, con chưa từng mang và nghĩ rằng về nhà rửa tay chân là được rồi”. Theo Đạt, công việc lấy rác rất cực bởi nắng nóng, hôi dơ. Do vậy, cậu bé đang học lớp 3 phổ cập này ấp ủ tương lai sẽ trở thành anh thợ sửa xe hoặc công nhân trong xí nghiệp.

Người ta có điều kiện thì ở nhà trốn dịch. Còn tụi em kinh tế eo hẹp, nhiều lúc nỗi lo tiền trọ, tiền sữa, tiền ăn… lấn át cả nỗi sợ con vi rút Corona

Chị Lan Anh (33 tuổi, quê Thanh Hóa), bán vé số tại TP.HCM

Chị Hà cho hay khi nghe chị than thở giá khẩu trang 3.000 đồng/cái, một người quen làm ở công ty sản xuất khẩu trang đã hốt cho chị “cả mớ”. Bà ấy còn dặn hai mẹ con rằng “ngày nào cũng phải bịt vô, bây giờ vi rút dữ lắm”. Bản thân chị cũng tự nhắc nhở mình và mấy đứa con đi gom rác phải mang vật dụng bảo vệ cơ thể. Tuy nhiên, chị thừa nhận: “Lúc khỏe khỏe còn bịt mặt, đến chừng mệt và nắng nóng ngộp quá, lo hả họng thở, lột hết khẩu trang!”.
Chị Hà cười nói rổn rẻng: “Mình chuẩn bị cỡ nào, lên xe rác cũng không bao giờ kỹ hết được do có rất nhiều vi khuẩn. Nên tui nghĩ kệ nó đi, số ai nấy hưởng”. Nghe vậy, cặp vợ chồng trẻ (cùng nghề với chị Hà) đang ăn cơm và cũng chờ xe bốc rác, tỏ ý tán thành: “Đúng rồi, cứ bình thường đi, lo quá làm chi”…

Vì miếng cơm manh áo, phải đi…

Từ khi có dịch vi rút Corona, nhiều người khuyên chị Lan Anh (33 tuổi, quê Thanh Hóa, ở trọ tại P.7, Q.Tân Bình, TP.HCM) không nên cho bé Bảo Châu, đứa con 2 tuổi của chị cùng đi bán vé số. Chị Lan Anh cho biết chị không có người thân ở đây để gửi bé, nên đành “cắp” con theo mưu sinh khi bé mới ba tháng tuổi cho đến nay.
Chị Anh chia sẻ: “Người ta có điều kiện thì ở nhà trốn dịch. Còn tụi em kinh tế eo hẹp, nhiều lúc nỗi lo tiền trọ, tiền sữa, tiền ăn… lấn át cả nỗi sợ con vi rút Corona”. Nói vậy, nhưng chị Anh cho biết hai mẹ con thường đeo khẩu trang và rửa tay phòng dịch. Chị còn khoe mới làm trà tắc và mua thuốc tăng cường sức đề kháng cho bé Bảo Châu…
Tối 9.2, chị Anh chở con đi bán vé số. Bé Bảo Châu ngồi trong chiếc ghế tự chế đặt sau yên xe đạp, bên trên có che tấm bạt. Hai mẹ con đều bịt khẩu trang, lần lượt ghé bán tại quán nhậu, quán cà phê dọc các tuyến đường: Hòa Hưng, Rạch Bùng Binh, Trường Sa, Hoàng Sa… Ở đa số các quán, thực khách không còn xôm tụ như trước. Hết mẹ đến con chào mời vé số, song họ nhận lại nhiều cái lắc đầu hoặc xua tay.
Tại một quán nhậu trên đường Rạch Bùng Binh (P.9, Q.3, TP.HCM), chị Anh “chạm mặt” một số người ở miền Trung, cũng đang che khẩu trang bán vé số. Không những không sợ mất khách, hai bên còn thân tình hỏi han như quen biết nhau tự thuở nào. Mới vào nghề này từ sau Tết Nguyên đán, bà Mai (59 tuổi, quê Phú Yên) kể: “Trưa tới giờ bán ế lắm, chưa được 100 tờ”. Rồi bà chỉ bàn chân trái sưng to, thật thà: “Hồi nãy cô uống thuốc cho bớt nhức xương, nên xót ruột quá! Kiểu này phải kiếm tạm đồ ăn thừa của người ta”. Có lẽ chưa từng rơi vào tình cảnh này, nên bà cứ ngượng ngùng thập thò bên nồi lẩu cạn còn sót vài miếng cá trên bàn nhậu đã tàn.
Gần nửa đêm, mẹ con chị Lan Anh lục tục trở về phòng trọ. Bé Bảo Châu gà gật trên xe. Sớm hôm sau, tôi thấy dòng tâm sự của chị nhảy trên Facebook: “Cứ tiếp tục tình trạng này chắc chết đói. Bán cả buổi tối được hơn 50 chục tờ số. Mong sao sớm hết dịch Corona này”.
“Mốt” đeo khẩu trang check in điểm đến
Tuyến đường Bạch Đằng, Trần Phú, Trần Quốc Toản, khu vực chợ Hàn, nhà thờ Con Gà… (Đà Nẵng) vốn là những địa điểm dập dìu du khách vào bất cứ ngày nào trong tuần. Nay, những điểm này vắng hoe. Dịch nCoV đã “đóng băng” hoàn toàn thị trường khách Trung Quốc, thị trường lớn thứ nhì của ngành du lịch Đà Nẵng. Nhân viên của một tiệm bán đồ lưu niệm trên đường Nguyễn Thái Học (cạnh chợ Hàn) thở dài khi được hỏi về sức mua những ngày gần đây: “Chưa bao giờ tôi chứng kiến cảnh chợ Hàn đìu hiu như những ngày vừa qua. Du khách không lui tới thì những tiệm bán đồ lưu niệm như cửa hàng chúng tôi cũng chỉ có cách ngồi nhìn nhau…”.
Có mặt tại nhà thờ Con Gà – điểm tham quan được nhiều người trong và ngoài nước yêu thích khi ghé Đà Nẵng, người viết ghi nhận cảnh nhiều khách đi lẻ tập trung trước cổng sắt của nhà thờ để… “bòn” vài tấm ảnh. Nhà thờ ra thông báo đóng cửa nhưng không thông báo ngày mở cửa trở lại. Nhiều người tìm đến nhà thờ rồi tần ngần hồi lâu vì tiếc nuối. Họ bịt kín bởi khẩu trang để selfie, hoặc chụp cho nhau những bức ảnh kỷ niệm “độc”, có lẽ chưa bao giờ có trong các chuyến du lịch của mình.
Trên nhiều tuyến phố, dễ dàng bắt gặp cảnh tượng du khách đeo khẩu trang để check in điểm đến. Thậm chí nhiều du khách an toàn đến mức đi ăn chỉ mở khẩu trang khi phần ăn dọn sẵn trước mặt, ăn xong, họ lại bịt khẩu trang lại.
Hoàng Sơn
NHƯ LỊCH
TNO