24/12/2024

Gia đình dấu yêu: Ở đâu có gia đình, ở đó có tết

Khắp nơi đã rộn ràng chuyện tết. Đi đâu, nhà nội hay nhà ngoại cũng náo nức, chộn rộn nhưng băn khoăn cũng nhiều.

 

Gia đình dấu yêu: Ở đâu có gia đình, ở đó có tết

Khắp nơi đã rộn ràng chuyện tết. Đi đâu, nhà nội hay nhà ngoại cũng náo nức, chộn rộn nhưng băn khoăn cũng nhiều.
 
 
 
 /// ​Minh họa: Văn Nguyễn
​Minh họa: Văn Nguyễn
 
 

Trước kia, chỉ những gia đình trẻ hay người thích xê dịch mới hay du lịch vào dịp tết. Nay du xuân gần như là xu hướng chung của những người không quá câu nệ các phong tục truyền thống. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể vui vẻ du xuân khi đó đây vẫn còn tư tưởng xem nặng chuyện tết nhất phải ở nhà sum họp.
 
Một chị bạn tôi ngậm ngùi kể, khi thông báo với mẹ chồng kế hoạch du lịch vào mấy ngày tết, bà không phản đối nhưng tỏ ý không vui. Chị hiểu một phụ nữ lớn tuổi luôn coi trọng lễ nghi, phép tắc như bà sẽ khó chấp nhận việc gia đình con vắng mặt trong mấy ngày tết, dù mỗi tháng, anh chị vẫn đưa con về thăm ông bà.
 
Năm nào cũng thế, nghĩ đến việc về quê chồng ăn tết là chị sợ. Nhà chồng chị ở quê rất đông họ hàng. Dù khách chỉ lác đác vài người hay đông người, mẹ chồng vẫn muốn bày mâm cỗ trịnh trọng để mời khách với quan niệm “tết là phải đủ đầy, thậm chí dư thừa thì cả năm mới được sung túc”. Xong phần nấu nướng, ăn uống, tiếp khách là dọn dẹp. Mệt đừ nhưng quanh đi quẩn lại có mấy món quen thuộc đến phát ngấy như bánh chưng, thịt kho, măng hầm, giò chả… nên dù đói chị cũng chẳng buồn ăn. Tết xong là chị sụt cân vì quá mệt. Cả năm tất bật việc cơ quan, rồi việc nhà, chỉ mong ngày tết được nghỉ ngơi, nhưng tết kiểu này khiến chị chỉ mong mau hết tết…
 
Ngay cả khi trong năm, con cái vẫn thường xuyên gặp gỡ hoặc về thăm, việc cả nhà du lịch xuyên tết rất dễ bị phê phán nếu không được những người lớn tuổi cảm thông, chưa kể bị cho là “trốn tết”, có lối sống thực dụng, ích kỷ rồi đánh giá “Tây hóa” này nọ… Họ lo lắng các giá trị truyền thống bị mai một, giềng mối gia đình sẽ phai nhạt, lỏng lẻo… Con cái biết quan tâm đến bố mẹ sẽ tự thăm nom bất cứ khi nào có thể chứ không đợi tết, cũng chẳng cần ai áp đặt bằng những định kiến. Nghĩ được vậy, sẽ thấy tết ở đâu chẳng quan trọng, chỉ cần cả nhà đều vui.
 
Du xuân để gặp gỡ những người chưa từng hoặc đã lâu không gặp, thay vì những gương mặt thân quen. Đi để được thưởng thức những món khác với những thứ đã làm khẩu vị ta tê liệt vì sự nhàm chán mỗi ngày. Đi để ngắm nhìn hoa thơm cỏ lạ, cảm nhận những điều khác biệt với những thói quen ngày thường. Sao cứ câu nệ tết là phải sum họp ở nhà mà không thể tụ họp trên một bờ biển nào đó, bên một triền núi ở một vùng đất xa xôi nào đó? Để khi trở về lại thấy những điều cũ mòn quanh ta trước giờ bỗng trở nên lạ lẫm, để những cảm xúc bấy lâu như ngủ quên vừa được khơi bừng dậy bởi những điều mới mẻ.
 
Tôi không đồng tình với cách ứng xử kiểu tết này về ngoại thì tết sau về nội, nghe sòng phẳng, lạnh lùng. Cũng như có người bảo, tết mà cửa nhà đóng im ỉm, bếp núc lạnh tanh, thiếu “bánh chưng, thịt lợn, dưa hành” thì chẳng còn là tết. Ở đâu có yêu thương, nơi ấy chính là nhà, mà nhà thì có thể về thăm bất cứ lúc nào chứ đâu cứ đợi tết? Tết tự trong tâm mình chứ ở đâu xa!
 
 
 
LÊ THỊ NGỌC VI 
 
 

TNO