25/11/2024

Gia đình dấu yêu: Có bao giờ mẹ hỏi ‘Con thích gì’ không ?

Chị họ tôi hỏi con gái muốn đi đâu chơi, chị sẽ đưa cả nhà du lịch một chuyến. Như thường lệ, cô bé ngập ngừng trả lời: ‘Đi đâu cũng được! Ba mẹ đưa đi đâu thì con đi đó!’.

 

Gia đình dấu yêu: Có bao giờ mẹ hỏi ‘Con thích gì’ không ?

Chị họ tôi hỏi con gái muốn đi đâu chơi, chị sẽ đưa cả nhà du lịch một chuyến. Như thường lệ, cô bé ngập ngừng trả lời: ‘Đi đâu cũng được! Ba mẹ đưa đi đâu thì con đi đó!’.


 
 
 

Gia đình dấu yêu: Có bao giờ mẹ hỏi 'Con thích gì' không ?

 
 
Bực mình, chị gắt: “Sao chẳng bao giờ con lên tiếng rằng con muốn gì hoặc không thích gì mà cứ trả lời nước đôi kiểu ấy?”. Không ngờ, cô bé đáp trả lại mẹ: “Thì mẹ có bao giờ làm theo ý con đâu, lúc nào mẹ cũng muốn con làm theo ý mẹ hết mà!”. Chị tôi sững sờ như bị dội gáo nước lạnh.
 
Quả thực, từ chuyện mỗi ngày ăn gì, mặc đồ thế nào khi ra đường, khi đi chơi, đi học đến việc nên chơi với bạn nào, học thêm ở đâu đều do anh chị chọn, nói cho ngay thì phần lớn là do chị quyết định bởi chị luôn cho là mình đúng, những gì mình muốn đều là tốt cho chồng con nên nhiều khi bàn trái ý vợ không được, chồng chị đành chiều theo cho yên nhà yên cửa.
 
Tôi quen cô bé nọ trong một nhóm du học sinh trên mạng. Những bình luận buồn bã, bi quan của cô bé khiến tôi quan tâm tìm hiểu bởi con tôi cũng đang du học xa như cô. Qua vài lần trao đổi, cô bé tâm sự rằng cô không thích đi học xa nhà vì tính cô vốn nhút nhát, kém tự tin và cũng chưa bao giờ xa gia đình lâu và xa đến vậy. Thế nhưng, chẳng cần biết tính cách, nguyện vọng của con mình là gì, ba mẹ muốn cô đi học ở nước ngoài với bao lợi ích, viễn cảnh tốt đẹp mà họ tin là cô sẽ đạt được sau khi được tôi luyện trong môi trường giáo dục tiên tiến bậc nhất thế giới. Kết quả là cô luôn sống trong sự sợ hãi khi xung quanh chẳng có người thân, chủ nhà trọ người nước ngoài chẳng mấy gần gũi, thân thiện, bạn bè bản xứ thì luôn giữ khoảng cách với cô trong khi tính nhút nhát, rụt rè của cô chẳng mấy cải thiện sau ba năm du học. Cô bé biết mình vẫn phải cố gắng nhiều để không phụ lòng bố mẹ nhưng nếu có một điều ước, cô vẫn ước được học nơi quê nhà, trong ngôi trường mình thích, được gần gũi cha mẹ và nhất là đứa em.
 
Tôi nhiều lúc vẫn tự hỏi những gì mình đang làm với mục đích “vì con, thương con” liệu có đúng hay sai nên tôi thường hỏi con thích gì, con cảm thấy thế nào, có thấy ổn không khi những việc con đang làm từ học hành, ăn mặc đến giao tiếp, bạn bè… cho đến giờ hầu hết đều do tôi hoạch định sẵn. Tôi sợ mình đang ép uổng con, sợ mình bỏ lỡ những khoảnh khắc quan trọng khi mọi thứ còn có thể thay đổi, điều chỉnh được, sợ con mình sẽ trở thành những đứa trẻ to xác trong tương lai, thụ động, rụt rè, ỷ lại, chỉ biết sống theo lộ trình được vạch sẵn, không chính kiến.
 
Mỗi người chỉ có một cuộc đời để sống, hãy sống trọn vẹn cuộc đời của mình và nếu có thể, hãy đồng hành cùng con và cố gắng tôn trọng quyền được tự do sống theo cách riêng của con thay vì sống giùm và thay chúng định đoạt mọi sự!
 
 
 
DUY BÁCH