25/11/2024

Con chậm nói: Trước mắt là điều trị bố mẹ

Người ta bảo, chưa thời nào những người làm cha làm mẹ có con nhỏ vừa thiếu thời gian lại vừa sung sướng như thời nay.

 

Con chậm nói: Trước mắt là điều trị bố mẹ

Người ta bảo, chưa thời nào những người làm cha làm mẹ có con nhỏ vừa thiếu thời gian lại vừa sung sướng như thời nay.



Con chậm nói: Trước mắt là điều trị bố mẹ - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

 

Sung sướng do trong nhà lúc nào cũng có sẵn một, hai, thậm chí ba “bảo mẫu”, có khả năng giữ cho trẻ ăn ngoan, ngồi im trong mọi hoàn cảnh và bao lâu cũng được.

Thiếu thời gian lại do lúc nào cũng phải dán mắt vào một, hai, hay thậm chí ba “bảo mẫu” ấy. Họ thú vị quá, sinh động quá, muốn bình dân là bình dân, muốn thông thái là thông thái, dứt ra không nổi. Đó là những chiếc smartphone.

Theo một điều tra vào năm 2017 ở Mỹ, 77% người đứng tuổi có một chiếc smartphone. 92% người trẻ (từ 18-29 tuổi) có riêng smartphone. 88% thanh thiếu niên (từ 12-17 tuổi) có điện thoại riêng, trong đó 84% là smartphone, 4% là điện thoại “cùi bắp”.

Với trẻ con dưới 8 tuổi, một khảo sát cũng ở Mỹ vào năm 2013 thấy 75% đã sờ tới smartphone hay iPad của bố mẹ, và dùng khoảng 1 tiếng mỗi ngày chủ yếu là để xem phim, “xem” nhạc, chơi game.

Với trẻ con dưới 2 tuổi, 38% đã được dùng máy, chủ yếu cho việc nghe nhạc, xem phim. Mới những năm 1990 thôi, nào có ai đoán được sang thế kỷ 21 lại có một thứ thiết bị mà cả trẻ con chập chững lẫn các cụ mắt mờ cùng mê mệt và dùng chung nhau được.

Rõ ràng thiết bị ấy có những điều tiện lợi không thể phủ nhận, nhưng đồng thời có những tác hại cũng không thể làm ngơ.

Háy nói nhiều, con nói ít

Khi thế giới, nhờ công nghệ, như đã ùa vào mọi ngóc ngách trong nhà, ngày càng nhiều bố mẹ trẻ thắc mắc sao con mình chậm nói, sao con mình ít giao tiếp, sao con mình như những robot nhỏ.

Các chuyên gia kết luận: quá nhiều công nghệ và nói quá ít với nhau sẽ làm trẻ chậm phát triển giao tiếp. Theo họ, bố mẹ thời nay quan tâm tới con theo một kiểu cách máy móc và bề ngoài: dành quá nhiều thời gian lên mạng đọc xem con mình ăn thế có đúng không, có bổ không, tiêm chủng thế liệu có an toàn không, mặc quần áo nào cho hợp vệ sinh…

Trong khi đó lại bỏ rơi việc phát triển kỹ năng về giao tiếp và quan hệ xã hội của trẻ, mặc dù cái gọi là “xã hội” của trẻ quanh quẩn cũng chỉ có vài người đã nhẵn mặt để trẻ luyện.

Kỹ năng giao tiếp và ngôn ngữ có được là thông qua lắng nghe, trò chuyện, đọc và chơi cùng bố mẹ, là những người kiên nhẫn và có thể “phiên dịch” những tiếng ngọng nghịu đầu đời của con mình. Nhưng các giao tiếp ấy mất hết một khi bố mẹ mải mê trên smartphone.

Để đỡ cảm thấy tội lỗi vì ít trò chuyện và mua vui cho con, thường bố mẹ sẽ giao cho con… một cái máy, với lý luận: máy có nhiều trò vui hơn, nhiều kiến thức hơn.

Vì sao smartphone không thể làm bảo mẫu?

Ba năm đầu đời là thời gian để phát triển đến 88% não một em bé. Sự phát triển này, theo các chuyên gia, có tốt hay không tùy thuộc việc giao tiếp bằng lời và không bằng lời với bố mẹ, với người nuôi.

Chất lượng của những giao tiếp này không nằm ở việc bạn nói năng với con có thông minh hay không, mà ở chỗ bạn nói với con bao lâu và có tập trung không.

Tập trung là: đã nói chuyện, nựng nịu con thì chỉ làm mỗi việc ấy. Nhìn vào mắt trẻ con và đón ý để qua lại kiểu “bóng bàn”, thế mới gọi là giao tiếp. Việc ấy, không máy móc, công nghệ nào có thể thay được con người.

Trước tình trạng “tâm trí bố mẹ một nơi, tâm trí con một nẻo” này, trang Healthy Children đề xuất 3 việc mà bố mẹ phải tập trung làm để giúp con phát triển các kỹ năng truyền đạt. Đó là:

1. Chơi những trò không-điện-tử: Những trò lặp đi lặp lại, bố mẹ có thể rất chán, như ú òa, trốn tìm… nhưng tác dụng của chúng lại rất quan trọng. Chúng khiến người chơi phải nhìn tận mặt nhau, phải đổi vai, phải hồi hộp, rồi kêu lên phấn khích.

Với trẻ bé tí teo, những thứ như “hôn gió đi/bái bai đi” rồi sau đó mọi người vỗ tay hoan hô… cũng là một trò chơi, một tương tác, một kỹ năng giao tiếp. Đặc biệt, những trò ấy đòi hỏi cả đôi bên đều phải rảnh tay. Nếu cầm điện thoại, làm sao bạn có thể vỗ tay bôm bốp để khuyến khích trẻ làm nữa?

2. Cùng tập trung: Tập trung là cái khó nhất ở thời này. Quá nhiều lựa chọn, quá nhiều thông tin và gián đoạn. Bố mẹ ngồi cạnh con đó nhưng như người vô hình vì thiếu tập trung. Giờ là lúc tịch thu máy của cả bố mẹ lẫn con, để cùng nhau hướng về một việc, thí dụ cùng đọc sách, cùng chơi một món đồ chơi, cùng đi sở thú và bình luận về các con vật.

Khi hai người cùng tập trung vào một việc tại cùng một thời điểm, người ta bước vào trong một tình trạng được gọi là “phối hợp tập trung”, là một phần thiết yếu của việc truyền đạt, cũng là một kỹ năng xã hội rất thiếu ở… người lớn (đặc biệt là nhiều người được coi là giỏi giang!).

“Phối hợp tập trung” giúp một đứa bé tập lắng nghe và chia sẻ trải nghiệm của người khác, tập đặt mình vào vị trí người khác để nhìn sự vật. Có người cùng “phối hợp tập trung”, đứa trẻ mới biết lời mình nói ra có người nghe.

Có người nghe và hỏi qua hỏi lại, câu chuyện được khai triển, ngôn ngữ của trẻ sẽ nở ra theo nội dung. Nếu bố mẹ vẫn lăm lăm cái máy, trẻ con sẽ phải vừa nói vừa ngấm ngầm đấu với kẻ cạnh tranh đáng ghét trên tay bố mẹ, câu chuyện thành rời rạc, kỹ năng giao tiếp của trẻ bị phá đám.

3. Gửi và nhận những thông điệp không lời: Nói và hiểu mới chỉ là một phần của mê cung giao tiếp. Xã hội là nơi ta “đọc giữa hai hàng chữ”, hiểu “ý tại ngôn ngoại”, nhận ra những thứ “bằng mặt mà không bằng lòng”.

 

Những ký hiệu không lời của người khác, như ánh mắt, vẻ mặt, cử chỉ, ngôn ngữ cơ thể… là hoa tiêu dẫn lối ta trong những hoàn cảnh ấy. Trời cho trẻ con một khả năng nhạy bén, nhận ra ngay các cảm xúc của người lớn và từ đó hiểu được luôn thông điệp là gì.

Nhưng khi bố mẹ đang mải dồn cảm xúc vào màn hình smartphone, những ngôn ngữ không lời dành cho con biến mất, trẻ hoang mang không kết nối được giữa những lời của bố mẹ đang nói với biểu cảm không liên quan trên gương mặt họ.

Ở chiều ngược lại, bố mẹ bỏ lỡ các lối biểu đạt không lời của con, từ cái nhíu mày, cái lắc đầu, cách nhún nhảy… nhất là khi trẻ ở độ tuổi chưa nói được nhiều, toàn lấy cử chỉ để thể hiện thái độ.

Con chậm nói: Trước mắt là điều trị bố mẹ - Ảnh 2.

“Con chúng ta đã nhắn tin được từ đầu tiên của nó rồi mình ạ”.

Kỷ luật dùng máy với bố mẹ

Thế nào là một người bình thường? Có lẽ đó là một người biết mình đang sống ở thời nào và sống với ai. Chúng ta đang sống ở thế kỷ 21, vào giai đoạn các mạng xã hội và màn hình cảm ứng thống trị. Smartphone là một phương tiện tích hợp ưu tú, vừa giúp người ta liên lạc, vừa đọc được thông tin, vừa chơi game, đặt xe, giải trí, và giết thời gian những khi đi chăm bệnh…

Người bình thường đang tuổi đi làm gần như ai cũng có một smartphone, còn dùng đến đâu lại là chuyện khác. Tuy nhiên, một khi đã dùng tới smartphone thì hầu như không thể bỏ nó hoàn toàn, quay lại thời kỳ “đồ đá” để dành trọn vẹn thời gian cho con. Cách duy nhất là vạch ra những giới hạn và kỷ luật để công nghệ dừng ở mức có ích.

Các chuyên gia về gia đình có một số gợi ý sau:

– Đều đặn có khoảng thời gian phi-công-nghệ: Trong ngày sẽ có những lúc hoàn toàn không có máy móc (tivi, điện thoại, máy tính, máy nghe nhạc…), đặc biệt là giờ ăn và trước giờ đi ngủ.

Với trẻ rất bé thì cần có thêm vài khoảng nữa trong ngày, đủ dài để trẻ con thấy đủ với bố mẹ, nhưng đừng dài đến mức bố mẹ sốt ruột vì nhớ máy, đâm cáu với con.

Với những nhà có các phòng riêng, có thể định ra các không gian không-điện-thoại, thí dụ phòng ăn, tuyệt đối không có việc trẻ vừa ăn vừa dán mắt vào màn hình. Bố mẹ không cần cho con mình ăn được bằng mọi giá.

– Đi chơi không mang theo máy: Hầu hết bố mẹ đều thích chụp ảnh con mình khi nó đi sở thú, đến trang trại, hồ bơi. Sau đó post lên mạng xã hội… Nhưng thỉnh thoảng cũng nên có một lần đi chơi mà chỉ mang theo người với tiền, còn tuyệt nhiên không có máy. Sẽ không ai có thể làm gián đoạn cuộc vui của bố mẹ với con. Bố mẹ cũng không còn việc gì làm ngoài chơi với con. Sau một buổi đi chơi như thế, bạn sẽ thấy con mình tự tin lên rất nhiều, vì trong suốt thời gian ấy, bé là “sếp” truyền thông, không phải cạnh tranh với máy.

– Cùng dùng công nghệ: Nếu cho con đụng tới máy thì nên cùng dùng với con, cùng bàn tán về những gì diễn ra trên màn hình, hỏi con về thứ đang xem.

Kỷ luật dùng máy với con

Như đã nói, điện thoại, iPad, máy tính là thứ không thể cấm tiệt trẻ con. Lớn lên một chút, chúng sẽ thấy bất công khi người lớn nhìn vào màn hình cười ha hả trong khi chúng lại không được động tới. Rồi sẽ có lúc trẻ con trong nhà cũng phải được dùng.

Nhưng người ta thấy, ở trẻ con lứa tuổi chập chững, thời gian ôm máy càng nhiều thì càng chậm kỹ năng giao tiếp, nói năng. Chưa kể việc cúi đầu liên tục và mắt phải theo dõi hoạt động từ màn hình bé tí là điều có hại cho cơ thể non nớt. Viện Nhi khoa Hoa Kỳ năm 2016 có đưa ra một hướng dẫn về thời gian cho phép trẻ xem màn hình. Theo đó:

– Trẻ dưới 18 tháng: Tránh màn hình, trừ những khi bố mẹ điện thoại video về và muốn nựng con vài câu.

– Từ 18 tới 24 tháng: Chỉ xem các chương trình ngắn có chất lượng. Bố mẹ phải cùng xem để giải thích nội dung cho con. Coi như một kiểu giờ học.

– Từ 2 tới 5 tuổi: Mỗi ngày tối đa 1 tiếng nhưng cũng chỉ xem các chương trình có chất lượng. Cùng xem và nói chuyện với con.

– Từ 6 tuổi trở lên: Có định ra lượng thời gian nhất định và loại thiết bị trẻ dùng. Đảm bảo vẫn học đủ, ngủ đủ, ăn đủ và thực hiện đủ các hoạt động lành mạnh khác.

Tất cả những điều này chỉ có tác dụng khi bố mẹ không dùng máy trước mặt con.

Tóm lại, chuyện này có mới không? Không. Nghe đã nhiều rồi. Nghe nhiều nhưng có sửa được chưa? Chưa. Và có vẻ ngày càng nặng, khi việc dùng smartphone giờ lan tới mọi thành phần, cả thế hệ ông bà vốn bài xích công nghệ, nay không muốn lạc hậu và cuối cùng cũng bị cuốn vào một thế giới ngập ngụa cảm xúc.

Và sau cùng, áp lực trẻ phải mập mạp vẫn là một thứ cảm xúc thống trị, nên muốn trẻ ăn chỉ còn cách mở cho chúng xem cái gì đó rồi lừa lừa tống một thìa vào…

Khi người ta cái gì cũng muốn có đủ và không muốn hi sinh thú vui nào cả, những thành phần non nớt nhất trong cái tháp làm người chính là kẻ phải gánh chịu nặng nề.

 

 

 

T.L.