27/12/2024

Vì đâu, tội phạm trẻ con?

Ham mê và tụ tập chơi game, bỏ học giữa chừng, gia đình không có nhiều thời gian quan tâm… Các yếu tố này cộng hưởng đã đẩy những đứa trẻ trở thành tội phạm khi đang vị thành niên.

 

Vì đâu, tội phạm trẻ con?

Ham mê và tụ tập chơi game, bỏ học giữa chừng, gia đình không có nhiều thời gian quan tâm… Các yếu tố này cộng hưởng đã đẩy những đứa trẻ trở thành tội phạm khi đang vị thành niên.
 
 
 
 

Nhóm bị cáo bị tạm giam nghe tuyên án tại phiên tòa  /// Ảnh: Song Mai

Nhóm bị cáo bị tạm giam nghe tuyên án tại phiên toà    Ảnh: Song Mai

 

 
Trong hai ngày 28 – 29.8, Tòa Gia đình và Người chưa thành niên (TAND TP.HCM) đưa ra xét xử 8 bị cáo thực hiện hàng loạt vụ cướp siêu thị, cửa hàng tiện lợi trong thời gian ngắn. Trùng hợp, 8 tội phạm cùng lứa tuổi gần 17 và cùng mê chơi game. Đứa này bạn đứa kia, rủ rê tụ tập chơi game đến khuya. Hết tiền, đói bụng, chúng hùa nhau đi lấy bánh, nước ngọt… tại cửa hàng tiện lợi. Ý thức rất đơn giản chỉ là lấy trộm, nhưng khi bị phát hiện thì đứa cầm cây tuốc nơ vít, đứa sẵn chai nước trong tay đe dọa nhân viên cửa hàng để thoát thân.
 
Lần đầu là bộc phát, nhưng các lần tiếp theo thì khác hẳn, bắt đầu có sự bàn bạc, đứa canh ngoài, đứa vào trong ngang nhiên lấy tài sản. Khi nhân viên cửa hàng tiện lợi ngăn cản thì chúng dùng dao, chai bia đe dọa, chống trả, đạp vỡ kính cửa hàng để bỏ chạy.
 
Cướp táo tợn là vậy, nhưng ra tòa, đứa nào cũng co rúm người lại. 5 đứa bị tạm giam nước mắt ngắn dài khi được nhìn thấy cha mẹ, ông bà, người thân. 8 đứa trẻ, 8 phận đời. Đứa mất cha, đứa chỉ biết mặt mẹ, đứa ở với ông bà, đứa được cưu mang, đứa không biết con chữ là gì nhưng cũng có đứa sinh ra trong gia đình ấm êm, cha mẹ bảo bọc. Chỉ vì mê game, tụ tập, vì bố mẹ quần quật ngày đêm kiếm kế sinh nhai nên đến ngày công an xuống báo hãy động viên con trai ra trình diện thì mới vỡ lẽ…

Nước mắt của mẹ, của bà

N.H.P.T được xem là đứa trẻ cầm đầu vì khởi xướng và tham gia đủ 11 vụ cướp. T. nghỉ học từ sớm, đi phụ giữ xe để kiếm tiền tiêu xài và phần nào giúp mẹ.
 
Bà L., mẹ của T., khóc suốt từ khi nhìn thấy con bị dẫn giải vào toà. Bà tâm sự nhà có đứa con gái lớn và thằng T. “Nghèo khổ đã đành, đằng này, cha tụi nó còn say xỉn triền miên, chẳng phụ tôi nuôi dạy. Rồi con gái lấy chồng, tôi có thêm 2 đứa cháu ngoại. Có cháu ẵm bồng đáng ra là chuyện vui, nhưng vui chẳng thấy đâu… Chỉ thấy thêm miệng ăn vì ba mẹ chúng ly hôn, chẳng lo làm lụng, đoái hoài gì con. Mẹ chúng theo chồng khác, bỏ lại 2 đứa. Còn tôi làm sao đành lòng bỏ, nên nuôi từ lúc còn đỏ hỏn tới giờ”, bà L. kể trong tiếng sụt sịt: “Thằng T. hay bị cha đánh mỗi khi ổng xỉn nên nó hay bỏ nhà đi rồi tụ tập. Tôi ly dị, thiếu tiền trang trải, đi mượn nợ gần 20 triệu đồng. Trốn nợ, tôi bỏ nhà đi, bỏ thằng T. và 2 cháu nhỏ cho bà ngoại chúng (mẹ bà L. - PV)”.
 
Khi HĐXX hỏi: “Bị cáo đi chơi khuya như vậy mẹ bị cáo có la rầy không?”, T. cúi mặt trả lời: “Có, nhưng bị cáo cố chấp, không nghe lời mẹ…”. Còn với bà L., ngày T. nói: “Mẹ ơi, con sai rồi, mẹ dắt con ra công an đi”, trở thành ngày đen tối nhất.
 
Lần lượt, 8 đứa trẻ và gia đình của chúng được HĐXX thẩm vấn. K. là đứa được bà M. cưu mang khi lúc mới 12 tuần tuổi. Bà M. kể giữa K. và gia đình bà không có mối quan hệ ruột thịt. “Ngày trước nhà tôi buôn bán quán ăn, cha nó là mối quen ở quán. Lúc nó được 12 tuần tuổi thì mẹ nó bỏ đi, cha nó không chăm được nên mướn tôi chăm giúp. 3 tháng sau, cha nó mất nên tôi thương tình cưu mang, coi như người trong nhà”, bà M. nói. Theo K. trình bày tại tòa, chi phí sinh hoạt đều được bà nội (tức bà M.) chu cấp. “Bị cáo đi cướp không phải vì thiếu tiền, mà vì thằng L. nó rủ đi”, K. khai.
 
H. lại là đứa trẻ sinh ra trong gia đình có 3 anh chị đều vào đại học. Bà N., mẹ H., trình bày H. phải bỏ dở việc học lớp 10 vì phạm tội. H. chơi thân với T. từ khi học lớp 5, cho đến khi nghỉ học vẫn thế. Những hôm 9 – 10 giờ đêm khi chưa thấy H. về, bà và cả gia đình phải đi đến từng tiệm game mà mọi người biết để tìm nhưng vẫn không quản được. Vụ cướp tài sản xảy ra, công an trích xuất camera truy tìm 8 đứa trẻ, thông báo cho gia đình động viên chúng ra đầu thú. Bà N. hiểu chuyện gì đã xảy ra, lặng lẽ đi tìm T. đầu tiên rồi lần lượt tìm từng đứa về dắt ra trình diện, đầu thú. Tiếp xúc với lũ trẻ, bọn chúng đều hoảng sợ, đòi bỏ trốn sang Campuchia vì không dám trở về, nhưng bà đã khuyên: “Các con sai ở đâu, đứng lên ở đó. Về nhà, các con còn gia đình”. Và chúng về nhà thật…

Tương lai như ngày mưa bão

Được nói lời sau cùng, cả 8 đứa trẻ lí nhí xin được về nhà. Luật sư bào chữa cũng khẩn khoản xin HĐXX cho bọn trẻ được hưởng mức án dưới khung hình phạt, án treo vì tuổi trẻ non dại, chưa đủ nhận thức về mức nguy hiểm khi phạm tội. Đại diện hợp pháp cho 8 đứa trẻ thảng thốt, cam kết dạy dỗ, quan tâm hơn và bảo ban chúng nhiều hơn nếu được khoan hồng về nhà sớm, sau khi nghe Viện Kiểm sát đề nghị mức án từ 2 – 8 năm tù.
 
Mẹ H. không kìm được lòng, đứng hẳn dậy sau khi Viện Kiểm sát tranh luận: “Chúng nó biết chúng nó sai rồi. Nếu tòa tuyên mức án cao, chúng nó sẽ buông xuôi, không còn tương lai”. Rồi bà bật khóc.
 
Nhưng Viện Kiểm sát lập luận: Tài sản các bị cáo cướp chỉ vài chai nước ngọt, lon bia, bịch bánh, gói mì tôm… nhưng hành vi phạm tội manh động và táo tợn. Các bị cáo đang ở tuổi vị thành niên không có nghĩa là có thể hành động trái pháp luật rồi nói rằng tuổi trẻ non dại. Đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, pháp luật có những nguyên tắc xử lý và khoan hồng từng hành vi phạm tội. Trong vụ án này, không phải không cho các bị cáo “quay đầu là bờ”, nhưng vì hành vi manh động, táo tợn của các bị cáo không những ảnh hưởng đến người bị hại mà còn làm bất ổn trị an, gây hoang mang trong xã hội.
 
Và rồi, dù được chuẩn bị tinh thần, nhưng 8 đứa trẻ cúi đầu vẻ hoảng loạn khi nghe HĐXX tuyên: T. và H. cùng 8 năm tù, 6 bị can còn lại từ 2 năm đến 7 năm 6 tháng tù.
 
Mẹ T. thét lên khi nghe mức án của con: “Trời ơi! Chết con tôi”. Mẹ H. thì quỵ xuống cạnh bàn. Những người thân còn lại của các bị cáo đều lặng người.
 
5 bị cáo bị tạm giam được dẫn giải ra xe về trại tạm giam. Bà L. khóc từ phòng xét xử chạy theo con ra sân tòa rồi ngã khuỵu xuống đất, ngất lịm đi giữa trời mưa bão chiều tối 29.8.
 
Xe chở các tội phạm trẻ con đi, 10 phút sau bà L. vẫn chưa thể ngồi dậy để lê bước chân về nhà. Những người thân khác của một số bị cáo cũng ngồi bệt giữa trời mưa trước sân tòa. Chỉ vì những nông nổi của bọn trẻ, chỉ vì nỗi lo mưu sinh của người lớn… mà giờ đây tương lai của 8 đứa trẻ đối diện quãng thời gian âm u như ngày mưa bão…
 
Theo cáo trạng, từ 11.5 – 25.6.2018, N.H.P.T cùng 7 đồng phạm đã sử dụng vũ lực và đe dọa dùng vũ lực để thực hiện 11 vụ cướp tài sản là hàng hoá (mì tôm, bánh, nước ngọt, bia…) tại 11 cửa hàng tiện lợi trên địa bàn các quận 3, 5, 6, 11 và Tân Bình. Các vụ cướp đều xảy ra trong khoảng thời gian từ 23 giờ đến rạng sáng. Tổng giá trị tài sản bị chiếm đoạt hơn 8 triệu đồng, các tội phạm trẻ con trên đem bán một phần thu lợi bất chính gần 3 triệu đồng, số còn lại chia nhau sử dụng.
 
 
 
PHAN THƯƠNG – SONG MAI