Đưa con ra khỏi nhà, rời điện thoại ngày hè
Mùa hè với không ít các ông bố, bà mẹ ở thành thị không chỉ có nỗi lo tìm người giữ trẻ, gửi con ở đâu để yên tâm đi làm, mà còn canh cánh sợ con vùi đầu vào tivi, điện thoại.
Đưa con ra khỏi nhà, rời điện thoại ngày hè
Mùa hè với không ít các ông bố, bà mẹ ở thành thị không chỉ có nỗi lo tìm người giữ trẻ, gửi con ở đâu để yên tâm đi làm, mà còn canh cánh sợ con vùi đầu vào tivi, điện thoại.
Mùa hè rất cần cho trẻ ra khỏi nhà, bởi đây là dịp để trẻ sử dụng các giác quan của mình một cách thuần thục và thường xuyên. Ngoài các hoạt động vui chơi, giáo dục, phụ huynh nên dẫn trẻ đi xem đa dạng các chương trình nghệ thuật. Việc thưởng thức các chương trình nghệ thuật có tác dụng phát triển bán cầu não phải, tiền đề của sự sáng tạo. Đồng thời, việc bồi dưỡng mỹ cảm cho trẻ rất cần thiết vì đây là nền tảng của một nhân cách đẹp. Bà Nguyễn Huỳnh Thu Cúc (giám đốc điều hành Trường Giáo dục tư duy sáng tạo Arkki Việt Nam)
LÊ VÂN ghi
Chị Trúc Thanh – nhà ở quận 5, TP.HCM – có một con gái 14 tuổi và một con trai 5 tuổi. Hè đến, chị may mắn có mẹ chồng giúp trông cháu. Thế nhưng bà nội chỉ giúp ngó cháu, chăm chút chuyện ăn ngủ chứ không thể chơi cùng cháu. Vậy là thời gian rảnh bọn trẻ lại với tay bấm chiếc tivi hay tìm đến điện thoại chơi game.
Một mùa hè… sợ tivi, iPad, điện thoại
Không riêng chị Thanh, nhiều phụ huynh cũng canh cánh nỗi lo con “nghiện” smartphone. Ở các đô thị, nhiều cha mẹ bận việc, con cái ở nhà chỉ loanh quanh trong bốn bức tường. Thả con ra ngoài đường thì sợ đủ thứ bất trắc… Rốt cuộc, cái nhanh và hấp dẫn nhất với trẻ vẫn là tivi, smartphone.
Trong khi đó, mùa hè lại là “thời cơ vàng” bù đắp cho trẻ khoảng thời gian để vận động thể chất và vun bồi các hoạt động phát triển mỹ cảm, làm giàu thêm “vốn” tâm hồn.
Anh Nguyễn Anh Duy – nhà ở quận Bình Tân – có hai cậu con trai, 1 bé 14 tuổi, 1 bé 4 tuổi. Mùa hè nào anh cũng lên kế hoạch sinh hoạt cho con. Anh ưu tiên đăng ký cho các bé tham gia các trại hè kỹ năng phù hợp theo từng lứa tuổi. Mỗi trại hè kéo dài từ 5 – 7 ngày.
Để con phát triển tốt, theo anh Duy, cha mẹ phải dành thời gian cho con. Anh chia sẻ nếu cứ lao vào kiếm tiền đến lúc nhìn lại con hư, phát triển lệch lạc thì bao nhiêu tiền cũng thành vô nghĩa. Nghĩ thế, nên sau khi rời công ty nhà nước mở công ty riêng, anh chọn đặt trụ sở ngay gần nhà để tiện chăm sóc và để ý mọi sinh hoạt của con.
Mở cửa thế giới ngoài kia!
Chia sẻ về điều này, ông Huỳnh Anh Tuấn – giám đốc sân khấu Idecaf, đơn vị bền bỉ 20 năm nay với hơn 30 vở kịch thiếu nhi (chương trình Ngày xửa ngày xưa) mỗi mùa hè về – trầm ngâm: “Ngày trước khi cuộc sống chưa phát triển như bây giờ, gia đình có nhiều thời gian quây quần bên nhau. Đó là thời gian để cha mẹ con cái gắn bó, lan tỏa yêu thương.
Còn bây giờ, nhiều vị cha mẹ quá bận rộn, không rời khỏi điện thoại. Trong một nhà, nếu khư khư ôm điện thoại thì chẳng ai có nhu cầu giao tiếp với nhau, thế giới cứ thế thu hẹp và người ta càng cảm thấy cô đơn”.
Làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật nên hoạt động hè nuôi dưỡng tâm hồn trẻ được ông Tuấn chú trọng chính là qua chìa khóa nghệ thuật.
“Nghệ thuật giáo dục trực quan mạnh, đi vào trái tim của trẻ nhanh. Khi đến nhà hát xem kịch hay chương trình ca múa nhạc thiếu nhi, trẻ được tiếp xúc với rất đông bạn bè khác, được tương tác với âm thanh, ánh sáng, diễn xuất của diễn viên.
Khi thích thú điều gì, các bạn có thể đồng loạt vỗ tay hoặc cùng nhau ồ à phấn khích. Những thông điệp của vở diễn vì thế có thể được gửi đến trẻ hiệu quả hơn, trẻ còn có cơ hội phát triển thẩm mỹ” – ông Tuấn bày tỏ.
Chị Tú Anh – nhà ở quận 3 – lại ưu tiên gieo niềm đam mê sách cho cô con gái đang bước vào tuổi teen. Hè lại càng là thời điểm rảnh rỗi cho con trẻ đọc sách.
Chị tâm sự: “Đọc sách không chỉ giúp bé hành văn tốt mà còn được tiếp cận với những câu chuyện nhân văn tốt hơn, phát triển tâm hồn. Trong lớp học, bạn bè con chuyền nhau những quyển sách thịnh hành mà tôi đọc cảm thấy rất nhạt nhẽo nhưng cũng không thể cấm con hoàn toàn.
Đôi lúc đi lựa sách, mình cũng phải “thỏa hiệp” cho con chọn 1, 2 cuốn con thích (miễn không độc hại) và kèm theo những quyển sách hay mình muốn con đọc”.
Làm sao để mỗi mùa hè là kỳ nghỉ tuyệt vời, bổ ích đối với trẻ và không phải “ám ảnh” đối với cha mẹ – hẳn là điều phụ huynh nào cũng mong mỏi. Vậy thì việc lên lịch nghỉ hè cho con đòi hỏi cha mẹ thật sự dụng công!
Làm chương trình cho thiếu nhi phải “dụ” cha mẹ
Ông Huỳnh Anh Tuấn – giám đốc sân khấu Idecaf – cho hay làm kịch thiếu nhi bây giờ khó khăn hơn vì các bé đã coi quá nhiều những clip giải trí thế giới trên YouTube. Làm kịch không chỉ phục vụ khán giả nhí mà còn phải đáp ứng được nhu cầu của phụ huynh, có thể níu chân phụ huynh để họ thích mới chịu dẫn con đi coi.
Mấy năm trở lại đây, các chương trình xiếc thiếu nhi của Nhà hát nghệ thuật Phương Nam tại rạp Gia Định (TP.HCM) cũng bắt đầu thu hút khán giả. Đạo diễn Phi Sơn cho biết khi tập chương trình, đạo diễn luôn mời một số bé nhỏ đến ngồi xem và quan sát phản ứng coi các bé có thích không.
Xiếc không chỉ là các trò lặp đi lặp lại mà phải kết hợp các loại hình khác như rối, ca múa, hiệu ứng đèn LED để các tiết mục không nhàm chán. Rồi xây dựng kịch xiếc cần lồng ghép những bài học đạo đức nhẹ nhàng, thông điệp bảo vệ môi trường, cuộc sống.
“Phụ huynh nhiều người xem thấy hay, có ý nghĩa họ mới dẫn con đến xem, nên khi chúng tôi làm chương trình trước tiên để các bậc cha mẹ “duyệt”, họ đã duyệt thì sẽ thoải mái đến và xem cùng con!” – ông Sơn nói.
NSƯT Tuyết Thu: Làm bạn cùng con
Nhiều khán giả thường bắt gặp nghệ sĩ Tuyết Thu có mặt bên cạnh con trong các hoạt động dành cho tuổi thiếu niên. Chia sẻ về điều này, chị nói:
– Tôi có con trai 15 tuổi và cô con gái 14 tuổi. Mẹ con tôi rảnh là đi chơi cùng nhau. Không chỉ đi chơi, ăn uống với con, tôi còn đi với bạn bè của các con. Tôi đi theo con không phải canh con mà do tôi thích đi chơi với tụi nhỏ, đi như thế tôi thấy mình… trẻ ra (cười).
Dù đi chung, tôi để cho tụi nhỏ thoải mái, tự nhiên. Đi riết mà bạn của con tôi thân thuộc và rất mến tôi. Những lần đi cùng các con tôi biết con mình chơi với bạn như thế nào, học hành ra sao. Có nhiều chuyện người lớn tưởng biết hết nhưng đi với tụi nhỏ mới thấy mình… lạc hậu.
* Khi con… đi riêng, có điều gì làm chị lo lắng?
– Lâu lâu con tôi cũng xin đi chơi riêng với bạn, chơi bóng rổ, xem phim. Nhiều bậc phụ huynh cho con ra ngoài sợ nhiều bất trắc, tệ nạn…, nhưng tôi khá yên tâm vì khi con đi xem phim tôi đặt vé nên biết con xem ở đâu, tôi biết khá rõ bạn của con mình nên biết con đi với ai.
Ngay cả chuyện quản lý máy tính, điện thoại, khi con còn nhỏ, từ thứ hai đến thứ sáu hằng tuần tôi không cho con dùng điện thoại, ngày cuối tuần mới cho sử dụng một cách hạn chế. Nhưng khi vào lớp 8, 9, con cần các thiết bị để học nhóm, làm bài tập, chẳng lẽ mình không cho. Tuy nhiên cũng để ý con xem, chơi gì trên đó, không thể phó mặc.
* Những ngày hè chị ưu tiên hoạt động gì cho các con?
– Ngày hè gia đình chúng tôi đi du lịch với nhau. Thỉnh thoảng các con có thể hẹn hò đi chơi riêng với bạn bè. Đặc biệt trong ngày hè, chúng tôi tranh thủ cho con đi thưởng thức nghệ thuật. Thường cả nhà đi xem phim cùng nhau, khi về sẽ trò chuyện, các con chia sẻ suy nghĩ về bộ phim, chồng tôi sẽ giải thích cho con rõ hơn những ý nghĩa sâu xa mà bộ phim muốn gửi gắm.
Tôi đánh giá cao việc phát triển tâm hồn cho trẻ bằng giáo dục nghệ thuật. Những bài học sách vở, lý thuyết đôi khi các con không nhớ nhiều, nhưng khi đi xem kịch hay phim, những hình ảnh, cảm xúc của nhân vật được người nghệ sĩ lột tả sẽ tác động trực tiếp đến các con, tạo cảm xúc khiến các con có thể xúc động đến rơi nước mắt, hoặc thích thú cười ha hả. Đó là những cảm xúc chân thật khiến các con nhớ lâu hơn, thấm thía hơn.
LINH ĐOAN thực hiện