Hẻm 297 (Tân Hoà Đông, Q.Bình Tân, TP.HCM) còn có tên khác là “khu Nhà Mồ”. Từ mấy năm nay hẻm này gần giống như cái “chợ đẻ mướn”.
“Vào nghề” từ… 18 tuổi
Sáng sớm ở đây đục ngầu bởi tiếng chửi thề của hàng chục phụ nữ. Bà Thịnh (50 tuổi), bán nước giải khát, cho biết hầu hết những cô gái ở khu Nhà Mồ đều không có việc làm ổn định. Một số người làm gái, có bầu không phá thai mà để đẻ rồi bán. Số khác chán làm gái chuyển sang đẻ mướn. Việc đẻ mướn tuy có rủi ro nhưng thu tiền một lần. Bởi vậy, nhiều phụ nữ trong khu Nhà Mồ chuyển sang đẻ mướn chuyên nghiệp.
Không chỉ những người từng trải mới nhận lời đẻ mướn mà cả những cô gái mới mười tám, đôi mươi. Được chính mẹ đẻ của mình dẫn mối nên giá đẻ mướn lần đầu tiên của cô gái 18 tuổi Nguyễn Thuỳ Trinh lên đến 300 triệu đồng. Đây là cái giá cao nhất từ trước đến giờ ở khu Nhà Mồ.
Giá thuê cao như vậy vì Trinh là “gái tơ”, vừa qua tuổi 17 được 2 tháng, lại chưa có bầu lần nào. Cầm chứng minh nhân dân của Trinh, bà Dung (46 tuổi, mẹ Trinh) cam đoan: “Con bé đủ 18 tuổi rồi, không tin tôi cho xem giấy. Tôi bảo nó theo nghề tôi (mại dâm – PV) nhưng nó không chịu. Nó bảo làm cái nghề ấy nhục lắm nên nhờ mấy người trong xóm dắt mối đẻ mướn. Nó bảo để làm hai, ba cái lấy vốn mở quán cơm”. Bà Dung cũng cho hay, hai tháng nay có người tới gặp rồi nhưng vì chưa chịu giá nên bà chưa cho làm.
Tôi hỏi làm việc này em có sợ không, Trinh nói: “Mọi người ở xóm cũng từng làm nên có kinh nghiệm. Lúc có bầu nếu khó khăn gì sẽ có chị em trợ giúp”. Mẹ Trinh cũng đế thêm vào: “Nếu còn trẻ, còn có người thuê thì tôi cũng làm. Nhưng già rồi. Hết “xí quách” rồi không làm ăn gì được nữa nên mới phải cho con gái làm”.
“Xuất xưởng” hàng loạt
Phùng Thị Tiền, 29 tuổi, có thâm niên bốn lần đẻ mướn và theo lời tự quảng cáo, cả bốn đứa con do cô đẻ đều “đẹp thấy sợ”.
Hít sâu một hơi thuốc rồi phà khói mịt mù, Tiền hất hàm: “Chị trả nhiêu? Cần con gái hay con trai?”. Cô hỏi vậy vì trong bốn lần đẻ mướn trước đó có ba người yêu cầu con trai và một người yêu cầu con gái. Tôi hỏi lấy bao nhiêu. “100 triệu!”, Tiền đáp gọn và bồi thêm: “Đàn bà chửa cửa mả, không những hao tổn sức khoẻ mà còn có thể nguy hiểm tới tính mạng. Những người trước họ còn bồi dưỡng em thêm tiền uống sữa nữa đó”.
Theo một số người sống trong hẻm này, Tiền đến với “nghề” đẻ mướn năm 2011 khi một gia đình khá giả (ngụ tại H.Củ Chi, TP.HCM) tới xin con nuôi. Lúc ấy họ tìm một người khác để xin con nhưng đứa trẻ đó đã có người “xí” (xin trước). Thời điểm họ tới xin Tiền cũng có mặt và buông một câu: “Không xin được thì tự đẻ đi”. Cô vợ nghe thế, thật thà cho biết mình bị bệnh phải cắt buồng trứng không còn khả năng sinh con. Sẵn miệng, Tiền nói “không đẻ được đưa tôi đẻ giúp”. Nghĩ là nói chơi, ai dè vài ngày sau họ quay lại làm thật.
Những phụ nữ chọn “nghề” đẻ mướn thường không có việc làm ổn định
|
Bà Thịnh bán nước giải khát cho hay: “Con Tiền cam đoan với cô vợ rằng nó lấy tiền xong là giao con chứ không có tình cảm gì với đứa con nên sẽ không đi tìm. Sau khi thoả thuận xong, giá thuê ấn định là 60 triệu thì Tiền được họ đưa vào bệnh viện để thụ tinh trong ống nghiệm. Đứa bé sinh ra được 3 ngày, bên thuê đến bắt đi. Từ đó tới nay hai bên không có liên lạc gì”.
Lần đầu thuận lợi với thù lao 60 triệu đồng, chỉ hơn một năm sau Tiền lại tiếp tục đẻ mướn lần hai với giá thuê 100 triệu đồng. “Lần này em đòi họ mua đủ thứ. Họ mà tỏ ra khó chịu là em chỉnh liền. Em nói phải làm em vui thì con họ mới thông minh. Em mà bị trầm cảm là con họ hết lớn”. Đứa trẻ thứ 2 do Tiền sinh ra cũng khá nhẹ nhàng. “Đủ ngày, đủ tháng, sinh ra sạch sẽ không dị tật. Họ mừng lắm, còn cho em 5 triệu để bồi bổ”, Tiền kể lại.
|
|
|
Do đẻ non nên người ta nhờ em cho bú sữa mẹ một tháng và bồi dưỡng thêm 10 triệu. Một tháng bén hơi, lúc giao con thấy buồn thê thảm. Nghĩ đời mình thật tệ, người ta thuê mình đẻ nhưng vẫn là con mình. Vậy mà họ còn cho mình tiền để cho con mình bú. Thấy áy náy nên khi giao con em trả lại 10 triệu
|
|
|
Phùng Thị Tiền, 29 tuổi, bốn lần đẻ mướn
|
|
|
Từ năm 2011 đến nay, Tiền đã bốn lần đẻ mướn. May mắn là cả bốn lần cô đều vượt cạn nhẹ tênh. Chúng tôi hỏi khi giao con Tiền có buồn không, cô cúi mặt: “Nói không thì không đúng nhưng em nghĩ mình chỉ đẻ thôi chứ nuôi sao nổi. Lớn lên nó giống mình thì cũng chả sung sướng gì. Bởi vậy có người thuê thì em đẻ còn không thì thôi”. Một thoáng buồn, Tiền nhớ lại lần đẻ mướn gần nhất năm 2017, con bé sinh thiếu tháng, mới 8 tháng 20 ngày đã đòi ra. Cả tã được có 2,8 kg, đẹt nhất trong bốn đứa cô từng đẻ nhưng “nhìn cái mặt cưng thấy sợ”.
“Do đẻ non nên người ta nhờ em cho bú sữa mẹ một tháng và bồi dưỡng thêm 10 triệu. Một tháng bén hơi, lúc giao con thấy buồn thê thảm. Nghĩ đời mình thật tệ, người ta thuê mình đẻ nhưng vẫn là con mình. Vậy mà họ còn cho mình tiền để cho con mình bú. Thấy áy náy nên khi giao con em trả lại 10 triệu”, cô tâm sự.
Bể kèo
Khi Tiền đang nói chuyện với tôi thì một đứa bé ghé mắt qua mép cửa. Thằng bé tên “Bom”, vừa tròn 4 tuổi. Bom là kết quả của lần đẻ mướn thứ 3 của Tiền nhưng bất thành. “Đầu năm 2015, cặp vợ chồng trên Q.1 xuống tìm em nhờ đẻ giúp một đứa. Em có bầu đến tháng thứ 4 thì vợ chồng họ ly hôn. Nghe nói cô vợ ngoại tình, ông chồng chán ly hôn xong đi Mỹ ngay nên em mất liên lạc. Gọi điện thoại cho cô vợ thì không nghe máy. Dùng dằng cả tháng, tiền sữa, tiền ăn hằng tháng họ không gửi. Đói. Em phải quay lại nghề cũ nhưng có bầu nên khó làm”.
“Thù lao đẻ mướn trước đó người ta trả cho cô đâu?”, tôi thắc mắc. Tiền thật thà: “Trước em có quen một thằng. Nó bảo cho nó mượn làm ăn. Em tin, có nhiêu đưa nhiêu. Vậy mà nó cầm tiền xong trốn mất. Thời gian ấy ngày nào em cũng đi ăn thiếu. Rồi em quyết định đi phá thai nhưng bác sĩ bảo thai 5 tháng phá nguy hiểm. Nếu quyết phá thì sau này không đẻ được nữa. Em nghĩ nếu không đẻ được coi như mất công cụ kiếm tiền. Vậy là em đẻ liều”.
Hơn 4 tháng sau thằng Bom ra đời. Thời gian sau đó dù có lúc túng quá người ta bảo Tiền bán con nhưng cô không bán. Tiền bảo, bán thì bán từ trong bụng, từ lúc đẻ ra chứ nuôi lâu, có tình cảm bán không được. Từ ngày có con Tiền thay đổi nhiều.
“Trước nó sống buông thả nhưng từ khi có con sống tình cảm hơn, biết dành dụm. Tiền bán đứa cuối nó dành phân nửa trả nợ, phân nửa cho chị em trong khu mượn. Lời thì mẹ con nó ăn hằng ngày, gốc còn đó. Nó bảo, đẻ nốt con bé thứ năm rồi nó nghỉ. Khi nào thằng Bom tới tuổi đi học nó sẽ chuyển nhà trọ qua nơi khác”, bà Thịnh bán nước kể.
LAM NGỌC