Đòi xử lý người quay clip bạo hành trẻ có phạm pháp?
Liên quan tới vụ bạo hành trẻ tại cơ sở Mẹ Mười (Thanh Khê, Đà Nẵng), lãnh đạo địa phương vừa tuyên bố sẽ điều tra động cơ của người tung clip lên mạng. Làm như vậy liệu có đúng pháp luật?
Đòi xử lý người quay clip bạo hành trẻ có phạm pháp?
Liên quan tới vụ bạo hành trẻ tại cơ sở Mẹ Mười (Thanh Khê, Đà Nẵng), lãnh đạo địa phương vừa tuyên bố sẽ điều tra động cơ của người tung clip lên mạng. Làm như vậy liệu có đúng pháp luật?
Ông Nguyễn Thanh Xuân, phó chủ tịch UBND quận Thanh Khê (Đà Nẵng), cho biết sẽ xử lý người đưa clip bạo hành trẻ em tại cuộc họp báo chiều 25-5 – Ảnh: Đ.CƯỜNG
Thông tin này được ông Nguyễn Thanh Xuân – phó chủ tịch UBND quận Thanh Khê – đưa ra tại buổi họp báo chiều 25-5.
Đến ngày 26-5, ông Nguyễn Thanh Xuân xin đính chính lại: “Nếu cơ quan chức năng điều tra, xác minh việc tung clip lên mà đúng, cung cấp chứng cứ để xử lý nạn bạo hành thì xứng đáng được tuyên dương, khen thưởng. Còn nếu tung lên không phải vì động cơ trong sáng phải răn đe, giáo dục chứ không phải xử lý là hình sự”.
Cho dù là như vậy thì vẫn cần phải phân tích sự việc để làm rõ vấn đề.
Xử lý người quay clip hành hạ trẻ
Theo ông Nguyễn Thanh Xuân, clip quay cảnh bạo hành trẻ tại cơ sở Mẹ Mười được thực hiện vào tháng 4-2018, đến ngày 21-5 mới tung lên mạng xã hội. UBND quận đã có chỉ đạo điều tra, xử lý người bạo hành trẻ, đồng thời chỉ đạo điều tra thái độ và trách nhiệm của người tung clip.
“Giao cho các cơ quan chức năng tìm nguyên nhân vì sao quay từ tháng 4 mà đến ngày 21-5 mới tung clip lên mạng” – ông Xuân nêu rõ.
Ông Xuân còn nói việc này cơ quan điều tra đang làm, sau khi có kết luận sẽ cung cấp cho báo chí. “Tinh thần chúng tôi làm công minh, khách quan và đúng luật, xử lý đến cùng” – ông Xuân cho hay.
Theo tìm hiểu, khi xuất hiện clip bạo hành trẻ trên mạng, UBND phường Chính Gián liền xuống làm việc với cơ sở Mẹ Mười. Thông tin tại buổi làm việc cho thấy người quay clip có thể là một giáo viên của cơ sở nhưng đã nghỉ dạy.
Theo Công an quận Thanh Khê, tại cơ quan điều tra, bà Đinh Thị Hồng – chủ cơ sở Mẹ Mười – thừa nhận mình là người bạo hành cháu bé như clip trên mạng. Cháu bé nằm dưới sàn mới 28 tháng tuổi bị bà Hồng liên tục đổ cháo vào miệng và tát vào mặt. Còn cháu bé bị bà Hồng dùng 2 tay túm xách lên thì mới 12 tháng tuổi. Bà này nói do cháu bị ghẻ nên phải xách để đưa ra ngoài.
Công an xác định bà Hồng có hành vi hành hạ từ 2 người trở lên. Cơ quan công an cũng đang xác minh người đưa clip lên mạng để thu thập các thông tin phục vụ công tác điều tra.
Khó có cơ sở
Bình luận về việc đề nghị xử lý người quay clip, luật sư Lê Cao (Đoàn luật sư TP Đà Nẵng) nói: “Thực chất việc cung cấp clip lên mạng xã hội là hình thức đưa tin báo về tội phạm nhưng luật hiện hành không quy định thời hạn để cung cấp các tin báo tội phạm. Cho nên chuyện xử lý trách nhiệm đối với người đăng clip bạo hành là khó có cơ sở”.
Luật hiện hành quy định các hình thức cung cấp thông tin về dấu hiệu phạm tội qua các cơ quan tiếp nhận có thẩm quyền, qua các phương tiện thông tin đại chúng. Nhưng khái niệm mang tính pháp quy về các phương tiện thông tin đại chúng hiện nay chỉ dừng lại như các đài phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử.
Chưa thấy đề cập đến mạng xã hội. Luật cũng không quy định rõ trình tự, thủ tục cung cấp tin báo về tội phạm trên mạng xã hội, nhưng pháp luật hiện không cấm người dân làm việc này.
Theo luật sư Cao, cần khuyến khích người dân phối hợp, hỗ trợ, cung cấp tin báo về dấu hiệu phạm tội để kịp thời đấu tranh. Khi đó việc phòng chống tội phạm đạt được hiệu quả hơn.
“Nếu có những trường hợp phát hiện thấy các dấu hiệu phạm tội tương tự, người dân thu thập được chứng cứ, việc kịp thời cung cấp tin báo qua các cơ quan có thẩm quyền là rất tốt. Nhưng cứ có vấn đề gì cũng tung lên mạng xã hội thì không ổn, sẽ có lúc là thông tin để người vi phạm bỏ trốn hoặc xóa chứng cứ, gây khó khăn cho quá trình điều tra” – luật sư Cao nhấn mạnh.
Luật sư Cao còn nói thực tế có trường hợp người dân không thật sự tin vào việc xử lý kịp thời các hành vi phạm tội nên đưa thông tin lên mạng xã hội, cung cấp cho báo chí. Đây cũng là cách để giám sát các hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm.
Theo luật sư Nguyễn Ngọc Hùng (Đoàn luật sư TP Hà Nội), việc tố giác tội phạm có thể tiến hành bất cứ lúc nào. Pháp luật hiện nay quy định người nào có hành vi bao che cho người phạm tội thì mới bị xử lý.
Trong trường hợp này, người quay clip đưa hành vi vi phạm lên mạng cho mọi người biết chứ không phải bao che. Người quay clip chỉ bị xử lý khi họ cố tình đưa clip không đúng sự thật, gây ảnh hưởng xấu đến người khác. Còn như clip là đúng sự thật, không bị chỉnh sửa, cắt ghép và hành vi vi phạm của người trong clip bị khởi tố hình sự thì hoàn toàn không có sai phạm. Nếu điều tra, xử lý người đưa clip là rất phản cảm.
Luật sư TRẦN ĐỨC PHƯỢNG (Đoàn luật sư TP.HCM): Không nên chăm chăm xử lý người quay clip
Theo tôi, cần tìm hiểu người quay clip đưa lên mạng công khai với động cơ, mục đích gì? Có phải vì muốn tố cáo tội phạm hay muốn người có trong clip bị ảnh hưởng danh dự, nhân phẩm?
Trong trường hợp ở Đà Nẵng cần xác định người có hành vi bạo hành trẻ em trong clip là vi phạm pháp luật. Riêng người quay clip và đưa lên mạng có vi phạm không? Theo tôi, không thể nói không có vi phạm. Trong trường hợp này nếu có thì người quay clip chỉ vi phạm hành chính.
Tuy nhiên vi phạm này không đáng lo ngại, không có mục đích nói xấu, vu khống người khác. Nếu chính quyền Đà Nẵng bỏ qua vi phạm nặng (việc bạo hành trẻ em) mà chỉ chăm chăm xử lý vi phạm nhẹ của người quay clip sẽ không khiến người dân tâm phục khẩu phục.