27/01/2025

Nên kéo dài thêm độ tuổi vị thành niên?

Bất kể quan niệm lâu nay độ tuổi vị thành niên chấm dứt ở tuổi 19, nhiều chuyên gia cho rằng căn cứ vào tình hình hiện nay, lứa tuổi đó cần kéo dài hơn, từ 10-24 tuổi.

 

Nên kéo dài thêm độ tuổi vị thành niên?

Bất kể quan niệm lâu nay độ tuổi vị thành niên chấm dứt ở tuổi 19, nhiều chuyên gia cho rằng căn cứ vào tình hình hiện nay, lứa tuổi đó cần kéo dài hơn, từ 10-24 tuổi.

 

 

Nên kéo dài thêm độ tuổi vị thành niên? - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ: Reuters

Bạn hãy khoan bật cười hay phản ứng với đề xuất trên của các nhà khoa học. Hãy thử cùng xem cái lý của đề xuất này đã được các nhà nghiên cứu trình bày chi tiết trong báo cáo khoa học đăng tải trên tạp chí y khoa uy tín hàng đầu thế giới Lancet Child & Adolescent Health tuần qua.

Mặc dù nhiều quyền lợi pháp lý của người trưởng thành đều bắt đầu có hiệu lực từ năm 18 tuổi, tuy nhiên việc thực thi các vai trò trách nhiệm của một người trưởng thành nhìn chung đều diễn ra sau đó

Giáo sư Susan Sawyer

Theo đó, báo cáo cho rằng những người trẻ hiện nay đang có xu hướng kéo dài thời gian học hơn, trì hoãn việc kết hôn và có con, theo đó cũng trì hoãn thời điểm để chính thức là người trưởng thành nếu căn cứ theo các quan niệm phổ quát lâu nay. 

Các nhà nghiên cứu cho rằng việc thay đổi định nghĩa là điều hệ trọng để đảm bảo các chính sách pháp luật có tác động thích hợp. 

Tuy nhiên, cũng có ý kiến phản đối vì theo họ nếu làm vậy, chẳng khác gì ta tiếp tay cho việc có quá nhiều người “mãi không chịu lớn” trong xã hội.

 

Căn cứ sinh học và xã hội

Theo các nhà nghiên cứu, có những lý do về mặt sinh học khiến họ tin rằng cần phải mở rộng khái niệm vị thành niên, trong đó thuyết phục nhất là việc sau tuổi 18, 19, cơ thể con người vẫn tiếp tục phát triển. 

Chẳng hạn não người vẫn tiếp tục hoàn thiện hơn sau tuổi 20 để hoạt động nhanh và hiệu quả hơn. Chưa kể với không ít người, răng khôn chỉ bắt đầu xuất hiện khi họ đã bước vào tuổi 25.

Cùng với lý do sinh học, những xu hướng lựa chọn cuộc sống mới của người trẻ cũng là lý do để nhóm nghiên cứu đề xuất việc “xét lại” độ tuổi vị thành niên. Trên thực tế, người trẻ hiện nay đã và đang ngày càng kết hôn, có con muộn hơn. 

Theo Văn phòng thống kê quốc gia của Anh, năm 2013 tại Anh và Xứ Wales, độ tuổi trung bình của nam giới kết hôn lần đầu là 32,5 tuổi và với nữ là 30,6 tuổi. Nếu so với năm 1973, chỉ số này đã tăng thêm gần 8 năm.

Giáo sư Susan Sawyer – giám đốc trung tâm sức khoẻ vị thành niên tại Bệnh viện Nhi hoàng gia ở thành phố Melbourne (Úc), chủ trì nghiên cứu – cho rằng việc trì hoãn kết hôn và sinh con cũng như trì hoãn độc lập kinh tế của nhiều người trẻ hiện nay đang trở thành đặc trưng “bán độc lập” ở rất nhiều người vị thành niên. 

Xu hướng thay đổi này, theo bà Susan, cần phải được các nhà hoạch định chính sách lưu ý, theo đó có thể mở rộng các dịch vụ hỗ trợ người trẻ cho tới tận năm 25 tuổi. 

 

“Các định nghĩa về tuổi vẫn luôn ngẫu hứng, tuy nhiên định nghĩa hiện nay của chúng ta về người vị thành niên là quá hạn hẹp. Độ tuổi từ 10-24 sẽ phù hợp hơn với sự phát triển của người vị thành niên ngày nay” – bà Sawyer nói.

Giáo sư Russell Viner, chủ tịch Trường đại học Nhi khoa và sức khoẻ trẻ em Hoàng gia Anh, cho biết: “Tại Anh, độ tuổi trung bình để thoát ly khỏi gia đình hiện nay là 25 tuổi với cả nam và nữ giới”. Theo đó, ông ủng hộ việc mở rộng lứa tuổi vị thành niên lên tới 24 và cho rằng một số dịch vụ tại Anh cũng đã có cân nhắc tới việc này.

Có nuông chiều thái quá?

Dĩ nhiên không phải ai cũng đồng tình với việc kéo dài độ tuổi vị thành niên. Tiến sĩ Jan Macvarish, nhà xã hội học tại Đại học Kent, cho rằng đề xuất này tiềm ẩn nhiều nguy cơ hơn là tác dụng. 

Bà phân tích: “Các trẻ vị thành niên trưởng thành hơn nhờ vào một phần đáng kể từ các kỳ vọng mà xã hội dành cho họ chứ không phải sự phát triển về mặt sinh học trong cơ thể”. 

Theo đó, tiến sĩ Macvarish khẳng định: “Xã hội vẫn nên duy trì những kỳ vọng cao nhất có thể với thế hệ kế tiếp”.

Phản đối quan điểm này của bà Macvarish, giáo sư Viner cho rằng việc nới rộng thêm độ tuổi vị thành niên có thể được xem như cách “trao thêm sức mạnh cho người trẻ thông qua việc thừa nhận những khác biệt của họ”. 

Ông lập luận: “Miễn là chúng ta làm điều này từ quan điểm thừa nhận các điểm mạnh của người trẻ và tiềm năng phát triển của họ, thay vì chỉ tập trung vào những rắc rối của giai đoạn vị thành niên”.

Trên thực tế, giáo sư Sawyer không phải người đầu tiên nhận ra xu hướng thay đổi của giới trẻ. Từ năm 2010, báo New York Times đã đăng bài viết chỉ ra những biến đổi trong trải nghiệm sống của người trẻ độ tuổi 20, những điều mà một thế kỷ trước chưa từng có. 

Trong bài báo đó, nhà nghiên cứu Jeffrey Jensen Arnett chỉ ra thực tế có những người đã bước vào lứa tuổi 20 nhưng vẫn cảm thấy hoang mang, bất ổn, tự mâu thuẫn với những kỳ vọng phổ quát của xã hội với họ ở độ tuổi ấy.

Tại Mỹ, một số chính sách cũng đã có sự điều chỉnh để phù hợp hơn với xu thế đó. 

Chẳng hạn Luật chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền (Affordable Care Act) cho phép người trẻ được hưởng chế độ bảo hiểm y tế của cha mẹ họ cho tới năm 26 tuổi. 

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều luật khác được cho là không còn phù hợp vẫn tồn tại như việc mọi người được phép có bằng lái xe năm 16 tuổi nhưng phải tới năm 25 tuổi mới có thể thuê xe hơi.

Dù thế nào thì những kêu gọi mở rộng nội hàm khái niệm vị thành niên từ 10-24 tuổi của các nhà nghiên cứu vẫn được giới quan sát đánh giá khó khả thi. Một phần vì việc thay đổi chính sách, ở bất cứ quốc gia nào, cũng đều khó khăn. 

Nhưng một phần đáng kể hơn nữa là nhóm người trẻ thuộc lứa tuổi Millennial (sinh trong giai đoạn 1980-1990) vẫn đang là “nhân vật trung tâm” trong nhiều cuộc tranh luận về việc họ có phải những người ích kỷ và đòi hỏi quá nhiều hay không.

D.KIM THOA