Thẩm phán Bến Tre đã bớt ‘lạnh như tiền’
Đã sang năm thứ 3, TAND TP Bến Tre (Bến Tre) thực hiện việc để người dân đánh giá cán bộ, công chức toà án khi đến làm việc.
Thẩm phán Bến Tre đã bớt ‘lạnh như tiền’
Đã sang năm thứ 3, TAND TP Bến Tre (Bến Tre) thực hiện việc để người dân đánh giá cán bộ, công chức toà án khi đến làm việc.
Thẩm phán Nguyễn Thanh Thuở, TAND TP Bến Tre, tiếp công dân ngày 21-2 – Ảnh: Hoàng Điệp |
Từ chỗ còn nhiều phiếu phàn nàn, thậm chí có người dân chê cán bộ tòa án vô cảm thì bây giờ, số phiếu “không hài lòng” đã không còn.
Sáng kiến của ông chánh án
Thẩm phán Bùi Quang Sơn (phó chánh án TAND tỉnh Bến Tre) khi còn làm chánh án TAND TP Bến Tre chính là tác giả của việc phát phiếu cho người dân đánh giá công chức tòa án.
Ông Sơn kể rằng công tác trong ngành toà án, tiếp xúc với các đương sự của các vụ kiện thì thấy rằng chẳng ai đến toà mà vui vẻ cả. Vậy nên, tới toà mà gặp cán bộ toà án có gương mặt “lạnh như tiền”, đã không giải thích cặn kẽ với người ta, lại còn quát tháo mắng mỏ thì bức xúc lắm.
Trong một số kỳ họp HĐND, các cử tri đã phản ảnh việc này đối với các đại biểu HĐND. Họ nói rất phiền lòng vì cán bộ toà án thiếu thân thiện, làm khó nhân dân. Như việc người ta đến nộp đơn khởi kiện mà phải sửa cái đơn đến 3 lần, mỗi lần hướng dẫn một thứ, trong khi có thể hướng dẫn 1 lần đầy đủ nhưng cán bộ toà không muốn làm.
Tôi cho rằng việc để người dân chấm điểm thẩm phán là cách rất tốt để lấy lại hình ảnh thân thiện của những người làm công tác tư pháp đối với nhân dân |
Ông NGUYỄN HOÀ BÌNH (chánh án TAND tối cao) |
“Khi đó, tôi nghĩ cần phải chấn chỉnh lại việc này, trước mắt là để chia sẻ với người dân, sau nữa là để cán bộ toà án phải trang bị sự kiên trì, nhẫn nại. Do đó, từ lịch trực tiếp người dân hằng ngày, tất cả các thẩm phán, thư ký đều phải thực hiện việc tiếp dân.
Ai làm tốt thì khen thưởng, ai làm dở phải chấn chỉnh, phê bình” – thẩm phán Sơn nói.
Nghĩ là làm, ông Sơn đưa ra sáng kiến phát phiếu đo sự hài lòng của người dân đối với các thẩm phán, thư ký TAND TP Bến Tre.
Cứ mỗi công dân đến tòa để làm thủ tục khởi kiện hay bất kể việc gì thì sau khi ghi tên của họ vào sổ theo dõi, cán bộ toà phát cho họ một lá phiếu trong đó có các ô ghi sẵn về mức độ hài lòng với cán bộ tòa hay không: rất hài lòng, hài lòng, chưa hài lòng và ý kiến khác.
Phiếu sau khi được ghi đầy đủ thì bỏ vào hộp kính, có khoá. Cuối tuần, bộ phận văn phòng sẽ mang ra kiểm phiếu.
Căn cứ vào ngày ghi trên tờ phiếu, bộ phận văn phòng sẽ biết được thẩm phán nào, thư ký nào tận tình chu đáo khiến người dân hài lòng, thẩm phán nào bị người dân phản ảnh. Số liệu này sẽ được tổng hợp ngay để thứ hai đầu tuần tới họp đánh giá trước toàn cơ quan.
Đầu năm 2015 ông Sơn nhận được một thư góp ý của người dân với đầy đủ tên tuổi, địa chỉ kèm theo những lời phê bình hết sức nặng nề đối với một trong các thẩm phán đã tiếp ông.
Khi nhận được lá phiếu phê bình đó, lãnh đạo tòa án đã mời người dân lên để hỏi cặn kẽ và yêu cầu thẩm phán đó làm kiểm điểm.
“Những trường hợp bị dân rầy la, than phiền đều bị xem xét khi xét thi đua. Trường hợp thẩm phán bị làm kiểm điểm, năm đó không đạt thành tích thi đua gì cả” – ông Sơn nói thêm.
Theo ông Sơn, sau một năm thực hiện việc để nhân dân “chấm điểm” cán bộ, thẩm phán tòa án, tỉ lệ phiếu “không hài lòng” cán bộ toà án đã giảm rất nhiều.
“Trong những kỳ họp, cử tri không còn than phiền về thái độ của cán bộ tòa án khi tiếp xúc với công dân nữa” – ông Nguyễn Biên Thùy, chánh án TAND tỉnh Bến Tre, nói.
Cần nhân rộng trên toàn quốc
Cái lớn nhất mà TAND TP Bến Tre thu được sau khi thực hiện việc phát phiếu đó là sự tận tâm của cán bộ toà án đối với người dân khi đến làm việc với tòa.
“Người dân có thể quạu, thậm chí mắng mỏ cán bộ tòa án, nhưng cán bộ tòa thì không được mắng dân hay to tiếng với dân” – ông Nguyễn Xuân Triều, phó chánh án TAND TP Bến Tre, bày tỏ và nói thêm: “Nếu cán bộ toà án giải thích mà người dân chưa hiểu, chưa đồng thuận với cách trả lời của thẩm phán thì có thể gặp trực tiếp chánh án hoặc phó chánh án để được trả lời…”.
Từ thành công của mô hình, TAND tỉnh Bến Tre đã khuyến khích các tòa mở rộng mô hình, kể cả các toà quận huyện.
“Việc thực hiện phát phiếu đánh giá cho người dân rất hiệu quả đối với các cấp tòa sơ thẩm, bởi toà này cán bộ tòa án tiếp xúc nhân dân nhiều nhất, cần sự hướng dẫn nhiều nhất. Ngoài ra các toà cũng công khai số điện thoại của lãnh đạo, để người dân không hài lòng với thẩm phán nào thì phản ảnh trực tiếp đối với lãnh đạo để có hướng xử lý” – ông Thuỳ chia sẻ.
Nhận xét về việc toà án phát phiếu cho người dân chấm điểm thẩm phán, ông Nguyễn Hoà Bình, chánh án TAND tối cao, cho rằng đây là một mô hình cần phải nhân rộng cho các toà trên toàn quốc.
Bởi theo ông Bình, ngoài những biện pháp cải cách tư pháp mà TAND tối cao đang trong lộ trình thực hiện thì việc cải cách hành chính từ ứng xử của thẩm phán đối với người dân, đương sự cần phải được chú trọng.
Do đó, cải cách từ ứng xử của công chức, cán bộ toà án từ khâu tiếp dân, hướng dẫn người dân những vấn đề liên quan đến thủ tục khởi kiện hoặc những việc khác tại toà là rất cần thiết.
Sau đó là những ứng xử của thẩm phán ngay tại phiên xử để chấm dứt tình trạng thẩm phán lớn tiếng với bị cáo, đương sự tại phiên toà.