Quyết định xử phạt hết thời hiệu: Giải quyết hậu quả ra sao?
Một số vụ việc vi phạm hành chính khi ban hành quyết định xử phạt đã quá thời hạn 30 ngày tính từ ngày lập biên bản vi phạm. Vấn đề đặt ra là việc giải quyết hậu quả, đặc biệt tang vật thu giữ sẽ được giải quyết ra sao?
Quyết định xử phạt hết thời hiệu: Giải quyết hậu quả ra sao?
Một số vụ việc vi phạm hành chính khi ban hành quyết định xử phạt đã quá thời hạn 30 ngày tính từ ngày lập biên bản vi phạm. Vấn đề đặt ra là việc giải quyết hậu quả, đặc biệt tang vật thu giữ sẽ được giải quyết ra sao?
Ngày 5-9-2015, Công an H.Tháp Mười (Đồng Tháp) kiểm tra xe tải của Công ty LMH (trụ sở tại thị trấn Dương Đông, H.Phú Quốc, Kiên Giang) vận chuyển một lượng lớn hàng hoá không có hoá đơn theo quy định.
Công an đã lập biên bản vi phạm hành chính và chuyển hồ sơ đề nghị chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định xử phạt theo thẩm quyền.
Xử phạt khi hết thời hiệu
Ngày 13-11-2015, chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp ban hành quyết định số 1298 xử phạt Công ty LMH 90 triệu đồng, tịch thu xe tải và số hàng hoá.
Ngày 22-12-2015, đại diện Công ty LMH gửi đơn khiếu nại đối với quyết định 1298 của chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp.
Ngày 4-2-2016, chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp ban hành quyết định giải quyết khiếu nại, trong đó kết luận căn cứ Luật xử lý vi phạm hành chính và nghị định 185/2013 xử phạt đối với Công ty LMH là phù hợp và bác đơn khiếu nại của công ty này.
Ngày 18-2-2016, Công ty LMH gửi đơn đến Bộ Công thương yêu cầu nơi này đề nghị chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp hủy bỏ quyết định số 1298.
Trong quyết định giải quyết khiếu nại sau đó, Bộ Công thương nêu rõ “đề nghị chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp xem xét, huỷ bỏ quyết định xử phạt 1298” vì “việc ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính quá thời hạn luật định”.
Ngày 19-9-2016, chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp ban hành quyết định hủy bỏ quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 1298 đối với Công ty LMH vì “biên bản vi phạm hành chính lập chưa đảm bảo đúng quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính”.
Bế tắc trong giải quyết hậu quả
Để giải quyết hậu quả sau khi huỷ quyết định xử phạt vi phạm hành chính, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức cuộc họp gồm đại diện các sở, ngành để thống nhất hướng xử lý.
Một số ý kiến cho rằng nên áp dụng quy định tại khoản 2, điều 65 và điều 66 Luật xử lý vi phạm hành chính để tịch thu tang vật sung công quỹ nhà nước.
Một số ý kiến đặt vấn đề nếu muốn xử phạt được Công ty LMH thì cần ban hành quyết định mới theo (điều 18 Luật xử lý vi phạm hành chính).
Như vậy, trước khi ban hành quyết định xử phạt mới thì phải xác lập lại biên bản vi phạm hành chính mới và tiến hành xác minh xử lý vụ việc vi phạm nêu trên như hồ sơ phát hiện ban đầu (thời hiệu xử lý vi phạm hành chính là hai năm theo điểm a, khoản 1, điều 6 Luật xử lý vi phạm hành chính).
Tuy nhiên cuộc họp đã đi đến… bế tắc khi không tìm ra được cách giải quyết hậu quả vụ việc này, đặc biệt là về xử lý tang vật.
Không có cơ sở ra quyết định xử phạt mới
Theo luật sư Lê Trung Phát, việc viện dẫn điều 18 của Luật xử lý vi phạm hành chính là không có cơ sở, trái với quy định của pháp luật.
Bởi việc này chỉ được diễn ra ngay sau khi người có thẩm quyền ban hành quyết định nhưng đã phát hiện sai sót và kịp thời sửa sai.
Hoặc trong quá trình giải quyết khiếu nại, người có thẩm quyền phát hiện sai sót và chấp nhận sửa sai bằng việc thu hồi quyết định cũ để ban hành quyết định mới hoặc sửa quyết định mới.
Thế nhưng ở đây, từ khi ban hành đến lúc giải quyết khiếu nại lần đầu, UBND tỉnh đã không phát hiện hoặc sửa chữa sai sót.
Bên cạnh đó, theo thạc sĩ Nguyễn Minh Sơn (Viện KSND cấp cao tại TP.HCM), điều 18 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định thủ trưởng cơ quan, đơn vị có thẩm quyền khi phát hiện quyết định về xử lý vi phạm hành chính do mình hoặc cấp dưới ban hành có sai sót thì phải sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hoặc ban hành quyết định mới.
Quyết định mới phải bảo đảm nguyên tắc một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần. Người có thẩm quyền xử phạt không thể lập biên bản vi phạm hành chính để phục hồi thời hạn ra quyết định xử phạt đối với hành vi đã xảy ra trước đó.
Trừ trường hợp hành vi đã bị ra quyết định xử phạt nhưng người vi phạm chưa thi hành, hoặc đang thi hành mà vẫn thực hiện hành vi, thì hành vi này mới được coi là hành vi vi phạm mới (theo quy định của điều 6 nghị định 81/2013).
Nên trả lại xe
Theo luật sư Phát, các cơ quan liên quan tỉnh Đồng Tháp nên chấp nhận ban hành quyết định huỷ bỏ quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu, chỉ đạo Công an H.Tháp Mười trả lại xe cho công ty.
“Khi biên bản đã lập theo quy định nhưng quá thời hạn để ra quyết định xử phạt mà người có thẩm quyền không ban hành quyết định xử phạt, xem như hành vi vi phạm sẽ không phải chịu chế tài xử phạt” – luật sư Phát nói. Như vậy phải khôi phục hiện trạng của hành vi, xem như họ chưa bị xử phạt theo luật định và phải trả lại xe cho công ty.
Theo thạc sĩ Sơn, vì không còn thẩm quyền sửa sai nên trường hợp này được xem là không bị xử phạt và phải trả lại xe.
Thời gian giữ xe quá 30 ngày (chờ xử phạt) sẽ không được tính vào thời gian công ty bị thiệt hại, vì thế căn cứ vào thời gian giữ xe vượt quá so với quy định, chủ xe có quyền yêu cầu Công an H.Tháp Mười bồi thường cho mình.
Theo luật sư Phát, nếu công ty và công an huyện không tìm được tiếng nói chung trong việc bồi thường thiệt hại do hành vi giữ xe quá thời gian quy định, họ có thể khởi kiện vụ án hành chính nhằm yêu cầu tuyên huỷ quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Quy chế phối hợp chưa tốt Trao đổi với Tuổi Trẻ, thượng tá Huỳnh Ngọc Bảnh – phó Phòng tham mưu Công an tỉnh Đồng Tháp – cho biết sau khi có ý kiến của Bộ Công thương, chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đã hủy quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty LMH. Theo ông Bảnh, hướng xử lý là trả lại xe nhưng tịch thu toàn bộ hàng hóa của Công ty LMH vì công ty này không chứng minh được hàng hoá của mình (không hoá đơn chứng từ). Về sơ suất trong việc để lố thời hạn ra quyết định xử phạt, ông Bảnh cho biết nguyên nhân do quy chế phối hợp giữa Công an H.Tháp Mười và bộ phận tham mưu cho chủ tịch UBND tỉnh chưa được tốt. Cụ thể, lúc đầu Công an H.Tháp Mười xử lý tài xế là đúng nhưng xử phạt công ty là không phù hợp. Qua xác minh, Công ty LMH không chứng minh được hàng hoá này là của công ty. |