Ngôi nhà chung cho những người lầm lỗi
Thoạt nghe trường cai nghiện, có lẽ ai cũng hình dung cảnh người nghiện quằn quại, hò hét, kích động… Nhưng đặt chân đến mới thấy, nơi đây như một mái nhà chung, một ngôi trường cho những người một thời lầm lỗi…
Ngôi nhà chung cho những người lầm lỗi
Thoạt nghe trường cai nghiện, có lẽ ai cũng hình dung cảnh người nghiện quằn quại, hò hét, kích động… Nhưng đặt chân đến mới thấy, nơi đây như một mái nhà chung, một ngôi trường cho những người một thời lầm lỗi…
Mấy ai nghĩ tại trường cai nghiện lại có những lớp học đánh vần, tập viết, tập đọc với các HV đủ độ tuổi. Ngay cả tên mình, nhiều HV vẫn không biết viết ra. Anh Trần Ngọc Chiến (35 tuổi, HV Trường 2) tâm sự: “Lúc nhỏ ba mẹ ở quê khổ, ăn không no, lấy đâu đến trường. Nói là tên Chiến mà không biết viết như thế nào. Giờ đã học được lớp 2, tôi sẽ cố gắng viết được một lá thư gửi về cho vợ con”. 50 tuổi mà đang học… lớp 2 là ông Mạc Chí Cường (HV Trường 3). Ông đã cai nghiện 3 lần, nhưng chưa lần nào vượt qua được sau khi trở về. Thế mà lần này ông nói rất chắc chắn: “Vô đây lần 3 mà giờ về dính lại ma tuý chỉ có nước chết. Chừng tuổi này rồi, không biết chữ, may mắn được mấy thầy ở đây dạy chữ, giờ đã biết đọc và viết tên mình. Ngẫm lại lần này về phải thay đổi, lo làm ăn”.
Trường cai nghiện là nơi có những con người đang dần làm lại cuộc đời. Gặp HV Trần Quang Trí (30 tuổi, ngụ TP.HCM) ở Trường 2 (H.Lâm Hà, Lâm Đồng) đang đá cầu nhễ nhại mồ hôi, sau buổi lao động. Trí xuất thân gia đình khá giả, tốt nghiệp ĐH, từng làm cho một hãng máy tính nổi tiếng tại TP.HCM, và đã có gia đình. Ngày Trí bị bắt đi cai nghiện cũng là ngày con gái Trí tròn 2 tháng. Là người có học thức, nên cách Trí tâm sự về những lầm lỡ đời mình, về những chuyện buồn do mình gây ra cho gia đình, khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Nước mắt lưng tròng, Trí nói: “Nơi đây như một trải nghiệm của đời mình. Sinh hoạt ở trường cho tôi cảm nhận rõ tình người. Giờ không nhắc về chuyện cũ mà là lúc giúp tôi cảm nhận, chiêm nghiệm lại những gì mình đã trải qua, cuộc sống rất quý và vẫn còn sớm để mình bắt đầu lại tất cả”.
Đến các trường cai nghiện mới thấy mỗi HV là mỗi số phận; các khóa đào tạo dạy nghề, những tấm lòng, cái tâm của người quản lý nơi đây, như tô son, điểm màu lại cho những người lầm lỡ một thời, bước tiếp vào cuộc sống tương lai.
Phải bình đẳng với học viên
Trước tình hình HV cai nghiện bị kích động, trốn trại ở một vài trường trại ở các địa phương thời gian qua, bà Nguyễn Thị Thu, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết: “Cần quan tâm chăm lo cho HV, phải quán triệt trong đội ngũ cán bộ quản giáo, có thái độ đúng mực với HV, không tạo sự quá khích, phải cư xử với HV bình đẳng. Quan tâm điều kiện cơ sở vật chất cho cán bộ, nếu có vấn đề khó khăn, TP.HCM sẵn sàng đáp ứng, để ổn định cuộc sống ở đây. Tăng chất lượng bữa ăn, thời gian sinh hoạt, ca hát, giao lưu để giảm căng thẳng, cán bộ quản giáo tăng lấy ý kiến dân chủ, thay vì 1 tháng phát phiếu lấy ý kiến 1 lần, bây giờ phải 2 lần/tháng. Như vậy, sẽ hạn chế chuyện manh động xảy ra và trốn trại”.
|
Công Nguyên – Thảo Thương