Phạt “nguội” người vi phạm giao thông
Sáng 16-11, tổ công tác Phòng CSGT đường bộ, đường sắt (PC67) Công an TP.HCM phối hợp CSGT trên địa bàn TP ra đường phạt “nguội” phương tiện tham gia giao thông bị camera ghi hình vi phạm trước đó.
Phạt “nguội” người vi phạm giao thông
Sáng 16-11, tổ công tác Phòng CSGT đường bộ, đường sắt (PC67) Công an TP.HCM phối hợp CSGT trên địa bàn TP ra đường phạt “nguội” phương tiện tham gia giao thông bị camera ghi hình vi phạm trước đó.
Cảnh sát giao thông dừng ôtô, xử phạt “nguội” trên đường Điện Biên Phủ (TP.HCM) sáng 16-11 – Ảnh: SƠN BÌNH |
Tổ công tác chọn đường Điện Biên Phủ (tiếp giáp Q.1 và Q.Bình Thạnh) bố trí lực lượng, máy móc để tiến hành xử phạt.
Một tổ CSGT quan sát tại đầu cầu Điện Biên Phủ, nhập biển số xe ngẫu nhiên lưu thông trên đường Điện Biên Phủ hướng về Hàng Xanh. Khi phát hiện xe bị camera ghi hình vi phạm trước đó, tổ CSGT sẽ điện báo cho một tổ CSGT chốt cách đó khoảng 1km thổi lại lập biên bản.
Không nhận vi phạm trước đó
Trong khoảng 45 phút, tổ công tác lập biên bản phạt “nguội” hơn 10 trường hợp ôtô từng vi phạm trước đó. Do camera ghi hình vi phạm thường không ghi rõ mặt tài xế nên hầu hết trường hợp bị xử phạt đều cho rằng trước đó người khác lái xe vi phạm.
Khi bị chặn xe lại, tài xế Vũ Văn Quân (ngụ Thái Bình) thắc mắc: “Tôi bị lỗi gì mà thổi phạt?”. Tổ công tác mời tài xế Quân đến bàn làm việc, trích dữ liệu trên máy tính cho thấy lúc 14g33 ngày 8-1, ôtô do tài xế Quân cầ lái đã vi phạm lỗi đỗ xe nơi có biển báo “cấm đỗ xe”.
Khi xem qua dữ liệu camera ghi hình, tài xế Quân mới xuất trình giấy tờ liên quan để tổ công tác lập biên bản vi phạm và chờ ngày đóng phạt.
Tài xế Phạm Ngọc Hoanh (ngụ Q.2, TP.HCM) khi bị dừng xe cũng thắc mắc ôtô ông đi làm từ thiện có lỗi gì mà thổi lại xử phạt? Tổ công tác trích xuất nội dung dữ liệu cho thấy lúc 16g17 ngày 30-3, xe ông Hoanh chạy vi phạm lỗi tốc độ khi chạy 71 km/g lúc đi qua đường hầm Thủ Thiêm.
Tổ công tác giải thích chỉ xử phạt “nguội” lỗi vi phạm nói trên chứ hiện tại ông Hoanh không vi phạm. Ông Hoanh cho rằng thời điểm CSGT ghi hình vi phạm, ông không biết ai điều khiển xe nên xin CSGT “cho qua”.
Tổ công tác nói chứng cứ rõ ràng nên lập biên bản, còn ông Hoanh cho rằng ai lái xe thì ông phải tìm hiểu lại cho rõ để người vi phạm đi đóng phạt.
Còn tài xế Dương Hoàng Sang (ngụ TP.HCM) đang chạy taxi thì bị thổi phạt nên ngơ ngác không hiểu.
Tổ công tác giải thích, cung cấp dữ liệu: lúc 10g45 ngày 28-3, xe tài xế Sang đang cầm lái bị lỗi dừng xe nơi có biển báo “cấm dừng xe, đỗ xe” trên đường Công Xã Paris (Q.1), đã được thông báo về địa phương cho chủ phương tiện nhưng không thấy ai đóng phạt.
Tài xế Sang nói xe của công ty nên không rõ ai là người cầ lái trước đó. Tổ công tác lập biên bản giao cho anh Sang mang về công ty, nhờ công ty xem ai lái lúc đó thì đi đóng phạt.
Chủ xe phải phối hợp tìm ra người vi phạm
Thượng uý Trần Minh Thức – đội phó Đội chỉ huy giao thông và điều khiển đèn tín hiệu giao thông (PC67) - cho biết khó khăn hay gặp khi xử phạt “nguội” là người đang điều khiển xe hoặc chủ xe cho rằng trước đó xe do người khác điều khiển và vi phạm.
Dù điều này là đúng thực tế hay tài xế bịa ra để dây dưa thì lực lượng CSGT cũng giải thích rằng chủ xe phải có trách nhiệm phối hợp với CSGT lần tìm ra người vi phạm.
Quy trình xử phạt “nguội” – Đồ hoạ: V.Cường |
Nhiều người đặt vấn đề nếu chủ xe cho mượn xe nhưng người lái xe vi phạm dây dưa không chịu đi đóng phạt thì ai chịu trách nhiệm?
Trung tá Phạm Công Danh - đội trưởng Đội chỉ huy giao thông và điều khiển đèn tín hiệu giao thông (PC67) - cho biết trong Luật dân sự hiện hành quy định rõ trách nhiệm của chủ xe trong việc giao xe cho người khác điều khiển vi phạm.
“Nếu xác định đúng tài xế vi phạm nhưng người đó không đi đóng phạt, sau khi thuyết phục không thành, chủ xe có thể đi đóng phạt thay, rồi sau đó kiện tài xế đòi lại công bằng” – trung tá Danh nói.
Theo trung tá Danh, công tác ghi hình xử phạt các trường hợp vi phạm được thể hiện đầy đủ chứng cứ nên người vi phạm luôn chấp hành. Việc này góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn gặp một số khó khăn như người vi phạm yêu cầu CSGT cho xem lại hình ảnh vi phạm, do đó mất nhiều thời gian chứng minh vi phạm dẫn đến tỉ lệ người vi phạm đi đóng phạt chưa cao.
“Theo số liệu thống kê, mỗi ngày có 500 trường hợp vi phạm giao thông được ghi hình qua camera. Trong đó, những trường hợp xử phạt “nóng” là ghi hình rồi lập biên bản tại chỗ thì người vi phạm đóng phạt gần đủ 100%. Còn phạt “nguội”, người đi đóng phạt chỉ hơn 25%” – trung tá Danh nói.
Theo PC67, trong đợt cao điểm từ ngày 28-4 đến 28-10-2016, việc ghi hình phạt “nguội” đã ghi hình và trích xuất hoàn chỉnh 8.552 trường hợp vi phạm, có 779 trường hợp thực hiện quyết định xử phạt, nộp kho bạc trên 476 triệu đồng.
Còn kết quả ghi hình phạt “nóng” thực hiện ghi hình, lập biên bản 31.964 trường hợp vi phạm và đã có 24.418 trường hợp thực hiện quyết định xử phạt, nộp kho bạc trên 11 tỉ đồng.
Đà Nẵng: tất cả trường hợp vi phạm đều lái ôtô Chiều 16-11, đại tá Lê Ngọc – trưởng Phòng CSGT (PC67) Công an TP Đà Nẵng – cho biết sau 15 ngày thực hiện xử phạt vi phạm giao thông qua hệ thống camera tại nút giao thông Cách Mạng Tháng 8 – Nguyễn Hữu Thọ, Cách Mạng Tháng 8 – Lê Thanh Nghị – đường dẫn cầu Hoà Xuân và dọc tuyến đường Cách Mạng Tháng 8 (đoạn từ Hòa Cầm đến đường dẫn cầu Hoà Xuân), CSGT đã phát hiện 615 trường hợp vi phạm. Đặc biệt, tất cả trường hợp vi phạm đều là người lái ôtô. Trong đó, các lỗi chủ yếu là không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông (214 trường hợp), vi phạm tốc độ (401 trường hợp). Theo đại tá Ngọc, tuyến đường quy định tốc độ chạy tối đa 60 km/h nhưng nhiều tài xế chạy quá tốc độ. Cá biệt có trường hợp chạy đến 98 km/h. Những trường hợp này PC67 sẽ xử nghiêm theo quy định là phạt 7,5 triệu đồng, tạm giữ giấy phép lái xe 3 tháng. Đại tá Ngọc cho biết thêm các trường hợp xử phạt “nguội” qua hệ thống camera, hiện PC67 đã gửi thông báo xử lý vi phạm đến làm việc 421 trường hợp, một số trường hợp còn hoàn thiện hồ sơ. Trong đó có 85 chủ phương tiện đã đến nộp phạt. ĐOÀN CƯỜNG |