Để cho Thiên Chúa làm chúng ta ngạc nhiên

Hôm nay, tất cả chúng ta hãy tự hỏi xem chúng ta có sợ điều Thiên Chúa sẽ yêu cầu chúng ta hay điều Ngài đang yêu cầu chúng ta không. Tôi có để cho Thiên Chúa làm cho tôi ngạc nhiên không, hay tôi tự giam mình trong những cái an ninh của tôi? Tôi có thật sự để cho Thiên Chúa vào trong cuộc đời của tôi không?

 Để cho Thiên Chúa làm chúng ta ngạc nhiên

Cử hành Thánh lễ nhân Ngày Thánh Mẫu trong Năm Đức Tin
Quảng trường Thánh Phêrô
Chúa Nhật XXVIII Thường Niên, 13/10/2013

Trong Thánh vịnh, chúng ta đã đọc: “Hãy hát lên mừng Chúa một bài ca mới, vì Ngài đã làm những điều kỳ diệu” (Tv 97,1).

Hôm nay, chúng ta ở trước một trong những điều kỳ diệu của Chúa: Đức Maria! Một tạo vật khiêm nhường và yếu đuối như chúng ta, đã được chọn để làm Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Đấng Tạo Hoá của mình.

Khi nhìn lên Đức Maria, dưới ánh sáng của các bài đọc chúng ta vừa nghe, tôi muốn cùng với anh chị em suy nghĩ ba thực tại: thực tại thứ nhất, Thiên Chúa làm cho chúng ta ngạc nhiên; thực tại thứ hai, Thiên Chúa yêu cầu chúng ta trung tín; thực tại thứ ba, Thiên Chúa là sức mạnh của chúng ta.

Thực tại thứ nhất, Thiên Chúa làm cho chúng ta ngạc nhiên. Giai thoại về Naaman, Thủ lãnh quân đội của vua Aram, thật đặc biệt: để được chữa lành bệnh phong, ông đã xin Tiên tri của Thiên Chúa là Élisée, người không  thực hiện những nghi lễ mang tính ma thuật, cũng không yêu cầu vị tướng này làm những điều kỳ lạ, nhưng chỉ cần tin tưởng vào Thiên Chúa và đi tắm trong dòng sông; tuy nhiên, không phải trên những dòng sông lớn tại Damas, nhưng trên con sông nhỏ Giođan. Yêu cầu này làm cho tướng quân Naaman lưỡng lự, và thậm chí còn ngạc nhiên: vị Thiên Chúa nào có thể  yêu cầu một điều gì đó đơn giản như thế? Naaman muốn rút lui, nhưng sau đó ông tiến bước, ông xuống tắm trong dòng sông Giođan và lập tức ông được chữa lành (x. 2V 5,1-14). Này, Thiên Chúa làm cho chúng ta ngạc nhiên; chính trong cảnh nghèo nàn, trong nỗi yếu đuối, trong sự khiêm nhường mà Thiên Chúa biểu lộ và ban cho chúng ta tình yêu có sức cứu thoát, chữa lành chúng ta và ban cho chúng ta sức mạnh. Ngài chỉ xin chúng ta tuân giữ lời của Ngài và tin tưởng vào Ngài.

Đó là kinh nghiệm của Đức Trinh Nữ Maria: khi được Thiên thần truyền tin, Đức Maria không hề che giấu sự ngạc nhiên của mình. Mẹ vô cùng sững sờ khi thấy Thiên Chúa, để làm người, đã thật sự chọn Mẹ, là một cô gái thành Nazareth không hơn không kém, một người con gái không sống trong các cung điện của những người có quyền hành và giàu sang, một người con gái không thể hiện được những chiến công, nhưng là một người con gái mở rộng lòng đón nhận Thiên Chúa, biết tin tưởng nơi Ngài, ngay cả khi Mẹ không hiểu tất cả: “Này tôi là nữ tỳ Chúa; xin vâng như lời Thiên thần truyền cho tôi” (Lc 1,38). Đó là câu trả lời của Mẹ. Thiên Chúa luôn làm cho chúng ta ngạc nhiên, Thiên Chúa phá bỏ những sơ đồ của chúng ta, Thiên Chúa đảo lộn những chương trình của chúng ta, và nói với chúng ta: hãy tin tưởng vào Ta, đừng sợ, hãy ngạc nhiên, hãy ra khỏi con người của con và hãy đi theo Ta!

Hôm nay, tất cả chúng ta hãy tự hỏi xem chúng ta có sợ điều Thiên Chúa sẽ yêu cầu chúng ta hay điều Ngài đang yêu cầu chúng ta không. Tôi có để cho Thiên Chúa làm cho tôi ngạc nhiên không, như Đức Maria đã làm, hay tôi tự giam mình trong những cái an ninh của tôi, an ninh về mặt vật chất, an ninh về mặt trí thức, an ninh về mặt ý thức hệ, an ninh về những dự định của tôi? Tôi có thật sự để cho Thiên Chúa vào trong cuộc đời của tôi không? Tôi trả lời cho Ngài thế nào?

Trong trích đoạn của Thánh Phaolô mà chúng ta vừa mới nghe, vị Tông đồ nói với môn sinh của mình là Timôtê và bảo môn sinh mình nhớ lại Đức Giêsu Kitô, nếu chúng ta bền chí với Người, thì chúng ta sẽ thống trị với Người (x. 2Tm 2,8-13). Đây là điểm thứ hai: luôn nhớ lại Đức Kitô, luôn có ký ức về Đức Giêsu Kitô, và đó chính là bền chí trong đức tin: Thiên Chúa làm cho chúng ta ngạc nhiên bằng tình yêu của Ngài, nhưng Ngài yêu cầu chúng ta trung thành qua sự kiện đi theo Ngài. Chúng ta có thể trở nên những “người-không-trung-thành”, nhưng Thiên Chúa thì không thể, Ngài là “Đấng- trung-thành”, và Ngài yêu cầu chúng ta cũng có trung thành như thế. Chúng ta hãy nghĩ đến tất cả những lần chúng ta cảm thấy phấn khởi về một cái gì đó, về một sáng kiến,  một cam kết, nhưng sau đó, khi đối diện với những vấn nạn đầu tiên, chúng ta đã buông xuôi. Và đáng buồn thay, điều này cũng xảy ra trong những chọn lựa căn bản, như chọn lựa hôn nhân. Cái khó khăn trong việc kiên trì, trung thành với những quyết định, với những cam kết đã thực hiện. Thật dễ dàng khi nói “tiếng vâng”, nhưng sau đó,  ta không thể nhắc lại “tiếng vâng” này mỗi ngày. Người ta không thể sống trung thành được.

Đức Maria đã nói tiếng “xin vâng” của mình với Thiên Chúa, một tiếng “xin vâng” đã đảo lộn cuộc sống thật tầm thường của Mẹ tại Nazareth, nhưng tiếng “xin vâng” này không phải là độc nhất vô nhị, mà trái lại, nó chỉ là tiếng xin vâng đầu tiên của những tiếng “xin vâng” khác được thưa lên trong tâm hồn của Mẹ, trong những lúc vui mừng, cũng như trong những hồi đau khổ, nhiều tiếng “xin vâng” đã lên đến đỉnh điểm trong tiếng xin vâng được thưa lên dưới chân Thánh giá. Hôm nay, ở nơi đây có nhiều bà mẹ; chị em hãy nghĩ đến sự trung thành của Đức Maria đối với Thiên Chúa đã đi đến đâu: thấy Người Con duy nhất của mình trên Thánh giá. Người phụ nữ trung thành, đang đứng đó, tâm hồn tan nát, nhưng trung thành và vững mạnh.

Và tôi tự hỏi: tôi có phải là một Kitô hữu “chỉ từng lúc ”, hay tôi là một Kitô hữu trong mọi lúc? Nền văn hoá của cái tạm thời, của cái tương đối cũng thâm nhập vào trong đời sống đức tin. Thiên Chúa yêu cầu chúng ta sống trung thành với Ngài, mỗi ngày, trong những sinh hoạt thường ngày, và Ngài nói thêm, cho dù đôi khi chúng ta không trung thành với Ngài, thì Ngài, Ngài vẫn luôn trung thành, và với lòng nhân từ của Ngài, Ngài không hề cảm thấy mỏi mệt đưa tay ra để nâng chúng ta lên, để khuyến khích chúng ta lại tiếp tục bước đi, để lại quay về với Ngài, và nói với Ngài về nỗi yếu hèn của chúng ta để ngài ban sức mạnh cho chúng ta. Và đó chính là con đường chung cục: luôn ở với Chúa, ngay cả trong những nỗi yếu hèn của chúng ta, ngay cả trong những tội lỗi của chúng ta. Đừng bao giờ đi trên con đường tạm bợ. Điều đó sẽ giết chết chúng ta. Đức tin là sự trung thành mang tính quyết định, như đức tin của Đức Maria.

Điểm cuối cùng: Thiên Chúa là sức mạnh của chúng ta. Tôi nghĩ đến mười người mắc bệnh phong trong Phúc Âm được Chúa chữa lành: Họ đến gặp Người, họ dừng lại từ đàng xa và cất tiếng kêu: “Lạy Thầy Giêsu, xin thương xót chúng tôi!” (Lc 17,13). Họ  mắc bệnh, họ cần được yêu, họ cần có sức mạnh và họ đang tìm một ai đó chữa lành  họ. Và Đức Giêsu trả lời bằng cách giải thoát tất cả khỏi bệnh tật của mình. Tuy nhiên, chúng ta ngạc nhiên khi chỉ thấy có một người quay lại, để mạnh mẽ và lớn tiếng ca ngợi Thiên Chúa và cảm tạ Ngài. Chính Đức Giêsu đã ghi nhận điều này: mười người đã kêu xin để được chữa lành mà chỉ có một người quay lại để lớn tiếng cảm tạ Thiên Chúa, và nhìn nhận rằng chính Thiên Chúa là sức mạnh của chúng ta. Biết cảm tạ, biết ca ngợi vì những gì Chúa làm cho chúng ta.

Chúng ta hãy nhìn Đức Maria: sau biến cố Truyền tin, cử chỉ đầu tiên Mẹ thực hiện là một cử chỉ bác ái đối với Elisabeth, người chị họ già nua của mình; và những lời đầu tiên Mẹ nói lên là: “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa”, nghĩa là một bài ca ngợi và tạ ơn Thiên Chúa, không phải chỉ vì những điều Thiên Chúa đã thực hiện trong Mẹ, mà còn vì hành động Thiên Chúa đã thực hiện trong toàn bộ lịch sử ơn cứu độ. Tất cả đều được Thiên Chúa ban tặng. Nếu chúng ta có thể hiểu được rằng tất cả là hồng ân của Thiên Chúa, thì hạnh phúc trong tâm hồn chúng ta lớn lao dường nào! Tất cả đều được Thiên Chúa ban tặng. Ngài là sức mạnh của chúng ta! Nói lên tiếng cảm ơn thật là dễ dàng, thế nhưng cũng khó biết bao! Có được bao nhiêu lần chúng ta nói lên tiếng cảm ơn với nhau trong gia đình? Đây là một trong những từ chìa khoá của đời sống chung. “Xin vui lòng”, “Xin lỗi”, “Cảm ơn”: Nếu trong một gia đình người ta nói với nhau ba từ này, thì gia đình đó tiến triển. “Xin vui lòng”, “Xin lỗi”, “Cảm ơn”. Chúng ta nói tiếng “cảm ơn” trong gia đình được mấy lần? Chúng ta nói tiếng “cảm ơn” với người giúp đỡ chúng ta, với người ở gần chúng ta, với người đồng hành với chúng ta trong cuộc sống được mấy lần? Chúng ta thường xem tất cả là chuyện dĩ nhiên chúng ta phải có được! Và chúng ta cũng làm như thế đối với Thiên Chúa. Đến xin Thiên Chúa một điều gì đó thật dễ dàng, nhưng đến cảm ơn Thiên Chúa: “Này tôi chẳng hề nghĩ đến”.

Trong khi tiếp tục cử hành Thánh lễ, chúng ta hãy xin Đức Maria cầu thay nguyện giúp, xin cho chúng ta biết ngạc nhiên, và không hề chống lại ý Chúa, mỗi ngày sống trung thành với Chúa, ca tụng và cảm ơn Ngài, bởi vì Ngài là sức mạnh của chúng ta. Amen.