Không thuộc bài, phạt tiền học sinh?

Nếu so với các hình thức trừng phạt khác khi học sinh không thuộc bài, phạt tiền có vẻ nhẹ nhàng, tạo áp lực không quá lớn cho các em. Đây là suy nghĩ của không ít giáo viên tại một trường THCS ở TP.HCM.

 

Không thuộc bài, phạt tiền học sinh?

Nếu so với các hình thức trừng phạt khác khi học sinh không thuộc bài, phạt tiền có vẻ nhẹ nhàng, tạo áp lực không quá lớn cho các em. Đây là suy nghĩ của không ít giáo viên tại một trường THCS ở TP.HCM.

 

 

 

Không thuộc bài, phạt tiền học sinh?
Minh hoạ: NOP

Bước vào năm học mới không bao lâu, sáng nọ, một phụ huynh hớt hải chạy vào trường và đề nghị gặp giáo viên chủ nhiệm. Là giám thị, tôi tiếp chuyện phụ huynh này. Chị muốn hỏi lý do nào mà cô giáo lại bắt con chị đóng tiền phạt vì không thuộc bài. Tôi hỏi con chị học lớp nào, ai chủ nhiệm và hỏi cô bắt đóng phạt bao nhiêu? Chị nói con chị học lớp X và cô chủ nhiệm Y yêu cầu học sinh đóng phạt 2.000 đồng cho mỗi lần vi phạm.

Chị còn cho biết thêm mỗi ngày chị cho con một ít tiền tiêu vặt và ăn uống giữa buổi, nếu đóng phạt thì không còn tiền ăn. Mà theo cách nhìn của phụ huynh này, việc phạt học sinh bằng tiền sẽ phản tác dụng, bởi lẽ có thể các em không hề sợ bị phạt, nhiều khi còn lừa dối cha mẹ để có tiền đóng phạt, vì với mức phạt “rẻ như bèo” này có vi phạm cũng chẳng sao, cứ xìa tiền là xong!

Từ phản ảnh của chị phụ huynh, tôi tìm hiểu thì biết không chỉ cá biệt một giáo viên mà có nhiều giáo viên khác cũng áp dụng hình thức phạt này. Theo các giáo viên, hình thức phạt tiền này nhẹ nhàng, tạo ra áp lực không quá lớn cho học sinh. Các em vẫn có một ít tiền lẻ để đóng và khi sợ phạt hết tiền tiêu vặt thì các em sẽ gắng học hơn…

Riêng tôi không hoàn toàn đồng tình với hình thức xử phạt này. Bởi lẽ phạt một học sinh thì dễ, nhưng không phải học sinh nào cũng có khả năng nhận thức, khả năng sửa chữa sai lầm giống nhau.

Nếu cứ tiếp tục đóng tiền cho một lỗi vi phạm, trong khi học sinh đó hoàn toàn không thể tiến bộ lên thì sẽ gây tổn thương tâm lý trẻ, càng gây ức chế cho chính giáo viên đó, lâu dần thành quen – khi con trẻ vi phạm một lỗi gì đó thì sẽ đánh đổi vi phạm ấy bằng tiền, sẽ rất tai hại…

Môi trường học đường là môi trường giáo dục căn bản nhất cho trẻ em. Nhưng chẳng lẽ ngay cả ở môi trường này, chúng ta lại nỡ gieo vào đầu học sinh những suy nghĩ quá sớm về sự đổi chác, trao đổi. Cứ phạm lỗi thì lấy tiền ra đánh đổi, dù là ở mức hết sức tượng trưng? Liệu thật sự có ổn không? Liệu thầy cô có thanh thản khi nhận những đồng tiền phạt ấy từ học sinh của mình?

Tôi biết ơn vì thầy cô cho “ăn” roi

Tôi còn nhớ khi xưa tôi học tiểu học rồi đến trung học, nhiều khi đùa nghịch, nói chuyện trong lớp học hoặc ham chơi không làm bài tập về nhà đều bị giáo viên đánh vào mông, tay. Những đòn roi của thầy cô rất đau, nhưng lại rất đáng nhớ. Nhờ thế mà tôi mới biết sợ, cố gắng học tập và từng bước trưởng thành. Và tôi có thể khẳng định rằng tôi biết ơn giáo viên đã cho tôi “ăn” roi.

Ngày nay, việc sử dụng đòn roi đối với học sinh bị nghiêm cấm. Để có thể trị những học sinh cá biệt, ngỗ nghịch trong lớp mà giáo viên nói không biết nghe, không ít giáo viên dùng roi đánh vào mông, tay các học sinh. Thế nhưng, nhiều trường hợp học sinh bị đánh về méc với phụ huynh, thế là phụ huynh làm to chuyện, viết đơn gửi hiệu trưởng nhà trường đòi kỷ luật giáo viên…

Riêng đối với con tôi, khi cháu về nhà nói với tôi: “Ba ơi, hôm nay cô đánh con”, tôi liền hỏi lại cháu: “Vì sao cô đánh, cô đánh chỗ nào?”. Cháu trả lời: “Cô đánh vào mông, vì con nói chuyện trong lớp”.

Thế là tôi phân tích cho con, rằng cô đánh con vì con không biết nghe lời, nói chuyện trong lớp, làm ảnh hưởng đến các bạn khác học tập. Sau lần đó con tôi nghe lời, từ đó về sau không nói chuyện trong lớp nữa. Tôi đã đến trường cảm ơn cô giáo…

Xin nhắc lại là tôi hoàn toàn không ủng hộ việc sử dụng đòn roi một cách vô nghĩa, phản giáo dục: giáo viên nổi giận vô cớ, đánh học sinh không vì dạy dỗ mà chỉ là trút cơn giận của mình; hoặc đánh theo kiểu “giận cá chém thớt”; đánh để “dằn mặt” học sinh…

Trước khi trách móc giáo viên, xin hãy tìm hiểu ngọn nguồn; và quý vị phụ huynh hãy nhớ lại cách mà thầy cô đã dạy dỗ chúng ta ngày trước như thế nào, để không quá đặt nặng vấn đề đòn roi trong giáo dục con em chúng ta bây giờ.

Đỗ Văn Nhân

MINH QUÂN