02/11/2024

Quyền trẻ em và nguyên tắc kinh doanh: Vấn đề nóng bỏng và khẩn cấp

Tôn trọng quyền trẻ em trong các hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ giúp doanh nghiệp phát triển bền vững và nâng cao khả năng cạnh tranh của mình…

 
Quyền trẻ em và nguyên tắc kinh doanh: Vấn đề nóng bỏng và khẩn cấp
 
 
 
Tôn trọng quyền trẻ em trong các hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ giúp doanh nghiệp phát triển bền vững và nâng cao khả năng cạnh tranh của mình…







Một số chính sách và hoạt động của doanh nghiệp có thể vô tình gây ra thiệt hại cho trẻ em	 /// Ảnh: Diệp Đức Minh

 

Một số chính sách và hoạt động của doanh nghiệp có thể vô tình gây ra thiệt hại cho trẻ emẢNH: DIỆP ĐỨC MINH

 

Đó là ý kiến được ông Trần Ngọc Liêm, Phó giám đốc Chi nhánh VCCI tại TP.HCM, nhấn mạnh tại hội thảo “Quyền trẻ em và nguyên tắc kinh doanh” do Quỹ nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) tại VN, Phòng Thương mại – Công nghiệp VN (VCCI) phối hợp tổ chức ngày 13.5 tại TP.HCM.
Tổn hại tới lợi ích của trẻ em
Ông Trần Ngọc Liêm cho rằng trẻ em có thể là các công nhân trong những nhà máy và trang trại hoặc các thành viên gia đình của công nhân viên, thành viên trong cộng đồng tại khu vực doanh nghiệp hoạt động. Cũng theo ông Liêm, trên thực tế có những doanh nghiệp đã và đang có những đóng góp nhằm cải thiện cuộc sống trẻ em. Tuy nhiên, vẫn có không ít doanh nghiệp gây ra tác động nghiêm trọng khi coi thường hoặc thậm chí gây tổn hại tới lợi ích của trẻ em, khiến hầu hết trẻ em cảm thấy mình bị quên lãng và không có tiếng nói. Bên cạnh đó, một số chính sách và thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp có thể vô tình gây ra thiệt hại lâu dài, đe dọa sự phát triển, thậm chí sự sống còn của trẻ em.
Ở góc độ khác, ông Jesper Moller, Phó trưởng đại diện UNICEF tại VN, cho rằng việc doanh nghiệp tham gia đối thoại về quyền trẻ em cũng là một “khoản đầu tư”. Ông nêu ví dụ: “Những phụ huynh có con nhỏ đang làm việc trong công ty của bạn và họ đang lo lắng không biết gửi con của mình ở đâu. Nếu như bạn quan tâm và giúp họ tháo gỡ vấn đề này thì phụ huynh đó sẽ yên tâm làm việc và những đứa trẻ đó trong tương lai sẽ trở thành nguồn lực lao động, là nhà đầu tư và cũng là khách hàng của bạn”. Theo ông Moller, đề cập đến quyền trẻ em là nói đến việc bảo vệ trẻ khỏi bị bóc lột và lạm dụng cũng như các vấn đề về quản lý rủi ro cho trẻ…


Cẩm nang quyền trẻ em và các nguyên tắc kinh doanh
UNICEF, Quỹ cứu trợ trẻ em và mạng lưới hiệp ước toàn cầu của Liên Hiệp Quốc đã xây dựng cẩm nang quyền trẻ em và các nguyên tắc kinh doanh. Trong đó có những nguyên tắc: Góp phần xoá bỏ lao động trẻ em trong tất cả các hoạt động kinh doanh và mối quan hệ kinh doanh; Tạo việc làm tốt cho lao động trẻ, cha mẹ và người chăm sóc; Đảm bảo sự bảo vệ và an toàn của trẻ em trong tất cả các hoạt động kinh doanh và cơ sở kinh doanh…


Chuyên gia cao cấp về trách nhiệm xã hội của Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên Hiệp Quốc (UNIDO), ông Florian Beranek đặt vấn đề: “Chúng ta đều muốn tương lai tốt hơn cho con cái, nhưng chúng ta vẫn tiếp tục làm ô nhiễm môi trường và sử dụng cạn kiệt những nguồn lực. Tôi cho rằng, quyền trẻ em và nguyên tắc kinh doanh là vấn đề đang nóng bỏng và rất khẩn cấp ngày nay”.

Đồng quan điểm trên, ông Tomaso Andreatta, Phó chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại VN, cũng nhận định rằng chủ đề này đang được quan tâm và gây tranh cãi trên thế giới. Bởi lẽ, doanh nghiệp thường đấu tranh để có quyền lợi và họ xem trẻ em như là người sử dụng sản phẩm của mình và là nhân công trong tương lai, thậm chí đôi khi là hàng hoá chứ không phải mối quan tâm hàng đầu của họ.
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Tham gia thảo luận nhóm trong hội thảo trên, bà Đặng Thị Kim Tuyên (Công ty VCG) nêu ý kiến: “Lâu nay, người lớn thường xem việc sử dụng lao động trẻ em là bình thường. Đây là vấn đề cần được xem lại vì nó gây nên nhiều hệ lụy”.
Trong hội thảo, UNICEF và một số đối tác đã công bố nghiên cứu “Những phát hiện và khuyến nghị của báo cáo Đánh giá tác động quyền trẻ em trong ngành du lịch và lữ hành được thực hiện ở VN vào năm 2015”. Đây là nghiên cứu được thực hiện tại một số công ty du lịch, khách sạn và tiến hành phỏng vấn hơn 200 người liên quan tại 6 địa điểm trên cả nước (Sa Pa, Hà Nội, Đà Nẵng, Hội An, TP.HCM, Phú Quốc). Nhóm nghiên cứu cho hay không tìm thấy bằng chứng nào về lao động trẻ em trong những công ty và trong các khách sạn 3, 4 và 5 sao tham gia đánh giá. Tuy nhiên, vấn đề lao động trẻ em trong những công ty gia đình và khu vực phi chính thức của ngành du lịch và lữ hành thường ít được quy định chặt chẽ. Đặc biệt, ở một vài địa điểm nghiên cứu có trẻ em (5 tuổi) tham gia bán hàng rong trên phố và trong các hoạt động không chính thức.
Đại diện nhóm nghiên cứu lưu ý về quy định còn bỏ ngỏ (thiếu kiểm tra, thiếu đào tạo kỹ năng…) đối với những người làm trong các dịch vụ chăm sóc trẻ em ở những khách sạn, điểm du lịch nên tiềm ẩn nhiều rủi ro cho trẻ. Tương tự, nhóm cũng cảnh báo về những cách giải thích liên quan đến quy định “người đi cùng trẻ em” ở những hãng hàng không có thể dẫn đến nguy cơ liên quan đến buôn bán và bóc lột tình dục trẻ em…

 

Như Lịch