10/01/2025

Ngang nhiên phá cửa, chiếm giữ nhà ở Sài Gòn

Ông Lê Hồng Trường (39 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) kêu cứu đến Báo Thanh Niên, về việc căn nhà ông mua, chờ ngày cấp sổ hồng, đột nhiên có nhóm người lạ đến phá cửa, chiếm ở.

 

Ngang nhiên phá cửa, chiếm giữ nhà ở Sài Gòn

Ông Lê Hồng Trường (39 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) kêu cứu đến Báo Thanh Niên, về việc căn nhà ông mua, chờ ngày cấp sổ hồng, đột nhiên có nhóm người lạ đến phá cửa, chiếm ở.




Ngang nhiên phá cửa, chiếm giữ nhà ở Sài Gòn

Trong khi đó, chính quyền địa phương lại lúng túng trong cách xử lý.
Ngang nhiên phá cửa, chiếm giữ nhà ở Sài Gòn - ảnh 1

Ngôi nhà ông Trường mua bị người lạ phá cửa, chiếm giữ.ẢNH: CÔNG NGUYÊN

Ông Trường cho biết ngày 23.3, ông đặt cọc và làm hợp đồng mua căn nhà số 449/28/21 Lê Quang Định, P.1, Q.Gò Vấp của ông Chu Minh Tuấn (ngụ Q.Tân Phú, TP.HCM). Ngày 20.4, ông Trường và ông Tuấn ra Phòng Công chứng số 5 (Q.Gò Vấp) để hoàn tất thủ tục công chứng mua bán căn nhà nói trên. Ông Trường đã chuyển gần hết số tiền mua nhà và được ông Tuấn giao chìa khoá nhà (lúc này căn nhà không có người ở và không có tài sản gì bên trong).
Ngày 28.4, ông Trường đến Văn phòng đăng ký đất đai TP.HCM chi nhánh Q.Gò Vấp nộp hồ sơ đăng ký chuyển quyền giấy chứng nhận sử dụng đất và nộp các loại lệ phí theo quy định, cùng ngày cơ quan này ra giấy biên nhận và hẹn trả kết quả cho ông Trường vào ngày 16.5.
Chiếm nhà rồi cố thủ
Tuy nhiên, chiều 28.4, khi không có ai ở căn nhà trên, thì có một phụ nữ (sau này mới biết tên là Phượng) cùng nhiều người lạ đến ngang nhiên phá cửa nhà, rồi mang đồ đạc tới chiếm giữ, ở luôn trong nhà cho đến nay.
Sau khi xem lại các giấy tờ, chứng nhận quyền sử dụng đất của căn nhà này, thì bà Phượng có đầy đủ họ tên là Nguyễn Thị Phượng (52 tuổi, ngụ Q.7), là người chủ đầu tiên đứng tên căn nhà trên. Ngày 21.9.2015, bà Phượng chuyển nhượng căn nhà này cho ông Nguyễn Anh Sơn (có đầy đủ các giấy tờ hợp pháp). Ngày 3.11.2015, ông Sơn chuyển nhượng lại căn nhà này cho ông Chu Minh Tuấn. Sau đó, ông Tuấn làm hợp đồng bán căn nhà này cho ông Trường như nói trên.
Sau khi căn nhà trên bị người lạ chiếm ở, ông Trường đã báo cáo lên chính quyền địa phương. Theo đơn ông Trường gửi đến Báo Thanh Niên, trong buổi chiều 28.4, công an và các đoàn thể UBND P.1 (Q.Gò Vấp) đến căn nhà trên mời các bên liên quan về làm việc.
Khi công an tới thì những người lạ mặt ở trong nhà không chịu mở cửa và cố thủ bên trong. Bà Phượng nói với cơ quan chức năng đây là nhà của bà, trước đây do ông Sơn lừa bà lấy nhà rồi bán cho ông Tuấn (?). Tuy nhiên, bà Phượng không đưa ra bất cứ bằng chứng nào để chứng minh căn nhà này còn liên quan đến bà. “Từ đó cho đến nay những người lạ mặt chuyển tủ lạnh, máy giặt, bàn ghế… vào ở luôn trong nhà”, ông Trường bức xúc.
Trả lời Thanh Niên, ông Nguyễn Hồng Văn, Phó chủ tịch UBND P.1, cho biết ngay khi vụ việc xảy ra, đại diện chính quyền địa phương đến ngôi nhà trên mời ông Trường và bà Phượng về phường để hoà giải. Ngày 29.4, tại Công an P.1, UBND P.1 đã vận động bà Phượng cho người ra khỏi căn nhà 449/28/21 Lê Quang Định nhưng bà Phượng không chấp hành. Bà Phượng không hợp tác với UBND P.1 và vẫn cho người cố thủ bên trong nhà.
UBND P.1 đã vừa gửi văn bản đề nghị cắt điện, nước tại ngôi nhà trên để buộc những người lạ mặt ra khỏi ngôi nhà này, trong khi chờ kết luận của tòa án. Phường chỉ đạo công an phải kiểm tra tạm trú, tạm vắng đối với những người cố thủ trong nhà trên.
Hành vi vi phạm pháp luật
Luật sư Bùi Thới Vinh (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng về mặt pháp lý, căn nhà trên không còn thuộc quyền sở hữu của bà Phượng nữa vì đã được bán cho người khác hợp pháp, việc mua bán cũng đã hoàn tất. Ông Trường là người mua cuối, dù đang chờ được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhưng là người mua hợp pháp nên ông Trường chính là chủ sở hữu thật sự của căn nhà, cần được pháp luật bảo vệ.
Việc bà Phượng cho người lạ tự ý tới phá khoá, chiếm giữ nhà là trái pháp luật, có dấu hiệu của tội “chiếm giữ tài sản trái pháp luật” được quy định tại điều 141 bộ luật Hình sự.
“Về góc độ quản lý của địa phương, khi nhận được đơn của người dân về việc nhà bị phá khoá chiếm giữ như thế thì phải nhanh chóng can thiệp để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người dân. Trong trường hợp này, công an địa phương có quyền yêu cầu hoặc trục xuất bà Phượng và những người lạ chiếm giữ ra khỏi căn nhà đó. Nếu công an, chính quyền địa phương làm ngơ là thiếu trách nhiệm”, luật sư Vinh nói và cho rằng trường hợp giữa bà Phượng với ông Sơn có tranh chấp thì bà Phượng có quyền khởi kiện ông Sơn bằng một vụ án khác để bảo vệ quyền lợi cho mình chứ không được tự ý phá khoá, chiếm nhà của ông Trường như thế được!
Cụ ông 81 tuổi tiếp tục bị côn đồ khủng bố
Ngày 13.5, ông Trần Quang Nghinh (81 tuổi, ngụ hẻm 63 Nguyễn Biểu, P.1, Q.5, TP.HCM), nạn nhân trong bài Giang hồ khủng bố cụ ông 81 tuổi mà Thanh Niên đăng ngày 12.5, đã phản ánh trong các ngày 11, 12 và trưa 13.5, nhiều nhóm người lạ mặt tiếp tục đến nhà ông chửi bới, đập phá, buộc ông phải trả tiền thay con gái ông. Chị D. (con gái ông Nghinh ở gần đó, người không liên quan trong vụ việc) cũng bị nhiều nhóm người lạ đến khủng bố tinh thần, tha thiết: “Mong công an, chính quyền địa phương khẩn cấp có biện pháp bảo vệ bố tôi, vì mỗi khi người lạ tới khủng bố là ông phát điên, không kiểm soát được bản thân. Nếu để kéo dài, rất nguy hiểm cho bố, mẹ tôi!”.
Chiều 13.5, ông Phạm Quốc Huy, Chủ tịch UBND Q.5, thông tin sau khi nhận được phản ánh của ông Nghinh, quận đã chỉ đạo công an quận vào cuộc điều tra; công an khu vực tăng cường tuần tra tại hẻm 63 Nguyễn Biểu để bảo đảm an ninh trật tự tại đây.
Về vụ việc này, luật sư Nguyễn Hiền Hà (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng hành vi của những người đe doạ ông Nghinh đã cấu thành tội đe dọa giết người theo điều 103 bộ luật Hình sự, cần phải được nghiêm trị. Ngoài ra, những hành vi khủng bố tinh thần khác như tạt mắm tôm, sơn, đập bể cửa kính… làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần của nạn nhân, làm xáo trộn cuộc sống của họ cũng cần bị xử lý hành chính.
Cũng theo luật sư Hà, khi nhận được tin báo tố giác của người dân thì cơ quan công an phải tiếp nhận và truy xét ngay, bởi đây là án truy xét, nếu không xử lý kịp rất có thể xảy ra hậu quả đáng tiếc. Trường hợp nạn nhân đã cung cấp được danh tính thủ phạm thì công an phải vào cuộc điều tra ngay, mời những người có liên quan làm việc. Việc tiếp nhận thông tin rồi để đó như trường hợp của ông Nghinh là công an chưa làm hết trách nhiệm, nếu xảy ra hậu quả chết người thì công an phải chịu trách nhiệm.


Công Nguyên – Hải Nam