27/12/2024

Khi mất một nửa cuộc đời

Người ra đi, về một cõi khác nghìn trùng cách biệt. Người ở lại rơi vào cảnh cô đơn, sống trong nỗi đau đớn, nhớ nhung.

 

Khi mất một nửa cuộc đời

 

 

Người ra đi, về một cõi khác nghìn trùng cách biệt. Người ở lại rơi vào cảnh cô đơn, sống trong nỗi đau đớn, nhớ nhung.

 

 

 

 

Chị Hùng cùng mẹ chồng chăm lo cho bữa ăn gia đình - Ảnh: Minh Tâm
Chị Hùng cùng mẹ chồng chăm lo cho bữa ăn gia đình – Ảnh: Minh Tâm

 

 

Tuy nhiên vượt qua những phút khủng hoảng, họ tìm cách vượt qua quãng thời gian đầy khó khăn…

Chao đảo

Đó là nỗi niềm tâm sự của nhiều người khi người đầu ấp tay gối ra đi vĩnh viễn về một cõi khác.

Ông Trần Văn Vạn – 75 tuổi, ngụ P.2, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long – kể 22 tháng sau ngày vợ mất, ông cố gượng lắm mới bớt được chút chao đảo, trở về đời sống bình thường – những nhịp ngày – không vợ…

Những ngày sau khi bà mất, ông trở nên trầm lặng, suốt ngày thẫn thờ, cơm chỉ ăn lửng chén. Tối nào cũng thức đến cạn đêm. Ông nói quên sao được hơn nửa thế kỷ bóng vợ chồng luôn nhập thành một dù đời sống cũng có những lúc khó khăn, va chạm.

Thuở hàn vi nghèo khó, họ mưu sinh bằng đủ nghề từ làm ruộng, đưa đò… Vất vả, cực nhọc mấy, vợ chồng cũng quyết chí nuôi đàn con ăn học, nhờ vậy con cái đều vào đời sống được bằng chữ nghĩa…

Có khoảng thời gian ông thường rơi vào trạng thái dằn vặt tại sao không phát hiện bệnh bà sớm.

Thời còn sống bà rất muốn đi thăm mấy đứa em gái ở tận miền Đông nhưng mỗi khi sắp đi, ông lại bận một chuyện khác… Chuyện nọ kéo chuyện kia, thời gian vùn vụt qua mau khiến ông quên lời hứa. Tính bà đơn giản. Thấy ông bận bịu nên bà cũng thôi.

Hồi tưởng, ông cứ day dứt vì không làm tròn những lời hứa với vợ trong khi cả đời bà chẳng hề ngơi tay góp nhặt từng chút hạnh phúc cho chồng con.

Ông nhớ lại: “Đến phút lâm chung, những lời trăng trối bà cũng chỉ nghĩ đến người thân. Dặn dò tôi lỡ bà có bề gì cũng đừng buồn, phải lo giữ sức khoẻ và các con phải bảo bọc thương yêu nhau”. Những lời cuối đó của bà cứ quay quắt hiện về trong ông…

Chín năm trước, sự ra đi đột ngột của người chồng bảy năm đầu ấp tay gối khiến chị Phan Thị Mạnh Hùng – giáo viên môn văn Trường THCS Trường Long A, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang – rơi vào trạng thái suy sụp. Căn nhà nhỏ vợ chồng chung tay xây cất trở nên trống trải, rộng thênh.

Chị kể nhìn đâu cũng thấy hình bóng của anh. Mỗi khi đi dạy, thấy cặp vợ chồng nào vòng tay ấm êm ngồi chung xe đi làm là lòng chị nhói lên vì nhớ hơi ấm khi tựa người vào tấm lưng vững chãi của chồng. Những khi đang đứng lớp giảng, nhớ anh hai hàng nước mắt chị cứ tuôn thành dòng…

Chị thổ lộ cả hai cùng học chung lớp sư phạm văn khoá 20, ra trường được phân công về dạy chung trường. Tình yêu đến độ chín, họ quyết định gắn nghĩa phu thê. Hạnh phúc tưởng chừng vẫn cứ nối dài ra mãi.

Nhưng nào ngờ. Tối đó vợ chồng bơm nước để sạ lúa, bơm đến 2g khuya, anh bảo chị đi ngủ để anh làm mình ên nhưng không ngờ đêm định mệnh đó anh bị điện giật chết…

Cú sốc về cái chết của người bạn đời khiến chị đau đớn vật vã. Dù không có lỗi trong chuyện này, nhưng chị cứ tự trách mình phải chi đêm đó đừng ngủ chắc có thể cứu vãn được tình thế…

Vượt qua

Cố gắng lấy thăng bằng để làm chỗ dựa cho người thân, thực hiện tiếp những chuyện vợ chồng cùng làm là tâm trạng của những người ở lại.

Chị Hùng kể nỗi đau đớn đến héo người nhưng khi nhìn con trai bước chân vào lớp 1 và mẹ chồng thường ngồi u uẩn, rồi nhớ tới lúc sinh thời vợ chồng bàn chuyện phải dạy dỗ con ăn học thành tài, lo cho mẹ chồng được thảnh thơi tuổi về chiều, vậy là chị cố xốc lại tinh thần.

Mỗi ngày chị dạy con trai học hoặc thủ thỉ kể cho mẹ chồng chuyện ở trường, nấu những món hai bà cháu ưa thích. Chị dồn sức tập trung vào công việc giảng dạy.

Cứ vậy chín năm qua với tâm thế chở che, chăm sóc cho người thân khiến chị chẳng những làm chỗ dựa vững chãi yên bình cho người thân mà còn giúp chị vượt qua nỗi mất mát quá lớn của đời người. Con trai đã cao dỏng thành một nam sinh lớp 8. Mẹ chồng vẫn minh mẫn ở tuổi 88.

Giờ ở tuổi 42, chị từng nghe nhiều người hỏi sao không đi thêm bước nữa? Chị cười nói chị đã thay anh đạt được mục đích mà khi sinh thời anh cố dốc hết sức gầy dựng: cả nhà sống hòa thuận, vui vẻ, an bình. Điều đó khiến chị vẫn thấy bóng anh hiện hữu. Vậy đi bước nữa làm gì!

Riêng ông Vạn, những người con của ông sợ khi thấy cha chìm đắm trong nỗi buồn nên cố tạo cho cha ý nghĩa mới của sự sống bằng cách thường xuyên hỏi han cha về những bài thuốc dân gian ông biết để chữa bệnh trái gió trở trời…

Phần ông để khuây khoả, hằng ngày ông tận tụy chăm sóc mảnh vườn nho nhỏ trồng thuốc nam để hái tặng từ thiện. Rồi ông tặng gạo, hỗ trợ tiền cho cảnh đời nghèo khó. Đó là công việc lúc sinh thời bà rất thích làm. Và cứ mỗi khi làm chuyện gì, ông đều thắp nhang khấn cho bà biết.

Giờ đây, gần hai năm qua kể từ ngày bà mất, ông trầm ngâm chia sẻ: ai cũng xuống sân ga cuối cùng để lên chuyến tàu đến cõi khác. Ở nơi sân ga cuối cùng của đời người, bà sẽ chờ ông để bắt đầu hành trình mới. Vậy thì trong khi chờ gặp bà, để hò hẹn cho chuyến hành trình mới, ông phải sống tốt cho đám con cháu yên lòng…

Nghĩ tới đó, ông cảm thấy bớt sầu bi và đó cũng là lý do cho mỗi buổi sáng ông thức dậy với lòng nhẹ nhàng hơn…

Cần có kế hoạch cho thời gian sắp tới

Khi mất người bạn đời sẽ khiến người ta thường rơi vào tất cả các dạng của những cảm xúc đau khổ, bi thương, thậm chí đến mức không chịu nổi. Tuy nhiên người ở lại vẫn có những cách để vượt qua giai đoạn khó khăn, đau đớn này.

Trước tiên người ở lại phải chăm sóc bản thân ăn ngủ điều độ, bởi nếu chẳng thiết chuyện ăn uống ngủ nghỉ sẽ khiến năng lượng cạn kiệt, dễ rơi sâu vào trầm cảm.

Kế đến, người ở lại phải lên kế hoạch cho từng ngày, từng tháng, từng năm, đồng thời nếu có điều kiện nên tham gia những công việc từ thiện, những chuyến du lịch.

Bên cạnh đó, con cháu, người thân nên động viên, quan tâm, chia sẻ để người ở lại bình tâm lại, trở về nhịp sống bình thường. Nếu cần có thể đến gặp chuyên gia tâm lý.

Thạc sĩ Phan Thị Mai (giảng viên chính bộ môn tâm lý học khoa sư phạm Trường đại học Cần Thơ)

MINH TÂM ([email protected])