Nhật phá thế độc tôn của Trung Quốc

Cuộc đua giành ảnh hưởng tại châu Á giữa Nhật Bản và Trung Quốc đang ngày càng tăng với việc Tokyo liên tiếp tung ra những khoản cho vay trị giá tỉ đô.

 

Nhật phá thế độc tôn của Trung Quốc

 

 

Cuộc đua giành ảnh hưởng tại châu Á giữa Nhật Bản và Trung Quốc đang ngày càng tăng với việc Tokyo liên tiếp tung ra những khoản cho vay trị giá tỉ đô.


 

 


Do hệ thống đường sắt đã xuống cấp, Nhật Bản sẽ cho Ấn Độ vay hàng tỉ USD để xây đường sắt cao tốc đầu tiên - Ảnh: Reuters
Do hệ thống đường sắt đã xuống cấp, Nhật Bản sẽ cho Ấn Độ vay hàng tỉ USD để xây đường sắt cao tốc đầu tiên – Ảnh: Reuters

Hãng tin Reuters cho biết Bangladesh là quốc gia châu Á mới nhất nhận được khoản vay viện trợ phát triển (ODA) 1,11 tỉ USD từ Nhật để đầu tư vào các dự án hạ tầng, sức khoẻ.

Đây là số tiền lớn nhất Nhật cấp cho Bangladesh kể từ năm 1974 và con số có thể chưa dừng lại. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe từng hứa sẽ giúp đỡ Bangladesh đến 5,1 tỉ USD trong 4-5 năm tới.

Một ngày trước khi đại sứ Nhật ký kết thoả thuận với Bộ Tài chính Bangladesh, Tokyo cũng đã chính thức “hất” nhà thầu Trung Quốc ra khỏi dự án đường sắt cao tốc tại Ấn Độ với bản hợp đồng 15 tỉ USD.

Tuy xuất phát sau, những nỗ lực này cho thấy Nhật đang chạy nước rút với Trung Quốc trong cuộc đua giành “quyền lực mềm” tại châu Á.

Thông điệp là: chúng tôi không muốn Trung Quốc độc tôn tại châu Á và chúng tôi sẽ hợp tác với nhau để tạo nên một châu Á đa cực

SREERAM CHAULIA (viện trưởng Trường Quan hệ quốc tế tại thành phố New Delhi)

Vì một châu Á đa cực

Sự kiện hợp tác Nhật – Ấn được truyền thông thế giới đón bắt khá nhanh chóng bởi quy mô và tầm quan trọng của nó. Báo Wall Street Journal đề cập ngay đến bối cảnh các nước châu Á tìm kiếm đồng minh để đối trọng sự trỗi dậy hung hăng của Trung Quốc trong khu vực.

Trong khi đó, tờ Bloomberg nhận định việc chia sẻ các mục tiêu phát triển và mối lo chung về chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc đã kéo Tokyo – New Delhi xích lại gần nhau.

“Bản hợp đồng 15 tỉ USD chốt lại ba năm đàm phán, phản ánh mối quan hệ ngày càng sâu sắc giữa Ấn Độ và Nhật cũng như mối thâm giao giữa Thủ tướng Narendra Modi và ông Abe”, Hãng tin Bloomberg viết.

“Không có người bạn nào có ý nghĩa hơn trong việc hiện thực hóa giấc mơ kinh tế của Ấn Độ hơn Nhật Bản” – Thủ tướng Modi ca ngợi trong buổi họp báo chung với ông Abe.

Tuyến đường sắt cao tốc dài 505km đầu tiên của Ấn sẽ kết nối thủ phủ tài chính Mumbai với Ahmedabad, một trung tâm kinh tế công nghiệp ở bang Gujarat – quê hương ông Modi.

Nhật cam kết cho Ấn Độ vay 12 tỉ USD trong vòng 50 năm với lãi suất chỉ 0,1% đi kèm 10 năm miễn thanh toán. Ngoài ra, ông Modi và Abe còn ký hàng loạt văn kiện hợp tác trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân, chuyển giao công nghệ và thiết bị quốc phòng…

Giới quan sát so sánh thương vụ này là bàn gỡ tỉ số sau khi Nhật thua Trung Quốc trong gói thầu đường sắt 5 tỉ USD tại Indonesia hồi tháng 10 vừa qua.

“Thông điệp là: chúng tôi không muốn Trung Quốc độc tôn tại châu Á và chúng tôi sẽ hợp tác với nhau để tạo nên một châu Á đa cực” – Sreeram Chaulia, viện trưởng Trường Quan hệ quốc tế tại thành phố New Delhi, đúc kết chuyến thăm của thủ tướng Nhật đến Ấn Độ.

Liên minh Tokyo – New Delhi nhấn mạnh một mối quan hệ hai bên cùng có lợi: Ấn Độ cần cải thiện hạ tầng và sản xuất công nghiệp, các doanh nghiệp Nhật cần một nền kinh tế phát triển nhanh để làm ăn.

Một thuận lợi khác là lịch sử quan hệ hai nước vắng bóng tranh chấp vốn thường thấy ở nhiều quốc gia láng giềng, nếu không muốn nói có sự gần gũi nhờ từng có “kẻ thù chung” là thực dân Anh.

Trung Quốc cay cú

Trung Quốc trước đó đã tiến hành vận động mạnh mẽ cho dự án Mumbai – Ahmedabad sau khi ký một thoả thuận với Thủ tướng Ấn Độ Modi về hợp tác trong lĩnh vực đường sắt.

Khi được hỏi về khả năng Trung Quốc thua gói thầu do khoản vay quá đắt đỏ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh nói rằng “muốn hợp tác với ai là quyền của Ấn Độ”. Nhưng có lẽ thua vào tay người Nhật là điều đầu tiên Bắc Kinh muốn tránh.

Theo báo India Today, Bắc Kinh đầu tuần này lên tiếng cảnh báo Ấn Độ và Nhật Bản về hành vi “kích động đối đầu” và “gây căng thẳng” trong khu vực.

Lời cáo buộc này liên quan đến quyết định kết nạp chính thức Nhật vào cuộc tập trận hải quân thường niên Malabar trên Ấn Độ Dương (gồm Ấn Độ và Mỹ).

Trong khi Bắc Kinh hồi tháng 10 hạ thấp sự hiện diện của Nhật trong cuộc tập trận với tuyên bố Trung Quốc “không quá yếu ớt đến thế”, rồi thì nước này có “mối quan hệ tốt” với cả Ấn Độ và Mỹ, nhưng đến tuần này thì Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại trở giọng khác.

“Liên quan đến sự tham gia của Nhật vào các cuộc tập trận quân sự, quan điểm của Trung Quốc rất rõ ràng. Các nước có liên quan không được kích động đối đầu và gây căng thẳng trong khu vực” – người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đe doạ.

Tương lai đầu tư tốt đẹp

Dù vẫn còn thua về kim ngạch thương mại, Nhật đã vượt mặt Trung Quốc về cam kết đầu tư cho Ấn Độ. Tokyo hứa chi đến 29 tỉ USD cho các khoản vay hạ tầng, cấp vốn, đầu tư công, tư nhân…

Chính quyền Thủ tướng Modi đã thiết lập một văn phòng hợp tác đầu tư với Nhật, hai nhà lãnh đạo từng tuyên bố sẽ tăng gấp đôi đầu tư trực tiếp trong năm năm.

“Trong tất cả các lĩnh vực chỉ trừ quốc phòng, hợp tác Ấn – Nhật đang ở mức chưa từng có” – nhà phân tích Sasha Riser-Kositsky của Eurasia Group nhận xét.

 


MINH TRUNG