16/01/2025

Cô đơn ngay trong nhà mình

Tình trạng tội phạm vị thành niên ngày càng tăng, đang ở mức báo động và ngày càng trẻ hoá.

 TỘI PHẠM VỊ THÀNH NIÊN:

Cô đơn ngay trong nhà mình

 

Tình trạng tội phạm vị thành niên ngày càng tăng, đang ở mức báo động và ngày càng trẻ hoá. 




Trung tá, tiến sĩ Trần Chiến Thắng (Trường ĐH Cảnh sát nhân dân): “70 - 80% trẻ phạm tội có gia đình “có vấn đề”, không quan tâm đến con cái” - Ảnh: K.A.
Trung tá, tiến sĩ Trần Chiến Thắng (Trường ĐH Cảnh sát nhân dân): “70 – 80% trẻ phạm tội có gia đình “có vấn đề”, không quan tâm đến con cái” – Ảnh: K.A.

Thông tin này được đưa ra tại hội thảo khoa học “Tội phạm vị thành niên, vấn đề bạo lực học đường – thực trạng và giải pháp” do Viện Nghiên cứu phát triển bồi dưỡng tài năng trẻ thuộc Trung ương Hội Tâm lý giáo dục VN tổ chức tại TP.HCM sáng 8-11.

Đại tá, thạc sĩ Nguyễn Duy Chính (trưởng bộ môn pháp luật Trường CĐ Cảnh sát nhân dân II, Bộ Công an) nhận định: “Tình hình tội phạm do người chưa thành niên gây ra trong thời gian tới sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội ngày càng tăng với nhiều loại tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, có chiều hướng gia tăng cả về số vụ, số đối tượng và đặc biệt là ngày càng trẻ hóa về độ tuổi.”

Theo số liệu của Công an TP.HCM, từ năm 2011 đến sáu tháng đầu năm 2015 trên địa bàn TP số vụ phạm tội do người chưa thành niên gây ra hơn 3.200 vụ (chiếm 12,6%), bắt giữ hơn 5.100 đối tượng (chiếm 22,8% số đối tượng phạm tội bị bắt giữ). Các loại tội phạm do người chưa thành niên gây ra như: trộm cắp tài sản (31,8%), cướp giật tài sản (31,8%), cố ý gây thương tích (6,8%), giết người (3,7%)…”.

“Tôi biết câu chuyện có hai vợ chồng đều là thạc sĩ nhưng cậu con trai học lớp 4 chuyên tổ chức ăn cắp trong trường. Khi nhà trường mời gia đình lên để cùng phối hợp giáo dục đứa trẻ thì ông bố đã dùng bạo lực tinh thần ngay với con mình. Chính vì thế, việc quan tâm đến con không phải chỉ bù đắp về vật chất mà phải gần gũi về mọi mặt

Anh Trần Anh Tuấn (một phụ huynh)

“Chỉ vì thấy mấy đứa bạn hay chửi gia đình em nên em thủ sẵn hung khí, gặp chuyện là em đánh lại. Không may lần đó em đánh bạn phải nhập viện, em thì bị cải tạo hơn hai tháng

Bạn H.T.T. (15 tuổi, Q.Bình Thạnh)

Phần lớn có gia cảnh trung bình

Ông Lê Sơn, thành viên Trung ương Hội Tâm lý giáo dục VN, cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường nhưng thực tế trẻ em hiện nay ngày càng bị cô đơn ngay chính trong ngôi nhà mình. Cha mẹ ít có thời gian gần gũi, trẻ chơi game nhiều hơn, tìm vui ở các dịch vụ trên mạng Internet, trẻ dễ bị vô cảm, sống ích kỷ hơn và đặc biệt là thiếu kỹ năng xây dựng tình bạn. Từ thiếu kỹ năng đó, trẻ dễ gây gổ đánh nhau và hơn hết là hung hăng với bè bạn.

Trung tá, tiến sĩ Trần Chiến Thắng – phó trưởng khoa nghiệp vụ cảnh sát vũ trang Trường ĐH Cảnh sát nhân dân, từng nghiên cứu dấu hiệu tiền phạm tội của người chưa thành niên – cho biết trong năm năm qua (2010 – 2014), qua nghiên cứu hơn 5.100 người chưa thành niên phạm tội có các biểu hiện sau: về cảm nhận của các em trong gia đình: có hạnh phúc 41,48%, gia đình hạnh phúc bình thường 45,51%, gia đình không hạnh phúc 13,01%.

Về hoàn cảnh kinh tế: các em sống trong gia đình giàu có, khá giả 14,56%, trung bình 63,92%, gia đình nghèo khó và rất nghèo là hơn 21%. Riêng về hoàn cảnh sống cùng cha mẹ là 57,4%, còn lại là sống với cha hoặc với mẹ và người thân khác như ông bà, cô dì, chú bác…

“Có đến 96,7% các em kết bạn với thành phần bất hảo và đối tượng lớn tuổi hơn, khả năng bị lôi kéo vào con đường phạm tội là rất cao. Các em đa số đều có biểu hiện hỗn láo với ông bà, cha mẹ và thầy cô. Hơn 60% đều có chơi game bạo lực” – TS Thắng cho biết thêm.

Theo giảng viên cao cấp Tô Văn Giai – nguyên phó giám đốc Trường Tuyên huấn trung ương II, tình hình tội phạm vị thành niên cũng như vấn nạn bạo lực học đường hiện nay tuy chỉ là bộ phận nhỏ thanh thiếu niên chậm tiến nhưng lại là vấn nạn nhức nhối của toàn xã hội.

Đồng tình với ý kiến trên, TS Trương Hoàng Lệ (Học viện Chính trị khu vực II) cho rằng: “Những năm qua, tình trạng giới trẻ sống buông thả, không coi trọng các giá trị đạo đức đang diễn ra ở nhiều nơi. Số liệu thống kê cho thấy tội phạm do trẻ vị thành niên gây ra gần như không thiếu bất kỳ tội danh nào. Riêng về bạo lực học đường, các em không chỉ đánh nhau theo kiểu bồng bột lứa tuổi học trò mà còn hung hăng hơn và đánh cả thầy cô giáo…”.

Làm gương và cười

Ông Tô Văn Giai khẳng định: “Giải pháp để ngăn chặn tội phạm vị thành niên và bạo lực học đường không phải chỉ riêng gì ngành công an hay giáo dục. Gia đình phải là “pháo đài” vững chắc số 1 trong việc giáo dục và ngăn chặn xảy ra tội phạm vị thành niên. “Pháo đài” nhà trường cần giáo dục đạo đức, dạy cách học làm người quan trọng hơn là nhồi nhét kiến thức. Bên cạnh đó cần tạo môi trường xã hội lành mạnh và trách nhiệm của thế hệ đi trước, người già phải nêu gương cho lớp trẻ. Không thể nói lớp trẻ phải tốt lên trong khi người lớn lại có những hành động xấu”.

Ông Lê Ngọc Lâm – nguyên giảng viên Trường trung học Sư phạm Bến Tre, có thời gian định cư tại Nhật Bản hơn 20 năm – chia sẻ: “Ở Nhật Bản họ chú trọng giáo dục lòng nhân ái ngay từ nhỏ. Tính kỷ luật trong gia đình và nhà trường rất cao nên đứa trẻ được lớn lên trong môi trường đó sẽ hạn chế tính ích kỷ, hung hăng. Họ biết nếu người lớn làm việc xấu thì trẻ sẽ học thói xấu, do vậy tính nêu gương của người lớn ở đất nước Nhật Bản được đề cao”.

Ông Huỳnh Công Minh, nguyên giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, phát biểu tại hội thảo: “Chúng ta kiến nghị nên đưa vào Luật hôn nhân gia đình việc nhất thiết các bạn trẻ trước khi kết hôn phải tham gia các lớp tiền hôn nhân để biết cách chung sống hoà thuận và nuôi dạy con cái. Vấn đề quan tâm, giáo dục trẻ không chỉ nhà trường mà phải bắt nguồn từ gia đình. Khi còn làm công tác quản lý giáo dục, tôi vẫn kêu gọi đội ngũ nhà giáo hãy giáo dục học sinh bằng nụ cười. Nếu trẻ có chút ít tiến bộ cũng cần được khen, trao cho các em một nụ cười, từ đó trẻ sẽ lớn lên trong tình yêu thương, giảm bớt tình trạng bạo lực từ gia đình đến trường học”.

Đại tá, thạc sĩ Nguyễn Duy Chính đưa ra nhiều giải pháp, tuy nhiên giải pháp đầu tiên vẫn là việc phát huy vai trò của gia đình: “Cha mẹ và các thành viên trong gia đình phải thật sự gương mẫu về đạo đức, tác phong, gia đình lành mạnh, hoà thuận, mọi thành viên luôn quan tâm, thương yêu, tôn trọng và chia sẻ nhau. Không nên để trẻ thiếu thốn tình cảm, sự quan tâm, chăm sóc hoặc quá cứng rắn một cách thái quá khiến trẻ bị ức chế tâm lý, mất niềm tin…”.

TS Trần Chiến Thắng cho rằng: “70 – 80% trẻ phạm tội có gia đình “có vấn đề”, không quan tâm đến con cái. Có những cháu biểu hiện đua đòi, xin tiền nhiều để tiêu xài, nói dối có hệ thống… đều rất dễ dẫn đến hành vi phạm pháp. Chính vì thế cần phải xây dựng nền tảng gia đình thật sự bền vững, hạnh phúc, có trách nhiệm nuôi dạy con cái”.

* Luật sư Vũ Quang Đức (Đoàn luật sư TP.HCM):

Thật sự hiện nay, đối tượng gây án và bị hại nằm trong lứa tuổi học sinh rất nhiều, ngày càng nguy hiểm và gia tăng chứ không giảm bớt.

Hoàn cảnh gia đình ảnh hưởng nhiều. Trước đây là chuyện gia cảnh nghèo khó nhưng sau này cũng có nhiều em hoàn cảnh khá giả nhưng cha mẹ lo kiếm sống, không có nhiều thời gian để trò chuyện với con cái. Khi xảy ra vấn đề, trẻ con nghĩ mình tự giải quyết chứ không nghĩ tới hậu quả về sau… Khi bức xúc không thể giải quyết bằng cách khác nên giải quyết bằng bạo lực.

Trong lứa tuổi học sinh, xảy ra bạo lực thì trách nhiệm thuộc về cả gia đình và nhà trường, nhưng gia đình nhiều hơn, bởi các cháu tới trường để đi học, mà đến trường học kiến thức chứ ít học đạo đức và ứng xử, hai điều này thì phải là gia đình dạy.

* Luật sư Nguyễn Thị Hồng Liên (Đoàn luật sư TP.HCM):

Thực tế hiện nay cho thấy nguồn gốc của mọi vi phạm của trẻ em đều liên quan đến vấn đề bạo lực học đường và giáo dục học đường. Tôi cảm thấy hiện nay việc giáo dục ở các trường cần phải cải sửa nhiều. Bây giờ, tôi thấy đôi khi học sinh có lỗi nhưng các thầy cô cũng không dám có ý kiến gì bởi những đứa trẻ ấy được cha mẹ chiều chuộng quá, lại có học sinh có cha mẹ giàu nên trẻ con có tư duy coi trọng vật chất, đến trường thấy thầy cô nghèo hơn thì coi thường. Chính từ đó sinh ra những đứa trẻ kiêu ngạo, coi mình là trên hết, trẻ không coi thầy cô ra gì. 

HOÀNG ĐIỆP ghi