Quyền im lặng: số đông ủng hộ dù có băn khoăn
Người bị bắt, bị tạm giữ; bị can, bị cáo có quyền “trình bày lời khai, đưa ra ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”.
Quyền im lặng: số đông ủng hộ dù có băn khoăn
Người bị bắt, bị tạm giữ; bị can, bị cáo có quyền “trình bày lời khai, đưa ra ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”.
Đại biểu Đỗ Kim Tuyến (đoàn Hà Nội) – Ảnh: V.D. |
Đây là quan điểm của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, được Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện nêu trong bản giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) tại phiên thảo luận ở Quốc hội ngày 6-11.
Ông Hiện khẳng định đây là ý kiến của đa số đại biểu góp ý tại kỳ họp trước. Tuy nhiên tại phiên thảo luận lần này, một số đại biểu trong ngành công an vẫn bảo vệ quan điểm không đồng tình về “quyền im lặng”.
Lập luận “bị can im lặng không gỡ được án”
Đại biểu, trung tướng Đỗ Kim Tuyến – phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, Bộ Công an – cho biết: trong hàng ngàn vụ án ma tuý đã được triệt phá, bên cạnh công tác điều tra thì có phần quan trọng từ lời khai của các bị can.
Tướng Tuyến nói: các vụ án lớn xảy ra trong thời gian qua nếu các bị can im lặng thì không thể tìm ra hung khí, không thể biết được đối tượng liên quan, “vì chỉ duy nhất mình bị can biết được sự thật”.
Ông cho rằng phải coi trọng lời khai của người phạm tội, nhân chứng, bị hại. Ngay ở các nước có hệ thống pháp luật tiên tiến cũng gặp vướng mắc vấn đề “quyền im lặng”. “Chính vì vậy tôi đề nghị cân nhắc chế định này” – ông Tuyến nói.
Cùng quan điểm với đồng nghiệp, đại tá Phạm Trường Dân – phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam – bày tỏ: “Tôi tiếp tục đề nghị vẫn giữ quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo như quy định trong Bộ luật tố tụng hiện hành. Không quy định “không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình, hoặc buộc phải nhận mình có tội”.
Giải thích quan điểm, đại biểu Phạm Trường Dân cho rằng nếu quy định như dự thảo sẽ gây khó khăn cho công tác điều tra, ảnh hưởng đến công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, nhất là đấu tranh đối với các vụ án đặc biệt nghiêm trọng như âm mưu lật đổ chính quyền, khủng bố, bạo loạn.
“Nếu kẻ cầm đầu bị bắt mà im lặng thì làm sao tháo kịp ngòi nổ, truy bắt đồng phạm, thu hồi vũ khí, ngăn chặn hậu quả? Nếu là tội phạm tham nhũng mà im lặng thì làm sao kịp thời thu thập chứng cứ, truy thu tài sản cho Nhà nước?
Nếu là tội phạm giết người, cướp của mà im lặng thì làm sao truy tìm tang vật vụ án, đồng phạm để giải quyết kịp thời vụ án, đem lại sự bình yên cho nhân dân? Tôi đề nghị cần cân nhắc kỹ hơn” – đại biểu Phạm Trường Dân đề nghị.
Lo quá tải ghi âm, ghi hình
Đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh, phó chánh án TAND TP.HCM, nói ông đồng ý việc bắt buộc ghi âm, ghi hình trong hỏi cung các bị can. Song, bản thân ông vẫn còn phân vân. Đó là: chỉ mỗi lần hỏi cung là một lần phải ghi âm, ghi hình hay chỉ ghi âm, ghi hình một lần khi cần thiết?
“Nếu mỗi lần hỏi cung đều ghi âm, ghi hình thì liệu có khả thi hay không? Vì thực tế hiện nay cho thấy một vụ án đối với một bị can phạm tội quả tang hoặc đơn giản, rõ ràng nhưng việc điều tra, hỏi cung ít nhất cũng phải tiến hành năm bản cung.
Từ biên bản theo dõi quả tang cho đến bản phúc cung cuối cùng của viện kiểm sát và mỗi lần hỏi cung ghi ít nhất bốn trang giấy, hết một tiếng đồng hồ. Có nghĩa là ít nhất phải năm tiếng ghi băng ghi hình. Như vậy dữ liệu này bảo quản như thế nào?” – đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh hỏi.
Đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cũng cho rằng không nên quá lệ thuộc vào băng ghi âm, ghi hình để chống bức cung, nhục hình. Theo ông, việc bức cung, nhục hình thời gian qua chủ yếu do năng lực, trình độ, phẩm chất, đạo đức của điều tra viên.
Do vậy, để hạn chế tình trạng này thì điều quan trọng vẫn là giáo dục phẩm chất đạo đức, tăng cường thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu.
Đại biểu Xuyền đề nghị quy định chỉ ghi âm, ghi hình trong những trường hợp bị can kêu oan ngay từ đầu, bị can có đơn tố cáo bức cung, nhục hình; bị can bị điều tra truy tố về tội có khung hình phạt cao nhất là chung thân, tử hình và bị can trong vụ án có hội đồng xét xử huỷ án để điều tra lại.
Quy định chặt để tránh lạm dụng
Biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt được quy định gồm: ghi âm, ghi hình bí mật; nghe điện thoại bí mật; thu thập bí mật dữ liệu điện tử được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đồng ý áp dụng kể từ khi khởi tố vụ án, trong một số vụ án đặc biệt.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Doãn Khánh (Phú Thọ) đề nghị phải cân nhắc áp dụng biện pháp này với người tố giác tội phạm và người bị hại theo đề nghị của chính họ vì hoạt động này còn liên quan đến những người khác.
Lý do, theo đại biểu Khánh, là vì cơ quan tố tụng không bao giờ tách được những người này ra khỏi hoạt động chung của xã hội.
“Ví dụ, cơ quan tố tụng theo dõi việc bí mật, nghe họ trao đổi trên mạng và trao đổi qua điện thoại thì không phải một mình người bị hại hoặc người tố giác tự nói chuyện với chính họ mà còn liên quan đến người khác. Hay khi họ tham gia hoạt động cộng đồng mà xung quanh họ còn rất nhiều người khác” – đại biểu Nguyễn Doãn Khánh nói.
Trong trường hợp này, theo ông Khánh, những người khác vô tình giao dịch và nằm trong không gian bị theo dõi, dù không tự nguyện nhưng cũng bị thực hiện các biện pháp áp dụng tố tụng đặc biệt này “là không phù hợp”.
“Cần quy định chặt chẽ thủ tục, thẩm quyền quyết định và giám sát việc thực hiện các biện pháp nghiệp vụ. Quy định rõ thời gian và số lần cho phép gia hạn tối đa (để tránh lạm dụng – PV)” – đại biểu Nguyễn Doãn Khánh đề nghị.
Nêu quan điểm về vấn đề này, đại biểu Bùi Văn Xuyền cũng đề nghị nên thu hẹp đối tượng áp dụng để tránh việc bị lợi dụng, xâm phạm đến quyền con người, quyền công dân. Ông Xuyền cho rằng TAND tối cao và Viện KSND tối cao cần có hướng dẫn thêm những nội dung này.
“Đồng thời phải áp dụng ngay từ khi nhận tin báo tố giác tội phạm để đảm bảo tình hình kịp thời” – đại biểu Bùi Văn Xuyền nói.
“Giấy phép con” cho quyền bào chữa Đại biểu Nguyễn Doãn Khánh phân tích việc bỏ giấy chứng nhận bào chữa để thực hiện chế định về đăng ký bào chữa là điểm tiến bộ. Tuy nhiên luật lại quy định thêm “giấy đăng ký bào chữa” thì thực chất cũng không khác gì giấy chứng nhận bào chữa. Theo ông, như vậy là chưa thể hiện đầy đủ tinh thần cải cách tư pháp, chưa tạo điều kiện thông thoáng cho luật sư tham gia bào chữa. Ông cho rằng việc này như tạo ra giấy phép con. |
Ai kiểm soát tin tố giác tội phạm? Đại biểu Trần Đình Sơn, viện trưởng Viện KSND tỉnh Đắk Lắk, cho biết chỉ trong sáu tháng đầu năm nay, qua kiểm tra trên địa bàn tám xã, thị trấn của Đắk Lắk đã phát hiện tám tin báo có dấu hiệu tội phạm được công an xã, thị trấn để lại… xử lý hành chính và dân sự. “Tại Đắk Lắk chỉ kiểm tra tám xã mà đã vậy thì toàn quốc là bao nhiêu xã? Lọt tội phạm rất nhiều, lọt cả tội phạm nghiêm trọng và rất nghiêm trọng” – ông Sơn cảnh báo. Ông Sơn cho rằng nguyên nhân do luật không quy định giao cho cơ quan nào có trách nhiệm kiểm tra, giám sát hoạt động tiếp nhận giải quyết tin báo tố giác về tội phạm của công an cấp xã, đã tạo ra khoảng trống pháp lý, là nguyên nhân của bỏ lọt tội phạm. Ông Sơn đề nghị bổ sung vào luật việc cho công an cấp xã tiếp nhận, kiểm tra xác minh sơ bộ về tin báo tố giác tội phạm, thu thập vật chứng tội phạm… Quy định rõ trong thời hạn bao nhiêu ngày, bao nhiêu giờ phải chuyển cơ quan điều tra chuyên trách. Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm của viện kiểm sát trong việc kiểm sát trong tiếp nhận tin báo tố giác về tội phạm của công an cấp xã để tránh bỏ lọt tội phạm. |