10/01/2025

Con lớn khôn bay tới những chân trời

“Mẹ, con đi du học, mẹ có tiền cho con đi không?!”. “Không!”. Tôi đáp ngay, không chút đắn đo. Con gái tôi không nói gì thêm, chú tâm vào quyển sách tiếng Anh.

 

Con lớn khôn bay tới những chân trời

 

“Mẹ, con đi du học, mẹ có tiền cho con đi không?!”. “Không!”. Tôi đáp ngay, không chút đắn đo. Con gái tôi không nói gì thêm, chú tâm vào quyển sách tiếng Anh. 




Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần
Minh hoạ: Nguyễn Ngọc Thuần

Lặng người một lúc, tôi nói: “Nếu con có học bổng, chỉ đóng phần nào, mẹ ráng được”.

Từ hôm đó, con gái không nói về chuyện này. Trong sự im lặng, tôi thầm cảm ơn con gái đã hiểu và chia sẻ với mẹ gánh nặng tài chính trên đôi vai của một bà mẹ nuôi hai con tuổi đang lớn, với đồng lương bèo bọt, những khoản nhuận bút còm cõi. Tôi đâu hay con gái âm thầm nuôi giấc mơ du học, âm thầm dự tuyển.

Cơ duyên du học

Sau này tôi mới được biết, vào tháng 11-2004, sinh viên Trần Tuấn An, sinh năm 1992, từng giành nhiều giải thưởng âm nhạc tại Mỹ, đang theo học chương trình thạc sĩ âm nhạc tại Đại học Yale danh giá, đã thuyết phục được hai giáo sư từng dạy mình là Julie Goldberg và Tom Zelle, đại diện cho Đại học North Park (Mỹ) tới Việt Nam để truyền thụ kiến thức và tìm kiếm tài năng tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam và Nhạc viện TP.HCM.

Nhìn thấy tấm bảng thông báo tuyển sinh của Đại học North Park dán nơi góc nhỏ ở Nhạc viện TP.HCM, con gái đăng ký dự tuyển và không ngờ mình được chọn.

Chỉ trong thời gian ngắn, con gái tất bật với những giấy tờ, thủ tục du học, hoàn tất thi IELTS, SAT…, như tâm sự trong lời tri ân của con gái gửi đến thầy cô, bạn bè trước ngày bay sang Mỹ:

Đi du học thật sự là quyết định bất ngờ. Tự dưng cơ hội đến, chụp lấy và bay thôi. Mình không có sự chuẩn bị hay kế hoạch lâu dài chu đáo như một số bạn bè, những người đã sớm lập chiến lược du học từ nhiều năm trước. Sự bất ngờ, vội vã đã khiến mình quay cuồng như một con thoi trong suốt mấy tháng ròng rã.

Hôm nay tạm thong dong, mình muốn bước đi chậm lại để nghĩ về những người cần cảm ơn. Cảm ơn ba mẹ và gia đình đã luôn cổ vũ, động viên con, hỗ trợ con hết sức về cả vật chất lẫn tinh thần. Gia đình luôn là chỗ dựa vững chắc để con vượt qua mọi khó khăn, là nơi con cảm thấy bình yên nhất, bất kể con có bay đi xa tới đâu.

Cảm ơn các thầy cô đã dìu dắt con, từ mẫu giáo cho tới đại học. Cảm ơn những cô mẫu giáo đã sớm phát hiện bản tính cô đơn và ương bướng của con, nhanh chóng can thiệp và giúp con trở thành một đứa trẻ có tâm lý bình thường.

Cảm ơn những thầy cô tiểu học, trung học dạy con nhiều điều và luôn động viên, khen ngợi con. Con cũng hết sức cảm ơn thầy cô ở Nhạc viện TP.HCM vì cho con một nền tảng kiến thức. Cảm ơn những người bạn hết sức dễ thương…

Mấy dòng ngắn ngủi không đủ kể hết tên những người mình mang ơn trong đời. Ai sinh ra cũng mang bao nhiêu món nợ phải trả. Những gì mình có thể làm trước mắt là tận hưởng niềm vui với những ai đang ở bên mình, và nhờ mây trời gửi lời chúc phúc cho những ai không thể cùng mình đi tiếp những đoạn đường tiếp theo”.

Vào đời

Ngày tiễn con ra phi trường cũng là lúc tôi hiểu con mình vào đời, như chim non rời tổ để bay đi. Thế giới rộng lớn, bao la, có biết bao điều cần khám phá ở phía trước, cả bão giông mà đôi cánh con tôi quá non nớt. Con gái tôi bé nhỏ giữa một rừng thủ tục.

Tôi choáng váng khi con gái gọi điện báo tin trục trặc, rằng I- 20 (giấy chứng nhận của trường đại học xin nhập học) gửi qua nhầm ngày sinh. Tôi nhói lòng với sự bất lực của mình. Lúc này, con gái phải tự giải quyết những vấn đề của nó. Con gái gọi điện về trường. Rủi thay, hôm ấy là tối ở Việt Nam. Điện thoại người phụ trách tuyển sinh bên Mỹ không trả lời.

Tôi gọi điện cho con: “Đi không được thì về thôi con!”. Tôi định gọi taxi đưa con về, thà đổi vé máy bay, chờ I-20 điều chỉnh gửi sang.

23g, chợt con gái reo lên: “Con liên lạc được với trường rồi”. Nhân viên sân bay linh động cho con gái làm thủ tục gửi hành lý. Từng thời khắc trôi qua. Ôi, chưa bao giờ tôi mong kim đồng hồ chậm lại như lúc này! 23g40, máy bay sẽ cất cánh. “Mẹ ơi, trường gửi email rồi!”. Con gái vội vã thông báo.

Trong lúc nhân viên hải quan cẩn trọng xem xét từng giấy tờ liên quan xuất cảnh thì lòng tôi như có lửa đốt. Con gái là người cuối cùng lên máy bay. Lúc ấy là 23g35. Con đi vội vã, không kịp một lời giã từ, một cái vẫy tay!

Xa con là điều khó khăn nhất

Con gái đi rồi, tôi mới đi nâng cấp điện thoại để vào các trang mạng như Viber, Zalo… gọi điện miễn phí. Mỗi ngày, tôi nói chuyện với con. Có bao nỗi lo của người mẹ…

Con gái trấn an mẹ: “Con ở đây rất tốt, mẹ đừng lo nha. Con học được điểm tốt, có điều bài vở nhiều lắm”. Tôi trách con: “Con gặp nhiều khó khăn nhưng giấu mẹ, phải không?!”.

Con gái nhắn lại: “Con biết mẹ muốn tốt cho con, mẹ lo lắng cho con nhiều. Chỉ là mỗi thế hệ có mỗi vấn đề riêng. Kinh nghiệm của người đi trước dù quý giá nhưng chỉ để tham khảo, mẹ không ở trong hoàn cảnh của con, không gặp những điều con đang gặp. Mà trong mắt mẹ, con lúc nào cũng dại dột, nên con nghĩ để mẹ thấy con trưởng thành thì tốt nhất con không nên nói nhiều về khó khăn nếu chuyện đó con chịu đựng được!”.

Tôi gửi cho con: “Xa con là điều khó khăn nhất của mẹ. Nhưng vì tương lai con, mẹ đã làm được, như bà ngoại ngày xưa, đã cắn răng cho mẹ bay đi, mẹ mới được trưởng thành như hôm nay!”. Tôi nghe mắt mình cay…

“Xa con là điều khó khăn nhất của mẹ. Nhưng vì tương lai con, mẹ đã làm được, như bà ngoại ngày xưa, đã cắn răng cho mẹ bay đi, mẹ mới được trưởng thành như hôm nay!

TRẦM HƯƠNG