10/01/2025

Bảo hiểm hưu trí bổ sung khó khả thi

Bộ LĐ-TB-XH đang xây dựng khung pháp lý để triển khai Quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung với kỳ vọng sẽ giúp người lao động nâng cao cuộc sống khi về hưu và là giải pháp giúp doanh nghiệp giữ chân người tài, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng việc triển khai khó khả thi.

 

Bảo hiểm hưu trí bổ sung khó khả thi

 

 

Bộ LĐ-TB-XH đang xây dựng khung pháp lý để triển khai Quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung với kỳ vọng sẽ giúp người lao động nâng cao cuộc sống khi về hưu và là giải pháp giúp doanh nghiệp giữ chân người tài, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng việc triển khai khó khả thi.




Bảo hiểm hưu trí bổ sung sẽ giúp người nghỉ hưu có cuộc sống ổn định - Ảnh: Ngọc ThắngBảo hiểm hưu trí bổ sung sẽ giúp người nghỉ hưu có cuộc sống ổn định – Ảnh: Ngọc Thắng
Tại hội thảo góp ý dự thảo Nghị định Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) về bảo hiểm hưu trí bổ sung do Bộ LĐ-TB-XH tổ chức ngày 5.11, ông Trần Hải Nam, Phó vụ trưởng Vụ BHXH, cho hay hiện cả nước có 11,2 triệu người cao tuổi, nhưng chỉ có 2,15 triệu người được nhận lương hưu. Với mức hưởng bình quân 3,9 triệu đồng/tháng, cuộc sống của người lao động (NLĐ) khi về hưu rất khó khăn.
Hưu trí nhận tiền tỉ
Ông Nam cho rằng luật hiện hành quy định tiền lương tháng đóng BHXH của NLĐ tối đa là bằng 20 lần mức lương cơ sở. Trường hợp có lương cao hơn thì giới hạn trần đóng là chưa thuận lợi nếu NLĐ có nhu cầu được hưởng lương hưu cao hơn khi về già, tương ứng với mức lương khi họ còn đi làm.
“Trong bối cảnh thị trường lao động đầy biến động hiện nay, một số doanh nghiệp (DN) áp dụng chính sách thu hút nhân tài cũng mong muốn có một chế độ đãi ngộ NLĐ về khoản lương hưu bổ sung trong tương lai để khuyến khích họ làm việc lâu dài. Các DN mong muốn có một chính sách của nhà nước và nhận được sự ưu đãi về thuế nhằm bảo đảm quyền lợi tốt hơn cho NLĐ, với mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội”, ông Nam nói.
Dự thảo nghị định đang được lấy ý kiến các bộ ngành và các DN gồm 5 chương và 27 điều, trong đó phạm vi điều chỉnh là những NLĐ và người sử dụng lao động đang tham gia BHXH bắt buộc. Việc tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung được hai bên thống nhất trong thoả ước lao động tập thể. Đây là chính sách mang tính chất tự nguyện nhằm mục tiêu bổ sung cho chế độ hưu trí trong BHXH bắt buộc, có cơ chế tạo lập quỹ từ sự đóng góp của NLĐ và người sử dụng lao động dưới hình thức tài khoản tiết kiệm cá nhân, được bảo toàn và tích lũy thông qua hoạt động đầu tư theo quy định của pháp luật. Người sử dụng lao động đóng thấp hơn hoặc bằng 22% của 20 lần mức lương cơ sở. Do đây là chính sách bổ sung nên việc chi trả được thực hiện hằng tháng.
Theo tính toán của các chuyên gia, nếu nam giới 40 tuổi, đóng góp 2 triệu đồng/tháng (1 triệu đồng từ DN – 1 triệu đồng từ NLĐ) trong vòng 20 năm, tính cả khoản đầu tư gốc, các khoản thuế được hoãn và miễn, cộng lãi đầu tư, khách hàng sẽ thu về 1,018 tỉ đồng. Còn theo tính toán của các DN bảo hiểm, nếu tính mức lãi suất 8% và tuổi nghỉ hưu là 60, tham gia đóng BH từ năm 25 tuổi với mức đóng 1 triệu đồng/tháng, giá trị tài khoản hưu trí khi nghỉ hưu có thể lên tới hơn 2,3 tỉ đồng; thu nhập hưu trí bổ sung hằng tháng là 22 triệu đồng.
Khó khả thi
Theo bà Trần Thị Thuý Nga, Vụ trưởng Vụ BHXH, hiện một số công ty đã áp dụng hình thức đãi ngộ này thông qua việc trích lập một quỹ hưu trí bổ sung từ lợi nhuận sau thuế của DN để chi trả lương hưu bổ sung cho NLĐ khi họ hết tuổi lao động.
Tuy nhiên, ông Trương Hồng Dương, Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật Văn phòng Chính phủ, cho rằng còn rất nhiều vấn đề trong dự thảo nghị định phải làm rõ, nếu không rất khó có tính khả thi. Ông Dương băn khoăn: “Các nguyên tắc như hình thức đầu tư quỹ thế nào để tránh rủi ro hay nguyên tắc bảo toàn quỹ đều chưa thấy rõ. Ngay đến tiền bảo hiểm hưu trí bổ sung cũng chưa được làm rõ. Nó sẽ thuộc tài sản của riêng NLĐ hay của người sử dụng lao động. Nếu hoàn toàn là tài sản của NLĐ thì quyền định đoạt tài sản đó như thế nào? Đặc biệt vai trò của Bộ LĐ-TB-XH cũng như Bộ Tài chính như thế nào trong vấn đề này?”.
Theo ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng liên đoàn Lao động VN), trong thiết kế dự thảo, NLĐ và người sử dụng lao động thống nhất tham gia dựa vào thoả ước lao động tập thể là không ổn bởi hiện tại chỉ có hơn 40% DN có tổ chức công đoàn. Ông Quảng cũng đề nghị Bộ LĐ-TB-XH làm rõ trường hợp NLĐ đang nộp bảo hiểm hưu trí bổ sung nhưng nghỉ việc do chủ sử dụng lao động không bố trí việc, bị sa thải hoặc chuyển sang công việc khác dẫn đến không tham gia tiếp sẽ được giải quyết thế nào?
Đây là chính sách mang tính chất tự nguyện nhằm mục tiêu bổ sung cho chế độ hưu trí trong BHXH bắt buộc, có cơ chế tạo lập quỹ từ sự đóng góp của NLĐ và người sử dụng lao động dưới hình thức tài khoản tiết kiệm cá nhân, được bảo toàn và tích luỹ thông qua hoạt động đầu tư theo quy định của pháp luật
Ông Trần Hải Nam, Phó vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB-XH)

Thu Hằng