Tranh chấp trên Biển Đông: Đức kêu gọi sử dụng toà quốc tế

Thủ tướng Angela Merkel cho biết bà quan ngại về những hục hặc trên biển giữa hải quân Trung Quốc và hải quân Mỹ. Bà cũng kêu gọi đưa vấn đề tranh chấp ở Biển Đông ra toà án quốc tế.

 

Tranh chấp trên Biển Đông: Đức kêu gọi sử dụng toà quốc tế

 

Thủ tướng Angela Merkel cho biết bà quan ngại về những hục hặc trên biển giữa hải quân Trung Quốc và hải quân Mỹ. Bà cũng kêu gọi đưa vấn đề tranh chấp ở Biển Đông ra toà án quốc tế.




Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong cuộc họp báo - Ảnh: Reuters
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong cuộc họp báo – Ảnh: Reuters

Theo Reuters, trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc lần thứ tám ở cương vị lãnh đạo nước Đức, hôm qua Thủ tướng Angela Merkel cho biết bà quan ngại về những hục hặc trên biển giữa hải quân Trung Quốc và hải quân Mỹ. Bà cũng kêu gọi đưa vấn đề tranh chấp ở Biển Đông ra toà án quốc tế.

Trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh, Thủ tướng Merkel nói rõ: “Tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông là một xung đột nghiêm trọng. Tôi lấy làm ngạc nhiên khi thấy trong trường hợp này lại không xem toà án quốc tế như một giải pháp”. Bà cũng nhấn mạnh rằng tuyến hàng hải thương mại lớn này cần phải “được tự do và an toàn” vì nó quan trọng với tất cả mọi nước.

Trong khi đó, sau vụ tàu khu trục USS Lassen của Mỹ tuần tra gần các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở Trường Sa của Việt Nam, lãnh đạo hải quân Mỹ và Trung Quốc đã có cuộc hội đàm trực tuyến kéo dài một giờ vào hôm qua.

Thủ tướng Đức Angela Merkel trong cuộc họp báo chung tại Bắc Kinh - Ảnh: Reuters
Thủ tướng Đức Angela Merkel trong cuộc họp báo chung tại Bắc Kinh – Ảnh: Reuters

Cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều không muốn xảy ra xung đột quân sự, nhưng vấn đề cốt lõi ở chỗ những lợi ích chủ chốt của hai bên đang đụng độ nhau tại Biển Đông

NI LEXIONG (chuyên gia hàng hải thuộc Đại học Luật và khoa học chính trị Thượng Hải)

 

Theo Reuters, nguồn tin từ một quan chức Mỹ cho biết tư lệnh hải quân Mỹ John Richardson trao đổi với người đồng cấp Trung Quốc – tư lệnh hải quân Ngô Thắng Lợi về các hoạt động gần đây trên Biển Đông cũng như các quan hệ hợp tác hải quân. Đây là lần hội đàm trực tuyến thứ ba giữa tư lệnh hải quân hai nước.

Một người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết tại cuộc hội đàm trực tuyến này, ông Ngô Thắng Lợi trình bày rõ “quan điểm nghiêm túc của Trung Quốc về việc tàu chiến Mỹ đã xâm nhập mà chưa được phép” ở Biển Đông.

Trong một diễn biến khác, tờ China Daily bản tiếng Anh dẫn nguồn tin giấu tên cho biết đô đốc Harry Harris, tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, sẽ tới Bắc Kinh tuần tới nhưng không đưa thông tin chi tiết.

Người phát ngôn đại sứ quán Mỹ từ chối bình luận thông tin này, còn người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc chỉ nói kế hoạch công tác của ông Harry Harris tới Trung Quốc sẽ diễn ra trước thời điểm cuối năm nay. Tuy nhiên cả hai bên vẫn “đang trao đổi thông tin” về việc này và không nói gì thêm.

Đô đốc Harry Harris trước nay là người chỉ trích mạnh mẽ việc bồi đắp trái phép đảo nhân tạo của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa. Hồi đầu năm nay, ông nói Trung Quốc đang dùng các xe ủi và phương tiện nạo vét để tạo nên một “vạn lý trường thành bằng cát” ở Biển Đông.

Việt Nam kêu gọi các bên tuân thủ luật pháp quốc tế ở Biển Đông

Liên quan đến việc Mỹ đưa tàu đi qua khu vực một số cấu trúc địa lý thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam ngày 27-10 (giờ Việt Nam), Việt Nam kêu gọi các bên liên quan đóng góp tích cực vào việc duy trì hoà bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình còn nêu rõ rằng Việt Nam là quốc gia có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông và là thành viên Công ước LHQ về Luật biển năm 1982, Việt Nam tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông trên cơ sở các quy định có liên quan của công ước và phù hợp với các quy định của quốc gia ven biển.

QUỲNH TRUNG

D.KIM THOA