08/01/2025

Ở nhà rể

Hầu chồng khổ một thì ở nhà con rể hại não mười. Nhưng vì cháu, nên bà đành cố vậy!

 

Ở nhà rể

 

Hầu chồng khổ một thì ở nhà con rể hại não mười. Nhưng vì cháu, nên bà đành cố vậy!


 


Minh họa: DADMinh hoạ: DAD
Anh chị có kinh tế dư dả, lại có mỗi cô con gái rượu nên bao bọc con trong nhung lụa từ bé. Khi con lớn, chị cho lấy chồng Việt kiều, định cư ở nước ngoài.
Con gái vốn sướng từ bé, lại được bố mẹ sắp đặt sẵn “chỗ ngồi” cho nên “đặt đâu ngồi nguyên đấy”, ở nhà chăm lo nội trợ, chiều chiều đón chồng đi làm về. Hơn một năm sau, con gái sinh con, bà ngoại lại sang bên đó trông cháu đỡ cho con gái vì nó “chưa quen vất vả bao giờ” và “đã có kinh nghiệm gì đâu”?
Chuyện tiền
Anh con rể làm thuê cho một công ty chuyên sản xuất mạch điện tử, thu nhập cũng đủ sức nuôi hai mẹ con và còn đủ để biếu mẹ vợ đôi vé khứ hồi sang chăm sóc cho con mình. Nhưng bố mẹ vợ cũng thừa ý thức rằng, cháu ngoại không chỉ là con của con rể mà còn là con của con gái mình nữa, hơn nữa “nhà lại có điều kiện” nên chẳng nhẽ “ngửa tay” nhận “thù lao” của con rể “trả công” để mình chăm sóc chính… cháu mình! Vì thế, bà ngoại nhanh chân mua trước một cặp vé và “châu Âu thẳng tiến”.
Với phương châm “rể là khách”, “nhà rể không phải nhà mình”, bà ngoại triệt để giữ ý giữ tứ, luôn “biết mình là ai”, “chỗ của mình ở đâu”, “con gái mình ở vị trí nào” trong nhà con rể, nên nói gì, làm gì cũng vừa đủ độ, không thừa cũng không thiếu một “động tác” nào, đặt mục đích hàng đầu là chăm sóc cháu ngoại. Có thương con, thương cháu, muốn cung cấp, hỗ trợ con cháu thì cũng chỉ “hiên ngang” ra mặt cho cháu ngoại hoặc “dấm dúi” cho con gái một khoản tiêu vặt. Cho cháu thì không sao, bởi đó thể hiện tình cảm yêu quý của bà ngoại với cháu, nhưng mẹ vợ mà “trót dại” nói ra là cho con gái tiền để chi phí cho sinh hoạt thì coi chừng chạm vào tự ái của chàng rể rồi lại lục đục, phiền phức. Chàng ta sẽ bằng cách này, cách khác tỏ thái độ rằng: Thế ra mẹ coi thường “tôi” không lo được cho vợ con để đến nỗi mẹ phải “nuôi hộ” vợ cho “tôi”? Nếu vậy thì con gái mẹ đi làm đi để tự nuôi được mình và nuôi được con, khỏi phải sống “tầm gửi”.
Ngay như việc mẹ vợ ăn, ở, sinh hoạt hàng mấy tháng tại nhà con rể mà không muốn bị mang tiếng là “sống bằng tiền của rể”, cũng phải cư xử hết sức khéo léo, tế nhị. Mẹ vợ mà công khai đưa tiền trang trải chi phí thì nhất định là không ổn, rể nào dám chìa tay ra cầm? Bà đến trông con cho nó cơ mà? Có phải đến “ăn hại” đâu? Nhưng cũng chẳng thể “phớt ăng lê” mà xử sự sòng phẳng như kiểu “người giúp việc” với “chủ nhà”! Thế là “cháu ngoại” là một “lý do” hết sức hợp tình, hợp lý. Cứ “bà cho con cún con của bà để cún con hay ăn chóng nhớn nhé”! Thế là cả hai họ đều… dễ xử!
Chuyện ứng xử trong nhà
Con rể là người kiếm tiền nuôi gia đình nên ở nhà hiếm khi đụng vào việc gì. Tiền kiếm được tỷ lệ thuận với áp lực công việc nên cứ về đến nhà là nét mặt kém vẻ nhẹ nhõm. Mẹ vợ biết ý nên lúc nào cũng “đi nhẹ, nói khẽ”, nồi niêu xoong chảo hết sức tránh va vào nhau kêu xủng xoảng, kẻo con rể nó… “nhức đầu”!
Thậm chí, hôm nào nó mặt nặng mày nhẹ với vợ, kể cả con gái mình sai hay đúng, mặc dù xót con lắm nhưng mẹ vợ cứ phải đóng vai… trọng tài phân xử, bênh con gái một thì bênh con rể mười, chỉ “xoa” chứ không “đấm” để cho không khí “hạ nhiệt”. Chứ vợ chồng nó mà “đóng cửa đại sứ quán có thời hạn” (chứ chưa nói đến đóng cửa vô thời hạn) thì không những thiệt con, thiệt cháu mà còn gây… khó xử cho chính mình.
Mà sao khi ở nhà rể, tính “nhạy cảm” của mẹ vợ được phát huy cao độ, nâng lên hẳn một tầm cao mới. Bất cứ nó nói câu gì là mẹ vợ lại “lao động trí óc” khá căng thẳng để xem nó nói câu đó là vô tình hay cố ý? Câu nói đó chỉ có nghĩa đen hay còn cả nghĩa bóng? Ý nghĩa của câu này là gì? “Nội hàm” của từ nọ ra sao? Có khi nó chỉ nói mỗi một câu từ buổi sáng rồi đi làm mà khiến mẹ vợ nghĩ ngợi, phân tích hết cả ngày. “Hại não” hết sức!
Nhiều lúc ngồi nghĩ lẩn thẩn: Có khi ở nhà mình cũng chẳng phải hầu chồng chu đáo như “hầu” cái thằng rể này? Ông ấy có nói gì khiến mình bực dọc, mình còn “bật” lại rất nhiệt tình, vậy mà “ông con rể” tỏ thái độ thế nào, nói “bóng gió” ra sao mình cũng “nhịn như nhịn… cơm sống”, âm thầm nuốt “nỗi niềm” vào trong lòng, ứng xử ngoài mặt cứ gọi là “mát như thạch”, kẻo không khéo rồi… con mình nó khổ!

 

Bùi Thuý Hạnh