11/01/2025

6 điều mẹ dặn nhỏ khi con gái lấy chồng

Sáu điều mẹ dặn con gái là trách nhiệm của người mẹ và cao hơn là trách nhiệm của một công dân khi trao cho xã hội một “đơn vị gia đình” mới.

 

6 điều mẹ dặn nhỏ khi con gái lấy chồng

 

Sáu điều mẹ dặn con gái là trách nhiệm của người mẹ và cao hơn là trách nhiệm của một công dân khi trao cho xã hội một “đơn vị gia đình” mới.


 


Đừng sáp nhập hai cuộc đời lại làm một mà cùng phát triển hai cuộc đời - Ảnh: Quân Nam
Đừng sáp nhập hai cuộc đời lại làm một mà cùng phát triển hai cuộc đời – Ảnh: Quân Nam

Với nhiều cô gái trẻ, hành trang về nhà chồng bên cạnh những món vật chất hữu hình, còn là kinh nghiệm sống được trao gửi từ mẹ. Và một người mẹ đã gửi đến con gái sáu điều cần nhớ, thật ra cũng là sáu điều các cặp vợ chồng nên nhớ để mang lại cuộc sống hạnh phúc.

Sáu điều mẹ dặn con gái là trách nhiệm của người mẹ và cao hơn là trách nhiệm của một công dân khi trao cho xã hội một “đơn vị gia đình” mới.

“Hạnh phúc là thứ luôn phải vận hành, lung linh; không thể đóng khung, ép uổng. Mọi sự ép buộc (dù là ép buộc vì “tình nghĩa”) không bao giờ đem lại hạnh phúc đích thực. Hàng giả làm hại ta một lúc, hạnh phúc giả tàn phá ta cả đời! Vợ chồng gắn kết bằng sự siết chặt bàn tay của hai người chớ không phải bằng một bàn tay níu kéo

1 Đặt mình vào vị trí một con người hoàn chỉnh

Khi quyết định thành hôn, con phải tự tin rằng cơ bản mình đã là người hoàn chỉnh. Biết đặt mình vào vị trí một người trưởng thành, vững chãi, con mới có khả năng xây dựng một gia đình. Đừng tự ti nghĩ mình mới là một nửa và phải “đi tìm một nửa của mình”.

“Một nửa của mình” không thể ở trong người khác. Không thể ráp nửa người này và nửa người kia thành một con người! Mỗi con người là một đơn vị bản thể riêng biệt hoàn chỉnh. Nếu ta chưa hoàn chỉnh thì dần tự hoàn chỉnh chứ không phải đi lấy của người khác lắp vào mình được.

“Đi tìm một nửa của mình” khởi nguyên là câu đức Phật nói, khuyên con người tìm lại thực tính của mình bị che lấp bởi cái tôi bản ngã chớ không phải đi tìm nửa của mình ở đâu đó trong một người khác. Hiểu đúng mình, tự hoàn thiện, có trách nhiệm với mình trước, con mới có khả năng sống tốt bên cạnh một người khác.

2 Trở nên hữu ích cho nhau, nâng nhau lên

Kết hợp hai con người, trở thành vợ chồng thì phải hết sức tạo điều kiện để tôn cao nhau lên, chớ không vì hoà hợp mà cùng cào bằng nhau xuống, xén bớt cho ngang nhau. Làm thế nào để từ khi có vợ có chồng, mỗi người trở nên hay hơn, giỏi hơn, tốt hơn, thoát hơn chứ chẳng phải trở nên một bè quện nhau xà quần tư hữu.

Người này biến người kia thành sở hữu của mình, chỉ quan tâm đến mình, chỉ biết có vòm trời trên tổ ấm, thui chột những lý tưởng, ước mơ từng có. Nâng nhau lên không nhất thiết cần một người phải chìm xuống. (“Hi sinh” không phải là giải pháp tốt; tốt nhất là không ai phải hi sinh mà vẫn có một thành quả vẹn toàn. Hỗ trợ bổ sung chớ không phải là thay thế).

Kết hợp hai con người là phải mang đến hai nhân tố tốt hơn cho gia đình và xã hội. Có thêm một gia đình là có thêm những con người trưởng thành, hoàn hảo, phát huy, thi triển được đến mức cao nhất khả năng của từng người.

3 Đồng hành, nương tựa chớ không phó thác, dựa dẫm

Quyết định chọn một người bạn đời là cùng người ấy song hành với mình trong cuộc sống, nương tựa nhau và cùng bước chân đi chứ không phải đứng tựa luôn vào người ấy hay di chuyển bằng đôi chân của người ấy. Hành lý các con có thể san sẻ cho nhau nhưng hành trang của ai người đó phải tự trang bị và sử dụng, không thể dùng của người khác.

Con không thể mượn sức khỏe của chồng để con không bị bệnh, con không thể mượn trí tuệ của chồng để con thông minh. Không ai có thể cho hay lấy cuộc đời của người khác làm cuộc đời của mình.

Đừng sáp nhập hai cuộc đời lại làm một mà cùng phát triển hai cuộc đời. Như hai cái cây, các con giúp nhau vươn lên chứ đừng biến một cây thành chùm gởi. Cây dù khoẻ mạnh đến đâu, mang gánh chùm gởi một thời gian rồi cũng sẽ không trụ nổi, phải lụi tàn! Hai cái cây biết nương vào nhau, chịu được gió dông, vươn cao hơn, xanh tốt.

4 Tri kỷ, lãng mạn, hài hước

Mọi lời khuyên về gia đình đều bảo con hãy “làm mới” cuộc sống vợ chồng, chống nhàm chán, bởi dù yêu nhau đến mấy, sống mãi với nhau năm này qua tháng kia cũng chán! (Đâu phải phù thuỷ mà làm mới được hoài, trong khi “chán” là tính bẩm sinh của con người, luôn chực sẵn).

Một bí quyết đơn giản “chống chán” cơ bản bền vững nhất trong cuộc sống vợ chồng là luôn trở thành bạn bè nhau. Không ai chán một người tri kỷ. Thường trước khi yêu nhau các con là bạn bè, vậy mà sau khi cưới các con lại bỏ đi yếu tố cốt lõi đó. Vợ chồng có thể là giai đoạn, nhưng tri kỷ là người cần cho suốt cuộc đời.

Đâu chỉ những niềm vui lớn lao mới đem lại tiếng cười; những hành động, câu nói hài hước thông minh, dí dỏm cũng mang lại tiếng cười hạnh phúc. Con nên trang trí cho tổ ấm của mình bằng những yếu tố lãng mạn và hài hước miễn phí như thế.

5 Giữ nhau bằng tình yêu, tự nguyện

Dù là phụ nữ con hãy sống như quân tử, đừng dựa thế, ràng buộc nhau bằng luật pháp hôn nhân hay trách nhiệm, đạo đức. Hãy giữ chồng bằng tình yêu, bằng sự ngạc nhiên thú vị hằng ngày, bằng sự cảm kích và trân trọng đối với vợ.

Tình yêu: luôn chăm chút vun bón, không lơ là, già cỗi. Sự ngạc nhiên: đừng sống lười, phải tích cực tạo ra niềm vui cho nhau. Cảm kích: hết lòng hiếu thuận với cha mẹ chồng, đảm đang lo cho tổ ấm. Sự trân trọng của người đàn ông dành cho phụ nữ không chỉ vì người phụ nữ ấy tài giỏi, mà còn vì người phụ nữ ấy hoàn thành tốt vai trò phụ nữ, do đó hãy giữ chồng bằng chính một người vợ tuyệt vời chứ không phải bằng quyền người vợ!

Hạnh phúc là thứ luôn phải vận hành, lung linh; không thể đóng khung, ép uổng. Mọi sự ép buộc (dù là ép buộc vì tình nghĩa) không bao giờ đem lại hạnh phúc đích thực. Hàng giả làm hại ta một lúc, hạnh phúc giả tàn phá ta cả đời! Vợ chồng gắn kết bằng sự siết chặt bàn tay của hai người chớ không phải bằng một bàn tay níu kéo.

6 Đủ khả năng nuôi và dạy tốt thì mới sinh con

Thế giới “láu táu” cho ra cái gọi là “Quyền trẻ em” trong khi đáng lẽ cái quan trọng cần phải có trước đó là “Luật cha mẹ”. Nếu chưa bảo đảm đủ khả năng nuôi và dạy tốt một con người thì tuyệt đối đừng sinh con. Một đứa trẻ không phải là món đồ giải khuây, giải trí cho cha mẹ. Con cần nghĩ đến trách nhiệm với xã hội, với chính “sản phẩm con người” mà mình tạo ra.

Đừng quàng lên đầu trẻ em những nhiệm vụ từ những mưu mô, tính toan của người lớn. Đừng sinh con khi mình “cần”, hãy sinh con khi mình “đủ” khả năng đảm bảo cho một con người có mặt trong cuộc đời này.

 

Nhà thơ THU NGUYỆT