11/01/2025

Níu kéo hạnh phúc

“Tôi và cô ấy đã hết tình cảm, mâu thuẫn trầm trọng không thể nào hoà giải, xin tòa cho chúng tôi ly hôn”. Trước những lời lẽ cương quyết của anh, chị nhỏ nhẹ: “Anh ấy nói không đúng…”.

Níu kéo hạnh phúc

 

 “Tôi và cô ấy đã hết tình cảm, mâu thuẫn trầm trọng không thể nào hoà giải, xin tòa cho chúng tôi ly hôn”. Trước những lời lẽ cương quyết của anh, chị nhỏ nhẹ: “Anh ấy nói không đúng…”.



niukeo-8read-only-1440283541.jpg

Phiên toà phúc thẩm xét xử vụ tranh chấp hôn nhân và gia đình được Toà án nhân dân TP Hà Nội mở ngày 2-7.

Anh đến tòa cùng luật sư của mình, chị đi cùng bố mẹ anh. Người đi trước, người đến sau, không ai nói với ai câu nào.

Họ từng có một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Anh chị cưới nhau năm 2004. Đến năm 2008, khi chị sinh con thứ hai, anh xa nhà đi làm ăn thì vợ chồng phát sinh mâu thuẫn. Anh về nhà thú nhận với vợ và gia đình nội ngoại mình có tình cảm với người phụ nữ khác và nộp đơn ly hôn. 

Xét xử sơ thẩm, Toà án nhân dân huyện Đông Anh bác yêu cầu ly hôn của anh. Anh làm đơn kháng cáo.

Người buông, kẻ níu

“Tôi và cô ấy mâu thuẫn năm 2008 rồi ly thân từ lâu. Chúng tôi cơm ai người ấy ăn, tiền ai người ấy tiêu, không còn tình cảm gì nữa. Có lần bất hoà cãi vã, tôi đã tát cô ấy. Gia đình và chính quyền phải hoà giải rất nhiều lần” – anh trình bày lý do kháng cáo. 

Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho anh nói thêm từ năm 2008 anh đã có tình cảm với người khác, hai bên gia đình không hoà giải được.

Năm 2008, anh đã nộp đơn xin ly hôn ra toà nhưng không hiểu vì lý do gì toà lại nói vụ án bị đình chỉ nên khuyên anh rút đơn. Anh đã rút đơn và giờ nộp đơn trở lại. “Anh ấy đã dứt khoát và quyết tâm như vậy thì mong toà giải quyết để cho anh ấy một lối thoát” – luật sư nói.

Trong khi cả chồng lẫn luật sư đều nhấn mạnh những mâu thuẫn, cốt để toà hiểu cuộc hôn nhân của họ không thể nào cứu vãn nổi thì chị lại nhẹ nhàng bảo vợ chồng họ không có mâu thuẫn gì.

Bao nhiêu năm anh đi làm xa, chị vẫn sống chung với bố mẹ chồng để chăm lo con cái. Anh chị vẫn đóng góp tiền cho bố mẹ chi tiêu trong gia đình. Vợ chồng cũng chưa bao giờ gây gổ đánh nhau phải nhờ đến sự hoà giải của gia đình và chính quyền như lời anh nói.

Nghe các bên trình bày, chủ toạ phiên toà gọi anh đứng lên, giọng bà gay gắt: “Tại sao anh đang có gia đình mà lại chung sống như vợ chồng với người phụ nữ khác?

Hôn nhân hợp pháp của anh được pháp luật bảo vệ chứ không phải cứ ngoại tình rồi về ruồng rẫy vợ con, lại còn đòi ly hôn. Không phải cứ thích ly hôn thì pháp luật cho ly hôn đâu”.

Anh đáp lại: “Do mâu thuẫn của chúng tôi ngày càng trầm trọng…”. Chủ toạ ngắt ngang: “Sao mà mâu thuẫn? Chị có ăn bám anh không? Chị có ngoại tình không? Có ngược đãi bố mẹ chồng không? Có mắc tệ nạn xã hội, chơi cờ bạc mà không chăm lo cho gia đình không?”.

Trước các câu hỏi liên tiếp ấy, anh đều trả lời “không”. “Vậy lý do tại sao anh muốn ly hôn?”. Lần này anh thẳng thắn thừa nhận mình không còn tình cảm với chị nữa mà đã thương người phụ nữ khác. 

Chủ toạ buông tiếng thở dài: “Cuộc đời người đàn ông nhiều vợ nhiều con không sung sướng gì đâu. Kết hôn về không chỉ có tình yêu, không còn sự thơ mộng mà đó là trách nhiệm, nghĩa vụ với gia đình, với con cái.

Các cháu còn bé vậy, anh có gia đình mới, chị có gia đình mới. Ai sẽ chăm sóc các cháu?”. Anh im lặng. 

Toà cho rằng những lời nói của anh đều không có chứng cứ, trong khi cả chị và hai bên gia đình nội ngoại đều đề nghị toà không cho họ ly hôn, họ sẽ khuyên nhủ anh dần dần. Chính vì vậy, toà không chấp nhận yêu cầu ly hôn của anh.

Níu giữ

Điều lạ là suốt cả buổi xét xử, ông bà không thèm nói với con trai mình một tiếng nào mà chỉ bênh vực con dâu.

Được mời phát biểu trước toà, giọng bà run run vì bức xúc: “Con dâu tôi ngoan ngoãn, hiền lành, cả nhà tôi ai cũng thương. Hàng xóm chưa bao giờ nghe một tiếng cãi vã nhau của gia đình tôi.

Làm sao luật sư dám nói gia đình tôi chửi đánh nhau? Luật sư có chịu trách nhiệm nếu gia đình tôi tan nát không?”.

Khi thẩm vấn, đại diện viện kiểm sát hỏi anh đã bị lập biên bản lần nào về hành vi ngoại tình chưa, đã bị xử phạt hành chính chưa,  anh trả lời chưa.

Đại diện viện kiểm sát giải thích: “May mà vợ anh chưa làm đơn tố cáo. Chỉ cần chị, gia đình anh hoặc các tổ chức xã hội tố cáo việc anh chung sống với người phụ nữ khác có con, anh sẽ bị xử phạt hành chính.

Nếu sau khi xử phạt mà anh vẫn tiếp tục vi phạm thì sẽ bị xử lý hình sự về tội vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng. Rất may cho anh là chưa vướng vào vòng lao lý…”.

Sau khi được nghe giải thích, anh bàn với luật sư đồng ý rút đơn khởi kiện, rút đơn kháng cáo. Toà chấp nhận sự tự nguyện của anh, tuyên đình chỉ giải quyết vụ án, huỷ bản án sơ thẩm. Họ trở lại là vợ chồng hợp pháp, cuộc hôn nhân được pháp luật bảo vệ.

Hôm ấy, vị thẩm phán đã nhiều lần hỏi chị nếu toà bác đơn kháng cáo của anh trong khi anh đã có người phụ nữ khác, chị cứ níu kéo như vậy thì có khổ cho chị không? Hạnh phúc khi người muốn níu, kẻ cương quyết buông tay có bền vững, hạnh phúc được không? 

Trước câu hỏi ấy, có lúc chị lặng thinh, có lúc chị cương quyết nói chị còn thương chồng, thương con lắm nên không muốn ly hôn.

Đời người con gái chỉ sang một lần đò

Tám năm nay khi tình cảm vợ chồng nhạt phai, chị vẫn bươn chải làm ăn chăm lo cho con cái và bố mẹ chồng. Thương con dâu, ông bà đã đề nghị với toà giả sử anh chị ly hôn thì hãy để chị được nuôi con, ông bà sẽ cho chị nhà để ở.

Tám năm, anh công khai có người phụ nữ khác. Chị đã tìm về tận Nghệ An gặp người phụ nữ ấy, đã khuyên nhủ hết lời cũng không giữ được trái tim anh cho mình. Anh thỉnh thoảng gây sự, tát chị rồi đuổi chị ra khỏi nhà, chị vẫn nhẫn nhục chịu đựng.

“Đời người con gái chỉ sang một lần đò. Tôi chỉ lấy chồng một lần và sẽ không bao giờ có lần thứ hai.”

Dù anh có ruồng rẫy thì thôi cứ ở với ông bà, để các con có một gia đình, có nhà nội để nương tựa, biết đâu sau này anh hồi tâm chuyển ý mà quay về” – những suy nghĩ ấy đã giúp chị sống vững vàng trong ngôi nhà chỉ có sự lạnh lẽo của anh.

TÂM LỤA