Bánh chia sẻ

Đức Giêsu không yêu cầu điều chúng ta không có, nhưng Người chỉ cho chúng ta thấy, nếu mỗi người hiến trao cái ít ỏi mình có, thì phép lạ luôn lại được tái diễn: Thiên Chúa có khả năng nhân rộng cử chỉ tình yêu bé nhỏ của chúng ta, và làm cho chúng ta tham dự vào hồng ân của Ngài.

 Bánh chia sẻ

Kinh Truyền Tin
Dinh Tông Toà Castel Gandolfo
Chúa Nhật XVII TN, 29/7/2012

Anh chị em thân mến,

Trong Chúa Nhật hôm nay, chúng ta bắt đầu đọc chương 6 Phúc Âm theo Thánh Gioan. Chương 6 bắt đầu bằng cảnh Chúa hoá bánh ra nhiều, và sau đó, Đức Giêsu đã chú giải trong hội đường Caphanaum, Người xem mình là “bánh” ban sự sống. Những việc Đức Giêsu làm thì song song với những việc Người làm trong đêm Tiệc Ly: “Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn rồi phân phát cho những người ngồi đó”,- Phúc Âm đã tường thuật như thế (Ga 6,11). Chúng ta thấy chủ đề về “bánh” chia sẻ cho nhau và hành động tạ ơn được nhấn mạnh (c. 11, từ Hy Lạp là eucharistesas), nhắc cho chúng ta nhớ lại Bí tích Thánh Thể, Hy tế của Đức Kitô để cứu rỗi trần gian.

Thánh sử ghi nhận rằng lễ Vượt Qua nay đã đến gần (x. c. 4). Cái nhìn hướng về Thánh giá là hồng ân tình yêu, và hướng về Thánh Thể vĩnh cửu hoá hồng ân này: Đức Kitô biến mình thành bánh nuôi sống mọi người. Thánh Âu Tinh chú giải như sau: “Ai là bánh từ Trời xuống, nếu không phải là Đức Kitô? Nhưng để cho con người có thể ăn được bánh các Thiên thần, thì Chúa của các Thiên thần cũng phải làm người. Nếu Người không làm thế, thì chúng ta sẽ không có được thân mình của Người; khi chúng ta không có được thân mình của Người, thì chúng ta không ăn được bánh bàn thờ” (Bài giảng 130, 2). Thánh Thể là sự gặp gỡ quan trọng và thường xuyên của con người với Thiên Chúa, và trong cuộc gặp gỡ này, Chúa trở nên lương thực nuôi sống chúng ta, trao ban chính mình cho chúng ta để biến đổi chúng ta trong Người.

Trong phép lạ hoá bánh ra nhiều, ta thấy có nhắc đến một bé trai, khi em thấy các Tông đồ không thể nào cho dân chúng ăn no, nên đã đóng góp cái ít ỏi của mình: năm cái bánh và hai con cá (x. Ga 6,8). Phép lạ không được thực hiện từ con số không, nhưng từ sự chia sẻ đầu tiên thật nhỏ bé của cái mà cậu thiếu niên tầm thường có bên mình. Đức Giêsu không yêu cầu điều chúng ta không có, nhưng Người chỉ cho chúng ta thấy, nếu mỗi người hiến trao cái ít ỏi mình có, thì phép lạ luôn lại được tái diễn: Thiên Chúa có khả năng nhân rộng cử chỉ tình yêu bé nhỏ của chúng ta, và làm cho chúng ta tham dự vào hồng ân của Ngài. Đám đông được đánh động bởi điều kỳ diệu này: họ thấy trong con người Đức Giêsu, Môisen mới, xứng đáng với quyền năng của mình, và trong bánh manna mới, tương lai sẽ được bảo đảm, nhưng đám đông chỉ dừng lại ở yếu tố vật chất, là họ đã được ăn no nê, còn Chúa, “khi thấy dân chúng sắp túm lấy Người để tôn Người làm vua, thì Người liền trốn lên núi một mình” (Ga 6,15). Đức Giêsu không phải là một ông vua trần gian sử dụng quyền thống trị của mình, mà là một vị vua phục vụ, một vị vua cúi xuống trên con người để làm thoả mãn, không những cơn đói vật chất, mà nhất là cơn đói sâu xa hơn, cơn đói định hướng, cơn đói ý nghĩa, cơn đói chân lý, cơn đói Thiên Chúa.

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy cầu xin Chúa giúp chúng ta tái khám phá tầm quan trọng của việc nuôi sống mình, không chỉ bằng cơm bánh, mà còn bằng chân lý, tình yêu, Đức Kitô, thân mình Đức Kitô, khi trung thành tham dự Thánh lễ, với một ý thức sâu xa, để luôn kết hợp cách mật thiết hơn với Người. Thật thế, “không phải Bánh Thánh Thể được biến đổi thành chúng ta, mà đúng hơn, chính chúng ta lại được Bánh Thánh Thể biến đổi một cách mầu nhiệm. Đức Kitô nuôi sống chúng ta bằng cách liên kết chúng ta với Người; Người lôi kéo chúng ta vào trong Người” (Tông huấn Sacramentum caritatis [Bí tích tình yêu], s. 70). Đồng thời, chúng ta hãy cầu xin Chúa cho không một ai phải thiếu đi cơm bánh cần thiết để sống một đời sống xứng đáng, và triệt hạ những bất bình đẳng, không phải bằng bạo lực mà bằng chia sẻ và tình yêu.

Chúng ta phó dâng mình cho Đức Trinh Nữ Maria, và cầu xin Mẹ lấy tình mẹ hiền mà gìn giữ chúng ta và những người chúng ta yêu mến.