Châu Âu muốn trừng phạt Hi Lạp?

Cuộc trưng cầu ý dân gây chấn động dường như đã trở thành một nước cờ sai lầm tai hại của chính quyền Thủ tướng Hi Lạp Alexis Tsipras. Bởi giờ đây châu Âu đòi Athens phải chấp nhận phục tùng hơn nữa.

 

Châu Âu muốn trừng phạt Hi Lạp?

 

Cuộc trưng cầu ý dân gây chấn động dường như đã trở thành một nước cờ sai lầm tai hại của chính quyền Thủ tướng Hi Lạp Alexis Tsipras. Bởi giờ đây châu Âu đòi Athens phải chấp nhận phục tùng hơn nữa.

 

 

Bộ trưởng Tài chính Hi Lạp Euclid Tsakalotos tỏ ra căng thẳng khi chờ đợi cuộc họp Eurogroup nối lại - Ảnh: Reuters
Bộ trưởng Tài chính Hi Lạp Euclid Tsakalotos tỏ ra căng thẳng khi chờ đợi cuộc họp Eurogroup nối lại – Ảnh: Reuters

Theo Reuters, ngày 12-7 Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk thông báo các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định hoãn hội nghị thượng đỉnh ở Brussels (Bỉ) có tính chất quyết định đối với tương lai của Hi Lạp.

Trước đó, bộ trưởng tài chính các nước khối đồng euro (Eurogroup) đã tạm dừng cuộc họp thảo luận về các đề xuất cải cách của Hi Lạp từ ngày 11 sang 12-7 (giờ Brussels) vì hàng loạt vướng mắc và bất đồng 
với chính quyền Athens.

Chủ tịch Eurogroup Jeroen Dijsselbloem mô tả cuộc họp diễn ra “vô cùng khó khăn” và các bộ trưởng đã thảo luận rất căng thẳng về “niềm tin” đối với chính quyền Hi Lạp.

Theo kế hoạch ban đầu, cuộc họp của Eurogroup sẽ mở đường để 28 nhà lãnh đạo EU ký một thoả thuận cứu trợ Hi Lạp. Đây được xem là cơ hội cuối cùng để Hi Lạp được ở lại khối đồng euro. Thay vào đó, Athens sẽ phải đối mặt với một tuần mới đầy bất ổn và mù mờ.

Buộc bụng chặt hơn

Mới một tuần trước, trong cuộc trưng cầu ý dân, chính phủ và nhân dân Hi Lạp cương quyết nói không với các điều kiện ngặt nghèo mà bộ ba chủ nợ Uỷ ban châu Âu (EC), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ép Athens thực hiện để được cứu trợ.

Tuy nhiên, sau đó chính quyền Thủ tướng Tsipras bất ngờ thay đổi thái độ hoàn toàn. Ông Tsipras trình lên khối đồng euro kế hoạch cải cách tài chính với những biện pháp thắt lưng buộc bụng cùng khổ chẳng khác gì những đòi hỏi của châu Âu.

Theo giới quan sát, có thể thấy chính quyền Hi Lạp xác định dù các biện pháp thắt lưng buộc bụng là vô cùng đau đớn và có thể khiến khủng hoảng tài chính nước này thêm tồi tệ, nhưng cắt đứt quan hệ với khối đồng euro sẽ là một thảm hoạ.

Ông Tsipras đặt cược kết quả trưng cầu ý dân sẽ tạo lợi thế để Hi Lạp giành được một thoả thuận có phần dễ thở hơn từ châu Âu. Nhưng dường như nước cờ 
này đã phản tác dụng.

Bởi trong cuộc họp ở Brussels, Eurogroup đòi hỏi Hi Lạp phải thắt lưng buộc bụng chặt hơn nữa và ngay lập tức. Các bộ trưởng muốn Athens cam kết rõ ràng về các biện pháp tự do hoá thị trường, luật lao động, tư nhân hoá, cải tổ nhà nước, cắt giảm chi tiêu quốc phòng…

Đáng kể hơn, Eurogroup ép chính quyền Hi Lạp phải thông qua hàng loạt luật thắt lưng buộc bụng mới ngay từ hôm nay 13-7.

Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble chỉ trích chính quyền Athens liên tục thất hứa. “Chúng tôi không thể tin vào những lời hứa hão” – ông Schaeuble nhấn mạnh.

Thậm chí Bộ Tài chính Đức tuồn ra một báo cáo mô tả kịch bản khối đồng euro tạm thời trục xuất Hi Lạp trong vòng năm năm nếu nước này không đề ra các biện pháp giảm chi ngặt nghèo hơn. Theo đó, sau năm năm Hi Lạp sẽ phải làm các thủ tục để được gia nhập lại khối đồng euro.

“Đức sỉ nhục Hi Lạp?”

Báo Washington Post dẫn lời một số chuyên gia nhận định tình trạng bế tắc ở Brussels cho thấy sự chia rẽ giữa các quốc gia châu Âu muốn níu giữ Hi Lạp trong khối đồng euro và các nước đòi “xử” Athens để làm gương.

Các bộ trưởng không muốn ủng hộ một thỏa thuận cứu trợ nhanh chóng đều cho thấy sự bất tín nhiệm nghiêm trọng đối với chính quyền Thủ tướng Tsipras. Bởi mới chỉ hơn một tuần trước đây, ông Tsipras còn dẫn đầu chiến dịch chống đối chương trình thắt lưng buộc bụng 
đổi cứu trợ từ châu Âu.

Từ Athens, ông Dimitrios Papadimoulis – phó chủ tịch Nghị viện châu Âu và là nghị sĩ Đảng cầm quyền Syriza – chỉ trích Đức, chủ nợ lớn nhất của Hi Lạp, đang cố tình tìm cách “sỉ nhục” nước này khi đưa ra các yêu sách thắt lưng buộc bụng mới.

“Những gì đang diễn ra là âm mưu sỉ nhục đất nước và người dân Hi Lạp hoặc ý đồ lật đổ chính quyền Thủ tướng Tsipras” – Mega TV dẫn lời ông 
Papadimoulis bức xúc nói.

Reuters cũng dẫn lời một quan chức chính quyền Hi Lạp cáo buộc một số quốc gia “không muốn đạt thoả thuận vì những lý do hoàn toàn không liên quan đến cải tổ tài chính”.

Ông cho biết bộ trưởng các nước này “không đưa ra yêu cầu rõ ràng mà chỉ nhắc đến vấn đề lòng tin”. Nghị sĩ Syriza Dimitri Sevastakis mô tả những gì Eurogroup đòi hỏi “không phải là cải tổ mà là một hình thức trừng phạt và báo thù”.

Nhưng không chỉ có Đức cứng rắn với Hi Lạp. Nguồn tin từ Brussels tiết lộ chính quyền Phần Lan cũng công khai quan điểm sẵn sàng để Hi Lạp rời khối đồng euro.

Một nguồn tin khác cho biết ít nhất 10 quốc gia khối đồng euro đòi Hi Lạp phải thắt lưng buộc bụng cùng khổ hơn nữa mới cứu trợ tài chính. Nhóm này cũng muốn bộ ba chủ nợ EC, ECB và IMF giám sát chặt chẽ quá trình cải cách của Athens.

Hi Lạp cần tới 74 tỉ euro

Trong gói đề xuất cải cách tài chính, Hi Lạp đề nghị châu Âu hỗ trợ 53,5 tỉ euro (59,47 tỉ USD) trong vòng ba năm tới. Tuy nhiên, tổng quy mô gói cứu trợ mới có thể lên đến 74 tỉ euro (82,5 tỉ USD) do Athens muốn tái cơ cấu khối nợ khổng lồ của nước này. Trong số 74 tỉ euro, khoảng 58 tỉ euro sẽ đến từ quỹ cứu trợ ESM của EU.

 

HIẾU TRUNG